Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản diễn ra mới đây, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio, cho biết hiện tại có 37 trên 81 doanh nghiệp Nhật trong chương trình hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng của chính phủ Nhật lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Tuy nhiên, tại hội nghị, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra nhiều góp ý với Chính phủ Việt Nam về16 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước và giải quyết công việc của các bộ, cơ quan.
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VẪN LÀ "ĐIỂM NÓNG"
Trong số các vấn đề được thảo luận, nhiều doanh nghiệp chỉ ra những bất cập liên quan tới thủ tục hành chính tại Việt Nam.
Ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho biết các dự án của công ty tại Việt Nam mất nhiều thời gian làm thủ tục. Trong đó, có dự án mất tới hơn 1 năm để nhận giấy đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với dự án do Thủ tướng phê duyệt thì còn mất nhiều thời gian hơn.
Cũng có trải nghiệm tương tự, ông Hatakiyama Yuki, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nipro Vietnam, cho biết doanh nghiệp mất nhiều thời gian làm thủ tục hoạt động kinh doanh. Ông Hatakiyama đề nghị đẩy nhanh quy trình cấp phép đầu tư, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương rút ngắn thời gian thực hiện trong các khâu thủ tục hành chính từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp phép.
"Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, thu hẹp tổn thất lợi nhuận nhờ rút ngắn thời gian làm thủ tục và hiệu quả kinh tế nhờ sớm triển khai dự án", ông Hatakiyama Yuki nói.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhật cũng gặp vấn đề liên quan đến thuế khi làm ăn tại Việt Nam. Ông Marukawa Yoichi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết thủ tục hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế tạo còn rất phức tạp và chậm. Vì vậy, có trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu nhưng không làm được thủ tục hoàn thuế. Ông Marukawa đề nghị đẩy nhanh và đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT khi xuất khẩu.
Liên quan tới ưu đãi thuế, ông Nobukazu Aoki, Giám đốc cấp cao marketing của hãng nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam cho biết, công ty này vấp phải tranh cãi về thuế từ năm 2008 và hiện đang bị đề xuất truy thu thuế tại nhà máy ở Hưng Yên. Vụ việc này đã được đưa ra tòa và hiện đang tạm hoãn xét xử. Vì vậy, doanh nghiệp hy vọng vấn đề kéo dài suốt 12 năm này sớm được giải quyết.
Nhận xét về động thái của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Narukama Hiromitsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MITSUI Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã có hành động nhanh hơn nhiều nước trong việc cho phép các nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh. Tuy nhiên, ông đề nghị tiếp tục rút ngắn thời gian xin nhập cảnh (hiện 2 tháng), rút ngắn cách ly (hiện 14 ngày) và nhanh chóng nối lại chuyến bay định kỳ giữa hai nước... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Sudo Kazunori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 tốt nhất thời gian qua và tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Những phản ánh, kiến nghị của Nhật Bản đều nhận được phản hồi tích cực từ phía các cơ quan chức năng của Việt Nam.
"Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh thời gian triển khai và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, áp dụng ưu đãi đầu tư, tỉ lệ nội địa hóa, hoàn thiện hạ tầng, vấn đề nhập cảnh...", ông Sudo Kazunori nhận xét. "Những cam kết cần được thể chế hóa thành chính sách, điều này rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam".
PHẢN HỒI TỪ ĐẠI DIỆN CƠ QUAN CHỨC NĂNG
Giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết, 60% kiến nghị của các doanh nghiệp trong Hội nghị đều liên quan đến thủ tục đầu tư kinh doanh, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến một số kiến nghị các quy trình thủ tục cần nhanh hơn, ông Đỗ Văn Sử cho biết, thực tế từ năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử. Nghị quyết 36a của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tiến hành triển khai đưa các quy trình thủ tục về hoạt động đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính đối với người dân lên mạng.
Riêng liên quan đến đầu tư kinh doanh, trong Luật Đầu tư năm 2020 vừa mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung thêm quy định yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước có một lộ trình thiết lập môi trường trực tuyến xử lý việc cấp, điều chỉnh các dự án đầu tư.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng với dự án đầu tư, hàng hóa xuất khẩu, theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế, đến ngày 25/11/2020, Tổng cục Thuế đã hoàn theo phương thức điện tử trên 93% số hồ sơ đề nghị, chiếm hơn 97% số thuế nộp theo phương thức điện tử. Tổng cục Thuế cho biết sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thuế nhanh chóng, thuận tiện.
Về kiến nghị xuất nhập cảnh, đại diện Bộ Công an cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tục xét duyệt nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay đã bảo đảm đơn giản, nhanh chóng (chỉ trong 3 ngày làm việc).
Tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cũng giới thiệu với các doanh nghiệp Nhật Bản về Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đây là một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quan trọng hàng đầu của Chính phủ giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết 68 có vai trò thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 3, đi sâu vào các vấn đề cốt lõi, thực chất của môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho biết, bên cạnh việc cải cách thể chế, quy định, thủ tục hành chính, việc tổ chức thực thi quy định cũng sẽ được chỉ đạo quyết liệt và đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, liên tục để bảo đảm những kết quả cải cách sớm đi vào cuộc sống.
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của các kênh đối thoại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cùng chung tay với Việt Nam trong nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; chủ động tham gia hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; tích cực gửi phản ánh, kiến nghị của mình qua hiệp hội doanh nghiệp hoặc gửi trực tiếp qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
"Hội đồng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe để có những giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển. Tinh thần của Thủ tướng là càng minh bạch, cởi mở, công khai càng tốt, không chờ doanh nghiệp gọi đến kiến nghị, có bất cập thì có cải cách", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.37721842122210202-ut-uad-gnoud-gnor-ed-gnouv-og-nab-tahn-peihgn-hnaod-iov-iaoht-iod/nv.ymonocenv