Bất chấp chứng khoán toàn cầu lao dốc vì lo ngại chủng nCoV mới tại Anh ảnh hưởng đà phục hồi kinh tế, tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn lạc quan. Lực bán xuất hiện nhiều lần trong phiên kéo VN-Index xuống dưới tham chiếu, nhưng ngay sau đó đều bị lực mua lấn lướt. Chỉ số đóng cửa tại 1.083,45 điểm, tăng 2,37 điểm và duy trì mạch đi lên ba phiên liên tiếp.
Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường, đặc biệt ở các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, hỗ trợ mạnh cho chỉ số. Khối lượng giao dịch trên sàn TP HCM hôm nay đạt hơn 756 triệu cổ phiếu, phá kỷ lục trong 20 năm vừa lập hôm qua. Đứng đầu về số cổ phiếu được sang tay là STB với hơn 34,4 triệu, tiếp đến ITA, HPG, FLC và MBB đều trên 20 triệu.
Tổng giá trị giao dịch đạt 14.590 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với phiên đầu tuần. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất từ đầu năm, nếu loại trừ thoả thuận đột biến hơn 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu VHM vào giữa tháng 6.
Trong khi nhà đầu tư nội giải ngân quyết liệt thì giá trị mua bán của khối ngoại chỉ xấp xỉ 1.700 tỷ đồng, giảm 120 tỷ đồng so với phiên hôm qua và chỉ đóng góp 11,5% vào tổng thanh khoản.
Quyết định giao dịch của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài ngày càng thể hiện sự tương phản đậm nét. Ví dụ, cổ phiếu LCG của Công ty cổ phần Licogi 16 chịu áp lực xả hàng nhiều nhất từ khối ngoại với gần 8 triệu đơn vị được bán ra. Tuy nhiên, thị giá lại tăng hết biên độ lên 14.050 đồng và đóng cửa trong tình trạng "trắng bên bán" nhờ lực cầu trong nước dồi dào.
Rổ VN30 là động lực tăng điểm chính của phiên nhưng thanh khoản đóng góp chưa đến 6.400 tỷ đồng. ROS và EIB là hai cổ phiếu có biên độ tăng nhiều nhất của rổ vốn hoá lớn khi cùng tích luỹ thêm 6,8%, lên 2.340 đồng và 19.650 đồng.
GVR vẫn giữ mạch tăng trần lên 28.950 đồng, trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index. Tiếp đến là hai cổ phiếu trụ gồm HPG và MWG. Ở chiều ngược lại, VCB, BID, VIC và VNM mất 0,7-1,3% và là những mã kìm hãm đà tăng của thị trường.
Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán MB, sau khi vượt qua vùng cản mạnh 1.064-1.080 điểm một cách thuyết phục, VN-Index đang hướng tới vùng kháng cự mới là 1.100-1.135 điểm nhờ điểm tựa dòng tiền khoẻ. Trong bối cảnh này, xu hướng tăng trung hạn đã rất rõ nét nên nhà đầu tư có thể quan tâm đến thị giá từng cổ phiếu hơn là các ngưỡng cản của chỉ số. Việc tiếp tục nắm giữ được xem là chiến lược cần ưu tiên, thay vì lướt sóng.
Phương Đông