Tỉnh Bến Tre đã đưa ra khuyến cáo người dân hạ giàn đối với những loài hoa treo nhằm tránh thiệt hại khi có mưa, gió lớn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Người dân trong khu vực cũng tất bật bảo vệ các vườn cây trái, hoa kiểng... đang vào vụ tết.
Lo ảnh hưởng hoa tết
Sáng 21-12, ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân trồng hoa, kiểng các phương án ứng phó với cơn bão số 14. "Với những loại hoa treo giàn, chúng tôi đã hướng dẫn người dân hạ xuống thấp. Còn những giống hoa trồng trong chậu, dưới thấp thì xếp lại gần nhau để hạn chế bị gió quật" - ông Liêm nói.
Tương tự, người dân các địa phương nằm sâu trong đất liền như Cần Thơ, Hậu Giang cũng sẵn sàng ứng phó với đợt áp thấp nhằm bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp phục vụ tết. Trồng 3 công dưa hấu để bán trong dịp Tết Tân Sửu 2021, anh Trang Văn Đà (ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) bộc bạch: "Tôi phải đặt sẵn máy bơm để bơm hút nước ra ngay khi có mưa to. Gần tết mà nghe tin bão, áp thấp nhiệt đới, tôi rầu lắm!".
Cùng chung nỗi lo, ông Đoàn Hữu Bốn - giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An ở phường Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) - thông tin mấy ngày nay ông cũng như những hộ dân trồng hoa ở khu vực cầu Bà Bộ ai cũng lo lắng. Bởi theo ông Bốn, năm nay người dân trong khu vực trồng khoảng 51.000 chậu hoa các loại như cúc Đài Loan, cúc mâm xôi, cúc pha lê, hoa cát tường, vạn thọ... để đưa ra thị trường Tết Tân Sửu 2021.
Khi hay tin cơn bão số 14 có khả năng di chuyển về hướng tây tây nam, ông Bốn và bà con ở đây đã bắt tay vào làm nhà lưới, bảo vệ vườn hoa. "Có nhà lưới hoa sẽ được bảo vệ phần nào. Ai cũng mong bão giảm cấp và ít ảnh hưởng để bà con được nhờ. Tết nhất đến nơi rồi..." - ông Bốn nói.
Còn tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), nơi dự kiến cung ứng khoảng 2,5 - 3 triệu giỏ hoa tết trong dịp sắp tới, cũng chủ động đưa ra các phương án ứng phó với bão. Bà Nguyễn Thị Ngọc - trưởng Phòng kinh tế TP Sa Đéc - cho biết: "Bà con đã có sự chuẩn bị như trồng hoa trên giàn thì dùng lưới che chắn, nếu trồng đất đều có hệ thống thoát nước tốt. Bão, áp thấp nhiệt đới cận kề, UBND TP đã vận động, tuyên truyền để người trồng hoa thường xuyên ở nhà, chằng néo nhà cửa, vườn, hạn chế tối đa thiệt hại do bão".
Sóc Trăng bảo vệ... hành tím
Chiều 21-12, sau khi họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị, ông Lâm Minh Thành - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang - đã chỉ đạo dù bão số 14 suy yếu thành áp thấp, nhưng vẫn không được chủ quan.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh từ ngày 22 đến 23-12 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to. Khu vực mưa to tập trung các huyện vùng U Minh Thượng và trên khu vực vùng biển Nam Du - Phú Quốc - Thổ Chu. Khu vực đất liền và vùng biển gió tăng lên mức cấp 4, giật cấp 5, cấp 6. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Về kêu gọi tàu cá, toàn tỉnh Kiên Giang có 9.877 tàu, trong đó chỉ có 5.887 tàu thường xuyên khai thác trên biển, các tàu còn lại đang neo đậu tại bờ, ven đảo. Qua báo cáo kiểm đếm và thông tin từ các chủ tàu, số tàu khai thác ven bờ và xung quanh các đảo đã nhận được thông tin về hướng đi của cơn bão, đa số đã vào bờ và đảo để tránh trú an toàn. Ngoài ra, hơn 3.200 lồng bè nuôi thủy sản ở các huyện Kiên Lương, Kiên Hải và Phú Quốc cũng đã được di dời về nơi đảm bảo an toàn.
Ông Lâm Minh Thành đề nghị các sở, ngành và các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp, kịch bản đã ban hành nhằm ứng phó với tình hình của cơn bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp.
Ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng - cho biết do đê biển Vĩnh Châu nối với tỉnh Bạc Liêu đang thi công, nếu mưa bão vào, triều cường dâng cao sẽ gây thiệt hại nặng. "Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thi công chạy đua với thời gian, khẩn trương hoàn thiện những đoạn xung yếu hoặc tập kết thiết bị, máy móc thi công vào nơi an toàn, tránh thiệt hại" - ông Đạo nói.
Nhận xét về tình hình, ông Trần Hoàng Thắng - chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu - cho rằng tâm lý bà con thường chủ quan nên chính quyền phải nhắc nhở để bà con chủ động ứng phó với tình hình mưa gió. "Lo nhất là diện tích trồng hành tím cho vụ tết. Cây hành khá nhạy với mưa bão, chỉ cần mưa chụp vài lần coi như bà con mất trắng. Do đó chúng tôi đã cảnh báo và hướng dẫn bà con các biện pháp ứng phó khi có mưa to gió lớn" - ông Thắng lo ngại.
Diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu lớn nhất miền Tây, khoảng 6.500ha, hiện đã xuống giống trên 2.000ha. Ông Thắng cho biết thị xã thành lập đoàn kiểm tra hệ thống cống, đập ven sông ven biển để vận hành hợp lý khi có mưa nhiều. "Ưu tiên vẫn là tính mạng con người. Chúng tôi đang theo dõi sát sao, nếu diễn biến thời tiết phức tạp sẽ tính đến phương án sơ tán dân" - ông Thắng nói.
Từ chiều 22-12, Nam Bộ có mưa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 21-12, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Chiều 21-12, áp thấp nhiệt đới cách Huyền Trân khoảng 260km về phía đông đông bắc. Dự báo, áp thấp sẽ di chuyển theo hướng tây, duy trì cường độ cấp 6 (40 - 50km/h), giật cấp 8 và bắt đầu suy yếu dần thành một vùng áp thấp trong 24 đến 48 giờ tiếp theo.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên từ sáng 22 đến ngày 23-12, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 70 - 120mm/đợt, có nơi trên 150mm.
Riêng các tỉnh Nam Bộ từ chiều 22-12 có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 40 - 80mm/đợt, có nơi trên 100mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
CHÍ TUỆ
Băng giá, sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan
Sương muối và băng giá phủ trắng ngọn cỏ trên khu vực đỉnh Fansipan - Ảnh: HOÀNG MAI
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh mạnh tiếp tục gây trời rét ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày 22-12, ở các tỉnh Bắc Bộ trời rét, vùng núi tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất từ 11-140C, vùng núi 8-110C, vùng núi cao dưới 50C. Bắc Trung Bộ trời rét, có nơi rét đậm với nhiệt độ thấp nhất từ 12-140C.
Ông Lưu Minh Hải - giám đốc Đài khí tượng thủy văn Lào Cai - cho biết do không khí lạnh biến tính nên nhiệt độ trên dãy núi Hoàng Liên Sơn vẫn trong tình trạng rất thấp. Khu vực đỉnh Fansipan khả năng băng giá, sương muối xuất hiện dày đặc hơn trong rạng sáng 22-12.
CHÍ TUỆ
2 công nhân hải đăng Hòn Hải bị sóng đánh mất tích
Tối 21-12, một lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ (thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) cho biết 2 công nhân của trạm hải đăng Hòn Hải là Đ.C.T. (sinh 1971, trú Bình Thuận) và V.T.N. (sinh 1970, trú Khánh Hòa) bị sóng lớn đánh mất tích trước đó vẫn chưa được tìm thấy. Trong ngày, lãnh đạo công ty này đã đến gia đình của hai công nhân để thông tin ban đầu.
Trước đó, cả bốn công nhân của trạm đã rút lên hầm trú ẩn đào xuyên núi Hòn Hải khi thời tiết xấu. Nhưng sáng 21-12, khi sóng gió giảm, hai người từ hầm trú ẩn xuống kiểm tra thì xảy ra sự cố.
Đ.HÀ - Đ.TRONG
TTO - Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 14 có thể ảnh hưởng các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sáng 21-12, các địa phương đã đồng loạt đưa ra phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Xem thêm: mth.25272357022210202-ohp-gnu-gnas-nas-nav-yat-neim-paht-pa-hnaht-41-oab/nv.ertiout