vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 2: Nguyên nhân do đâu?

2020-12-22 10:55

Sự suy giảm này do nhiều nguyên nhân, gồm: đánh bắt quá mức, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, diễn biến bất thường của thời tiết và việc mất đi sinh cảnh.

Đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa 3 vụ góp phần khiến các loại thủy sản không có nơi sinh sản.

Từ đê bao ngăn lũ…

Thủy sản nước ngọt ĐBSCL có thể chia thành hai loại: cá trắng và cá đen. Sự khác biệt giữa hai nhóm này là cá trắng gồm các loài chủ yếu có màu trắng như: cá linh, cá mè vinh, cá rằm, cá hô, cá ba sa... Cá đen gồm các loài chủ yếu có màu đen như: cá lóc, cá trê, cá rô…

Cá trắng sống ở môi trường sông, nước chảy và cần nhiều oxy hòa tan trong nước để thở. Ngược lại các loài cá đen sống chủ yếu ở môi trường ruộng đồng, nước tĩnh, thở bằng cách trồi lên mặt nước. Các loài cá trắng thì hàng năm phải di cư ngược dòng Mê Kông lên Campuchia hoặc miền nam và trung Lào để sinh sản. Sau đó trứng cá và cá con trôi theo dòng nước lũ đầu mùa về ĐBSCL, gặp hệ thống sông ngòi, đồng ruộng ngập nước thì lan tỏa ra tìm thức ăn, rồi lớn lên.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL), đối với nhóm cá trắng, nguyên nhân hàng đầu của sự suy giảm lớn nhất trong mấy năm gần đây là do tình hình hạn, lũ thấp trong lưu vực Mê Kông. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa mực nước lũ và sản lượng cá trắng trong vùng Mê Kông. Năm nào lũ lớn sản lượng cá nhiều và ngược lại năm nào lũ thấp thì cá ít. Điều này là do lũ lớn thì cá có nhiều môi trường, thức ăn hơn để sinh sản ở phía thượng lưu và có nhiều môi trường hơn ở ĐBSCL để sống.

“Những năm gần đây lưu vực Mê Kông liên tục bị hạn gay gắt, với mực nước thấp như thế, cá chỉ ở trong lòng sông, không có những vùng đất ngập nước để tìm mồi nên sinh sản ít. Dù sau đó có lũ xuất hiện muộn thì lượng trứng cá và cá con trôi về theo dòng nước Mê Kông cũng ít, vì cá đã không sinh sản được vào đầu mùa nước.

Hồ Tonle Sap (Biển Hồ) ở Campuchia là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới và là nơi sinh sản quan trọng của thủy sản đầu mùa nước. Những năm gần đây, mực nước Mê Kông mùa lũ quá thấp không chảy đủ vào Tonle Sap nên lượng cá sinh sản thấp. Một năm hạn ở lưu vực Mê Kông sẽ kéo theo sự suy giảm cá trắng trong nhiều năm tiếp theo dù có lũ cao trở lại, bởi vì đàn cá chưa kịp phục hồi”, thạc sĩ Thiện cho hay.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện còn cho rằng: Nguyên nhân thứ hai của sự suy giảm cá trắng trong mấy chục năm nay ở ĐBSCL là do hệ thống đê bao khép kín để canh tác lúa 3 vụ ở vùng đầu nguồn và sau đó là hệ thống đê bao khép kín ở vùng cây trái miệt vườn vùng giữa đồng bằng. Dù lượng trứng cá và cá con có trôi về nhiều theo dòng nước Mê Kông đến ĐBSCL thì tại đây cũng không còn nhiều môi trường đồng ruộng ngập nước để trứng cá và cá con lan tỏa, nảy nở.

“Ở miệt vườn cũng vậy, cá con trôi về chỉ ở trong lòng sông, không đủ thức ăn nên cũng không phát triển được. Hệ sinh thái của một dòng sông, xét theo chiều dọc thì có phía thượng lưu, trung lưu và hạ lưu, cần phải được liên thông để kết nối sinh thái. Xét theo chiều ngang thì hệ sinh thái sông ngòi có 3 hợp phần: lòng sông, bờ sông và cánh đồng ngập nước hai bên (có thể là vườn, ruộng). Đê bao khép kín dọc hai bên bờ làm cho gần như toàn bộ sông ngòi ĐSBCL không còn chức năng hệ sinh thái sông ngòi nữa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là bắt nguồn từ nền nông nghiệp thâm canh, chạy theo sản lượng, lấy sản lượng làm thành tích trong một thời gian dài vừa qua”, ông Thiện đánh giá.

Ở những nơi cánh đồng còn trống như ở các huyện phía bắc Đồng Tháp, trứng cá có thể lên đồng được theo nước lũ, nhưng thảm thực vật đã không còn, chỉ còn đồng trống nên thức ăn cũng hạn chế. Thêm vào đó, trên các cánh đồng này, nhất là vùng đầu nguồn gần biên giới Campuchia thì gặp “thiên la địa võng” các dụng cụ bắt cá như: dớn, lưới, đăng giăng bẫy khắp cánh đồng. Cá khó thoát được vào đầu mùa thì không còn cơ hội lớn lên được nữa.

Một phương tiện sử dụng xung điện đánh bắt cá trên sông.

Ngoài ra, cá trắng ở lưu vực Mê Kông còn một mối đe dọa lớn hơn nữa đó là các đập thủy điện chắn ngang sông, cản trở đường cá di cư lên phía trên để sinh sản. Cụ thể, đập Don Sahong tại biên giới Lào và Campuchia vừa đưa vào vận hành tháng 11-2020 sẽ là mối đe dọa lớn đối với thủy sản Mê Kông, vì đập này đặt trên dòng Hou Sahong là nút thắt cổ chai, đường di chuyển duy nhất của cá từ Campuchia lên phía nam Lào để sinh sản.

Đối với cá đen như: cá lóc, cá trê, cá rô là các loài không di cư, sống ở môi trường nước tĩnh ở đồng ruộng và các kênh mương nội đồng thì nguyên nhân lớn nhất của sự suy giảm là do thiếu môi trường sống. Trong các ô đê bao khép kín canh tác quanh năm thì gần như không còn có cá, vì ở đó có ít nước, không có thức ăn và môi trường nước bị ô nhiễm phân bón, thuốc trừ sâu. Các kênh rạch bị các công trình ngăn mặn và chống lũ ngăn lại, chảy yếu hoặc chảy lờ đờ thì lục bình bùng phát, che kín mặt nước nên bên dưới không thể có cá được.

… Đến đánh bắt tận diệt

Những năm gần đây, nguồn cá tự nhiên bán được giá cao hơn vài lần so với cá nuôi cùng loại, nên người dân đã chọn nhiều hình thức khai thác, trong đó có đánh bắt tận diệt.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như: TX.Tân Châu, TP. Châu Đốc, An Phú, Tịnh Biên (An Giang), hay Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) nhiều người không tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng trong việc khai thác thủy sản mùa lũ. Cụ thể là họ giăng đầy đồng các loại ngư cụ có mắt lưới nhỏ, dớn, lú với chiều dài hàng trăm mét, hay đánh bắt sớm hơn so với quy định.

Phương tiện cào điện hoành hành tại vàm Cỏ Lau.

Theo nhiều hộ dân ở khu vực đầu nguồn, một trong những phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất tận diệt nhất hiện nay chính là ghe cào điện. Phương tiện này có công suất lớn, hoạt động được cả trên sông lẫn đồng ruộng. Khác với các loại lờ, lợp, câu lưới truyền thống, phương tiện này đánh bắt có tính chất tận diệt, nơi nào ghe cào đi qua thì cá, tôm đều bị bắt sạch hoặc chết sạch. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thủy sản trên các sông ngày một bị teo tóp, nhiều loài cá nước ngọt liệt vào danh sách quý hiếm, cần được bảo vệ vì có nguy cơ tuyệt chủng.

Nói về lí do mạo hiểm dùng xiệt điện đánh bắt cá trên sông, anh Nguyễn Quốc Hoàng (ngụ huyện Hồng Ngự) bày tỏ: “Không phải tôi làm nghề xiệt cá này quanh năm mà chỉ xiệt vào mùa nước để trang trải bữa cơm gia đình vào những lúc không có việc làm. Lý do sử dụng xiệt điện là vài năm trở lại đây ghe cào điện hoạt động suốt ngày đêm trên những đoạn sông vắng, nên cá tôm trên sông giờ chẳng còn. Nếu dùng câu lưới như chục năm về trước thì giăng suốt ngày có khi không có con cá nào”.

Sống bằng nghề đặt lợp cua đã 5 năm nay nhưng vợ chồng chưa bao giờ thấy nạn cào điện, ủi điện hoành hành như hiện tại, bà Võ Thị Tuyết Mai (45 tuổi, ngụ xã Phú Hội, huyện An Phú) nói: “Đầu mùa lũ năm nay, gia đình chạy hỏi tiền góp 3 triệu đồng để mua nguyên liệu làm 200 cái lợp cua. Sau hơn 1 tháng “ra khơi”, đến nay đồ nghề còn lại chỉ 50 cái vì ủi điện đẩy sạch. Khi họ ủi vào khu vực đặt lợp của mình thay vì trả lại thì họ lấy bỏ vô ghe đem về bán”.

Theo lời bà Mai, những ghe ủi xung điện hoạt động từ chiều cho tới sáng, với khoản thu nhập vài triệu đồng mỗi đêm, gấp chục lần dân làm ngư cụ truyền thống. Từ ngày mất lợp, gia đình bà trở thành còn nợ trong khi bản thân bị bệnh tiểu đường, chồng bệnh phổi và phải nuôi đứa con ăn học.

Nạn cào điện, ủi điện không chỉ hoành hành ở huyện An Phú, TX.Tân Châu (An Giang) mà còn diễn ra ở huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp). Ông Đặng Văn Nê (54 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B) cho biết: “Mùa lũ này chẳng có gì làm nên giăng lưới kiếm sống vậy mà ủi điện hoạt động ngày đêm nên đống lưới đành để khô. Trước đây, cứ mùa nước là người dân địa phương ra đồng đặt lợp, lờ, giăng lưới… nhộn nhịp, còn giờ bị ngư cụ tận diệt độc chiếm địa bàn bởi cánh đồng chỉ có 700 công mà mỗi ngày có cả chục chiếc hoạt động. Từ việc không đánh bắt được nhiều người dân trong xóm bỏ xứ ra đi”.

Ngư cụ có mắt lưới nhỏ bủa vây khắp đồng ruộng.

Buồn bã với việc “12 cửa ngục” và dớn hoạt động ngày đêm, ngư dân Trần Văn Bảnh (ngụ huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) nói: “Nước lên xuống bất thường, lượng cá đánh bắt ngày một giảm hẳn. Trong khi đó, "12 cửa ngục" chặn bắt hết cá lớn, kể cả cá đẻ vào mùa sinh sản. Bởi khi cá chuẩn bị lên đồng, vào mé kênh, sông đều bị bao vây hết, còn cá con sót lại thì bị dớn, xiệt điện tóm gọn. Giờ đây, cả ngàn mét lưới của tôi mà thu nhập chỉ khoảng 100 ngàn đồng/ngày”.

Làm nghề giăng lưới trên sông đã hơn 10 năm nay và chứng kiến cảnh đánh bắt bằng xung điện như cơm bữa, ông Cao Văn Trí (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) ngao ngán: “Trước đây, dù khó khăn nhưng người dân vẫn sống được, vì gần đến bữa cơm ra sông thả dạo lưới cá ăn không hết, còn hiện giờ nạn cào điện, xiệt điện xuất hiện nhiều không chỉ bắt cả cá lớn, cá bé, cá non mà còn cá bố mẹ trong giai đoạn sinh sản, nên phải bỏ tiền mua cá nuôi ăn”.

Những chợ cá đồng ngày càng kém nhộn nhịp.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện: Tóm lại nguồn thủy sản nước ngọt ĐBSCL có sản lượng rất lớn, đóng vai trò quan trọng về dinh dưỡng, thu nhập, kinh tế và văn hóa của người dân ĐBSCL. Tuy nhiên, những năm gần đây, thủy sản tự nhiên đã suy giảm nhanh chóng và gần như cạn kiệt do 3 nguyên nhân chính. Một là nguyên nhân từ bên ngoài, tình hình hạn cực đoan của lưu vực Mê Kông trong những năm gần đây; nguyên nhân nội tại ở ĐBSCL, sự thiếu môi trường cho cá sinh sống do đê bao khép kín khắp nơi, do lục bình bùng phát che kín mặt nước và do đánh bắt quá mức.

(Còn tiếp…)

Nguyễn Nhân

Xem thêm: lmth.448401_uad-od-nahn-neyugn-2-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Kỳ 2: Nguyên nhân do đâu?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools