11 ứng viên "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" năm 2020 - Ảnh: Q.NG.
Ở từng vị trí công tác, học tập, mỗi bạn trẻ ấy luôn có cách riêng góp sức mình tuy thầm lặng nhưng thật đáng trân trọng.
Niềm vui nghiên cứu
Tân bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã chọn Trung tâm nghiên cứu y sinh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) để nối dài đam mê nghiên cứu của mình. Thanh từng học bác sĩ đa khoa song muốn gắn bó với nghiên cứu, giảng dạy để có thể chia sẻ lại những điều tích lũy với đàn em.
Cùng với hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Nguyệt Thanh thực hiện chuyên đề bài học kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch ở Hà Nội. Những bài học ấy được thẩm định, trở thành kinh nghiệm góp vào việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
25 bài nghiên cứu đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước là điều người ta nhớ khi nhắc đến TS Phạm Lê Duy - bác sĩ phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM. Anh gia nhập và là thành viên Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO) khi học tiến sĩ tại Hàn Quốc. Mới đây, bác sĩ Duy là một trong 10 chủ nhân "Quả cầu vàng" 2020 được Trung ương Đoàn trao tặng vì những đóng góp, nghiên cứu của anh trong lĩnh vực công nghệ y dược.
Là học sinh trung cấp nghề, từng đi làm tại công ty xe khách song Nguyễn Quốc Đoàn đã kiên trì thu nạp kiến thức cho mình, trúng tuyển và hoàn thành cao học chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM. Hiện anh là phó trưởng khoa cơ khí Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh. Hai năm liên tiếp, anh được nhận danh hiệu "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" của TP.HCM và cấp toàn quốc vì nỗ lực tìm tòi phương pháp mới, thiết kế các chương trình trải nghiệm thực tế, kích thích học sinh tìm hiểu và chọn học nghề.
Sáng kiến cùng thành phố
Giảng dạy đại học, đi du học, trở về công tác tại quận trước khi chuyển về Sở Quy hoạch - kiến trúc, Vũ Chí Kiên đã chuẩn bị hành trang cho mình kha khá trước khi cho ra đời ứng dụng thông tin quy hoạch TP.HCM. "Hiện có trên 400.000 người dùng với hơn 5 triệu lượt truy cập, sử dụng" - Kiên khoe.
Anh cùng cộng sự vẫn đang làm tiếp những ứng dụng khác. Trong đó ứng dụng công cụ mô phỏng quy hoạch đô thị thông minh được đánh giá "phù hợp đề án xây dựng đô thị thông minh của TP" khi mô phỏng mô hình quy hoạch quy mô đến hàng trăm kilômet vuông với độ chính xác cao, cho phép trải nghiệm không gian quy hoạch đô thị bằng thiết bị thực tế ảo.
Phan Minh Tiến tốt nghiệp bách khoa, từng làm việc cho một tập đoàn ximăng lớn nhưng lại quyết định về quê, chọn khởi nghiệp với cây dừa nước. Năm năm cho hành trình ấy, đọc tìm tài liệu đủ nguồn, cuối cùng anh cũng tìm được cách "matxa" để quầy dừa nước trưởng thành tạo ra mật. Bằng kiến thức của một kỹ sư hóa, Tiến đã cô đặc mật thu được thành mật dừa nước. "Tôi muốn mang lại giá trị mới cho loại cây đặc sản của huyện Cần Giờ vốn không được đánh giá cao trong khi lại chứa nhiều tố chất có lợi cho sức khỏe" - Tiến nói.
Trong khi đó, Bùi Thanh Nghị được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao khi chỉ riêng năm 2020 đã có đến 14 sáng kiến cải tiến được thông qua và chờ hội đồng đánh giá kết quả. Điều đáng nói, ước tính giá trị làm lợi cho đơn vị từ các sáng kiến ấy lên đến... 5 tỉ đồng. Trong đó có sáng kiến đã áp dụng vào sản xuất và ngay đơn hàng đầu tiên đã mang về trên 300 triệu đồng mà theo đánh giá doanh thu sẽ còn tăng cho những đơn hàng tiếp theo.
Những cô gái khổ luyện
Nhỏ tuổi nhất trong các ứng viên là cô học trò lớp 9 Hoàng Thị Yến nhưng thành tích không kém cạnh các anh chị lớn. Yến học giỏi, làm liên đội trưởng, chỉ huy Đội giỏi và cả ba năm học lớp 6, 7, 8 đều là học sinh giỏi nhất khối của Trường THCS Tôn Thất Tùng (Q.Tân Phú). Nhưng đó còn là cô gái đa tài khi sở hữu kha khá giải thưởng piano âm nhạc cổ điển giải quốc tế Mỹ, giải của châu Á - Thái Bình Dương và cả huy chương quyền cá nhân bộ môn vovinam.
Một cô gái khác, trẻ thứ nhì trong các ứng viên năm nay cũng khiến nhiều người ngạc nhiên khi chọn tập luyện cử tạ là Khổng Mỹ Phượng. Con gái mà chơi cử tạ, thế nên ngay khi đã quyết tâm theo môn này và được chọn vào đội tuyển, Phượng vẫn giấu gia đình một thời gian. Và ngay lần ra quân đầu tiên ở một giải đấu chuyên nghiệp, cô gái ấy đã mang về 1 HCV, 2 HCB. Điều ấy như tiếp thêm lửa để Mỹ Phượng lao vào khổ luyện, giúp cô gái khẳng định với gia đình rằng mình đã chọn đúng hướng.
Còn "cô đào mùi" Trần Ngọc Nhã Thi không chỉ chứng minh tình yêu của mình với nghệ thuật sân khấu cải lương qua thái độ làm nghề nghiêm túc, trau chuốt trong từng lời ca, nét diễn mà còn khẳng định tài năng qua các giải thưởng từ hội diễn, hội thi chuyên nghiệp với quy mô toàn quốc. Thi còn được nhắc đến ở vị trí một nghệ sĩ trẻ tích cực với hoạt động xã hội, thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con vùng xa, chương trình hát vì biển đảo phục vụ chiến sĩ hải quân...
Hạnh phúc cho người dân
Giữa những ngày COVID-19 bùng lên tại Đà Nẵng, Ngô Việt Anh là một trong những bác sĩ có mặt trong đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Đà Nẵng. Cùng với đồng nghiệp, và cả kinh nghiệm tham gia điều trị cho bệnh nhân phi công người Anh trước đó, anh cùng đồng đội góp công lớn trong việc điều trị nhiều bệnh nhân nặng tại đây. Đồng thời giúp chuyển giao kỹ thuật cho đồng nghiệp tại Đà Nẵng trước khi ổ dịch nơi đây được khống chế hoàn toàn.
Luôn ở tuyến đầu chống dịch, hạnh phúc của anh cũng như bao bác sĩ khác không gì khác khi cả nước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng.
Cũng vậy, chọn công việc cứu hộ, cứu nạn biết là gian khó, cả những hiểm nguy rình rập song nhận lệnh là lên đường bất kể lúc nào. Bởi cứu được một người hay có khi chỉ là tìm được thi thể từng bị cho là mất tích đã trở thành "mệnh lệnh" trong công việc với Nguyễn Nhật Phương cùng đồng đội.
Đã tham gia không biết bao nhiêu vụ với các tình huống khác nhau, điều này giúp anh có cơ sở đề xuất, tham mưu với ban chỉ huy đội soạn thảo quy trình cứu nạn, cứu hộ và phương tiện chuyên dụng phù hợp cho những hoàn cảnh, tình huống khác nhau.
11 ứng viên
* Ngô Việt Anh (1991, bác sĩ, Bệnh viện Chợ Rẫy)
* Phạm Lê Duy (1987, tiến sĩ, Trường ĐH Y dược TP.HCM)
* Nguyễn Quốc Đoàn (1988, Trường trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh)
* Vũ Chí Kiên (1988, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM)
* Bùi Thanh Nghị (1987, Tổng công ty in - bao bì Liksin TNHH một thành viên)
* Nguyễn Nhật Phương (1993, Phòng PC07, Công an TP.HCM)
* Khổng Mỹ Phượng (1999, cử tạ, Nhà tập luyện thể thao Phú Thọ)
* Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (1995, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch)
* Trần Ngọc Nhã Thi (1989, diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang)
* Phan Minh Tiến (1991, Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam)
* Hoàng Thị Yến (2006, Trường THCS Tôn Thất Tùng, Q.Tân Phú)
TTO - 11 bạn trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực đã được Thành đoàn TP.HCM thống nhất giới thiệu để bầu chọn gương mặt xứng đáng nhận danh hiệu 'Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM' năm 2020.
Xem thêm: mth.64563620212210202-ohp-hnaht-yax-gnud-cus-pog-gnal-maht/nv.ertiout