Một ngôi nhà tại xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bị hư hỏng khi toàn bộ phần sân và tường nhà bị đổ sập, cuốn trôi sau đợt lũ tháng 10. Người dân phải bắc 'cầu khỉ' để vào nhà - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 21-12 tại Hà Nội, WB công bố báo cáo "Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu: Làm thế nào để Việt Nam trở thành quốc gia trong phục hồi xanh".
Trực diện những thiệt hại khủng khiếp gây ra bởi thiên tai và thảm họa môi trường xảy ra gần đây tại Việt Nam, ấn phẩm đặt vấn đề tại sao Việt Nam chưa xử lý thách thức về khí hậu và môi trường hiệu quả như đối với COVID-19.
Ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nhìn nhận thành công trong ứng phó đại dịch của Việt Nam dựa trên ba trụ cột chính là Chuẩn bị sẵn sàng, Khả năng phản ứng nhanh và Chiến lược khéo léo thể hiện thông qua đảm bảo trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ trong truyền tải thông tin.
"Những biện pháp này hoàn toàn có thể áp dụng vào việc giải quyết các vấn đề khí hậu và môi trường", ông Morisset nói, đồng thời nhấn mạnh thực trạng chính phủ và người dân các nước, không riêng gì Việt Nam, đang "đủng đỉnh" trong việc điều chỉnh chính sách và hành động với biến đổi khí hậu.
"Trong khi đó, biến đổi khí hậu có thể lấy đi của Việt Nam từ 6-7% GDP", kinh tế trưởng WB nhận định.
Chia sẻ vấn đề này, giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nói Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau COVID-19 một cách xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, nhờ đó giúp Việt Nam vững vàng hơn đối với các khủng hoảng y tế và môi trường trong tương lai.
"Việt Nam phải xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với COVID-19 vì cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược.
Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ rệt về sự mong manh và dễ tổn thương", bà Turk chia sẻ.
Nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rõ rệt khi hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục vận hành trong khi các nước còn lại đang đối mặt với sự đình trệ, giám đốc quốc gia WB gợi ý Việt Nam nên sử dụng thời gian này để thực hiện những cải cách sâu sắc hơn nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo và sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này.
Việt Nam dự kiến tăng trưởng gần 3% vào năm 2020 trong khi kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm ít nhất 4%, theo báo cáo vừa được công bố.
Nhóm nghiên cứu của WB cũng cho rằng Việt Nam có thể đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045 hay không không chỉ dựa vào khả năng vượt qua khủng hoảng COVID-19 mà còn dựa vào sự hiệu quả trong quản lý tài nguyên và rủi ro khí hậu.
"Mục tiêu của công cuộc phát triển kinh tế không chỉ để làm ra của cải mà còn nhằm giữ gìn của cải mình làm ra", ông Morisset nhận định.
TTO - Chiều 22-9, ông Ken O’Flaherty, đại sứ Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần 26 (COP26) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo Việt Nam về phục hồi xanh trong bối cảnh COVID-19.