2020 là năm đầy khó khăn và xáo trộn với nhiều người khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các chính phủ phải áp dụng phong tỏa, hạn chế đi lại, và hàng triệu người mất việc, giảm thu nhập. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với giới tỷ phú.
Tính từ 31/12/2019 đến 11/12/2020, hơn 60% trong số hơn 2.200 tỷ phú toàn cầu ghi nhận tài sản tăng trong năm 2020. Trong đó, chỉ riêng 5 tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm nay có tổng tài sản tăng thêm 310,5 tỷ USD, theo Forbes.
1. Elon Musk
Quốc gia: Mỹ
Tài sản tăng: 110,3 tỷ USD
Tài sản ròng: 136,9 tỷ USD
CEO Tesla bắt đầu năm 2020 với tài sản 26,6 tỷ USD. Từ đó đến nay, hãng xe điện này liên tục báo doanh số vượt qua dự báo của các nhà phân tích và tạo tâm lý phấn khích trong giới đầu tư về công nghệ xe điện. Không chỉ hưởng lợi nhờ giá cổ phiếu Tesla tăng vọt, tài sản của Musk cũng tăng mạnh sau khi ông nhận được 4 đợt thưởng cổ phiếu đầu tiên trong gói thưởng gồm 12 đợt dành riêng cho mình. Kể từ tháng 5 đến nay, ông đã được nhận số quyền chọn mua cổ phiếu Tesla trị giá 27,5 tỷ USD.
Tính theo giá cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/12, Elon Musk sở hữu tài sản 136,9 tỷ USD, tăng hơn 110 tỷ USD trong năm nay. Ông chủ Tesla hiện là người giàu thứ ba thế giới.
2. Jeff Bezos
Quốc gia: Mỹ
Tài sản tăng: 67,5 tỷ USD
Tài sản ròng: 182,2 tỷ USD
Tài sản của Jeff Bezos, người sáng lập Amazon tăng mạnh trong năm 2020 khi người tiêu dùng phụ thuộc hơn vào nền tảng thương mại điện tử này để mua sắm trong đại dịch. Tháng 8/2020, Bezos trở thành người đầu tiên trong lịch sử sở hữu tài sản trên 200 tỷ USD.
Hiện tại, giá cổ phiếu Amazond đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh, nhưng tính từ đầu năm vẫn tăng 69%, vượt xa mức tăng của chỉ số S&P 500 (13,4%) và Dow Jones (5,3%).
Hiện tại, tài sản của ông chủ Amazon đã giảm xuống còn 182,2 tỷ USD, nhưng ông vẫn là người giàu nhất thế giới. Bezos hiện nắm giữ 11,1% cổ phần Amazon - công ty có vốn hóa thị trường gần 1.600 tỷ USD.
3. Zhong Shanshan
Quốc gia: Trung Quốc
Tài sản tăng: 60,5 tỷ USD
Tài sản ròng: 62,5 tỷ USD
Năm 2020, Zhong Shanshan có bước tiến vượt bậc trong hàng ngũ tỷ phú Trung Quốc nhờ 2 thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ông là người sáng lập và chủ tịch của Nongfu Spring, công ty được cho là chiếm khoảng 20% thị phần nước đóng chai tại Trung Quốc. Công ty này IPO vào tháng 9/2020 với mức giá 2,77 USD/cổ phiếu. Tính tới ngày 11/12, giá cổ phiếu này đã tăng gấp đoi.
Ngoài ra, ông Zhong cũng nắm cổ phần kiểm soát tại hãng sản xuất vaccine Beijing Wantai Biological Pharmacy - công ty IPO hồi tháng 4. Wantai phát triển vaccine dạng xịt mũi ngừa Covid-19 và đang trong giai đoạn thử nghiệm 2. Trong phiên ngày 11/12, cổ phiếu Wantai giao dịch ở mức giá cao gấp 15 lần so với giá IPO.
4. Dan Gilbert
Quốc gia: Mỹ
Tài sản tăng: 37,1 tỷ USD
Tài sản ròng: 43,9 tỷ USD
Gilbert, người đồng sáng lập hãng cho vay thế chấp trực tuyến khổng lồ Quicken Loans, cũng được hưởng lợi từ một IPO "khủng" trong năm nay. Khi công ty mẹ của Quicken Loans, Rocket Companies, lên sàn vào tháng 8/2020, tài sản của ông đã tăng vọt lên 43,9 tỷ USD, từ mức hơn 6 tỷ USD hồi đầu năm. Ông Gilbert hiện nắm giữ 95% cổ phần Rocket Companies, trị giá hơn 41 tỷ USD theo giá đóng cửa phiên 11/12.
5. Bernard Arnault
Quốc gia: Pháp
Tài sản tăng: 35 tỷ USD
Tài sản ròng: 146,3 tỷ USD
Dù 2020 là năm đầy hỗn loạn với đế chế đồ hiệu LVMH, tài sản của Bernard Arnault - chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn - vẫn tăng hơn 30%. Khi đại dịch bùng phát, LVMH đã nhanh chóng xem xét lại kế hoạch thâu tóm hãng trang sức Tiffany & Co. và cuối cùng đạt được thỏa thuận mua lại công ty này với giá 15,8 tỷ USD, thấp hơn 400 triệu USD so với giá đề nghị ban đầu (đưa ra hồi tháng 11/2019).
Dù thị trường đồ hiệu sụt giảm mạnh do đại dịch, LVMH vẫn gây bất ngờ với các nhà đầu tư khi báo doanh số túi hiệu Louis Vuitton và Dior tăng, đặc biệt tại những quốc gia như Hàn Quốc và trung Quốc.
Hiện tại, ông Arnault là người giàu thế hai thế giới với tài sản hơn 146 tỷ USD, tăng 35 tỷ USD so với đầu năm.
Xem thêm: mth.53793802212210202-0202-man-tahn-ueihn-neit-meik-uhp-yt-5/nv.ymonocenv