Vỉa hè đang thi công, nhưng hàng loạt ôtô đã "leo" lên đỗ chễm chệ, ghi nhận tại đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội sáng 18-12 - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngày 18-12, Tuổi trẻ Online phản ánh việc nhiều đoạn vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) vừa được lát đá tự nhiên, nhiều đoạn chưa khô vữa, nhưng ôtô đã tràn lên đỗ chễm chệ thành hàng dài, dù có biển cấm đỗ.
Đơn cử tại đoạn đường Huỳnh Thúc Kháng giao với Nguyên Hồng, khi công nhân đang lát đá vỉa hè, ngay phía sau lưng ôtô đã đỗ hàng loạt, ảnh hưởng rất lớn đến độ kết dính giữa các khối đá cũng như thẩm mỹ của vỉa hè sau khi hoàn thiện.
Ôtô án ngữ ngay giữa vỉa hè, chiếm hết lối đi của người đi bộ, dù đá vừa lát chưa khô vữa - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi về phản ánh này, chiều 22-12 tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học - phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - nhận định vấn đề trên là vấn đề chung.
"Vỉa hè không phải để đỗ ôtô, điều này ai cũng biết. Mà vỉa hè là khoảng cách an toàn giữa người đi bộ và các phương tiện dưới lòng đường. Đá vỉa hè được làm không chắc chắn như lòng đường, nên chỉ phục vụ mục đích cho người đi bộ. Vỉa hè mà làm điểm đỗ ôtô, làm để ôtô đi lên, thì có đá tuổi thọ lâu đến mấy cũng dễ vỡ”, ông Học nói.
Ông Học cũng nói việc đá vỉa hè có đảm bảo chất lượng hay không, có đúng 70 năm tuổi thọ hay không, cần các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá, kết luận.
Đá vỉa hè được làm không chắc chắn như lòng đường, nên chỉ phục vụ mục đích cho người đi bộ - Ảnh: PHẠM TUẤN
Về phía quận Đống Đa, chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo, lát đá vỉa hè đoạn qua tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng, ông Trịnh Hữu Tuấn - phó chủ tịch UBND quận Đống Đa - cho biết sau khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của báo chí, quận đã ra quân kiểm tra, rà soát.
"Được biết khu vực này là điểm giáp ranh giữa quận Đống Đa và quận Ba Đình, sau khi rà soát chúng tôi khẳng định điểm xảy ra tình trạng trên không thuộc địa bàn quận mà nằm ở quận Ba Đình", ông Tuấn nói.
Lãnh đạo quận Đống Đa cho biết điểm xảy ra tình trạng ôtô đỗ, đi lên vỉa hè nằm ở quận Ba Đình - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trước đó, ông Nguyễn Quang Huy - phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) - cho hay trách nhiệm giám sát thi công thuộc về UBND các quận, huyện có đoạn vỉa hè được lát đá.
Ngoài tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng, Tuổi trẻ Online cũng từng phản ánh tình trạng vỉa hè dù được giới thiệu có độ bền 50-70 năm, chỉ trong một thời gian ngắn sử dụng đã nứt vỡ, tại một số tuyến đường khác của Hà Nội như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến...
Ông Nguyễn Quang Huy cũng nói độ bền của một công trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài vật liệu, chất lượng đá thì quá trình thi công, sử dụng cũng rất quan trọng. "Vỉa hè vừa lát xong, đến đêm đã có xe leo lên. Như thế không đá nào chịu được", ông Huy nói.
Hàng loạt tuyến phố tại Hà Nội được lát đá "có độ bền 70 năm" hư hỏng nặng sau thời gian ngắn sử dụng - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ông Hoàng Ngọc Thắng - phó chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) - cũng cho rằng nếu vỉa hè lát đá tự nhiên sử dụng đúng công năng dành cho người đi bộ, độ bền có thể lên đến 20-30 năm.
Hiện việc lát đá tự nhiên ở các vỉa hè vẫn được tiếp tục tiến hành trên một số tuyến phố khác của Hà Nội như Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), Thụy Khuê (quận Tây Hồ)...
Dù mắc phải nhiều tranh cãi, bất cập trong quá trình lát đá, tuy nhiên hàng loạt vỉa hè trên nhiều tuyến phố trên địa bàn thủ đô vẫn được thi công - Ảnh: PHẠM TUẤN
TTO - "Trước đây, xe đã xếp đầy vỉa hè. Mỗi lần đi qua đây, chúng tôi phải xuống lòng đường để đi. Bây giờ vỉa hè đang lát lại, thi công chưa xong, vữa chưa khô mà ôtô đã đỗ hàng dài như thế này..."
Xem thêm: mth.1384246122210202-ov-gnuc-oan-ad-iht-eh-aiv-nel-id-oto/nv.ertiout