Trong thời gian vừa qua, việc mua, bán thuốc lá điện tử chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội Facebook và nhằm vào đối tượng thanh, thiếu niên. Để thu hút người sử dụng, các đối tượng quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại; kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ như: giá thành rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa đạng kiểu dáng và kích thước; nhiều hương vị… tạo ấn tượng cho thanh thiếu niên về sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy sử dụng.
Đây là sản phẩm chưa được cơ quan chức năng Nhà nước nghiên cứu, đánh giá về tác hại đối với người sử dụng và cũng chưa có chế tài quy định xử lý đối với mặt hàng này. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành khung pháp lý điều chỉnh quy định thuốc lá điện tử là hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu khác.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC, tính đến tháng 02/2020, tại Mỹ có trên 2.800 trường hợp nhập viện vì hội chứng viêm phổi và nhiều loại bệnh khác do hút thuốc lá điện tử, trong đó có 68 trường hợp đã tử vong. Ngoài ra, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm. Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận: không như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng bỏ thuốc lá, thuốc lá điện tử không giúp hỗ trợ cai nghiện.