Ông Vũ Tiến Lộc - Ảnh: B.N.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh tại hội thảo hành trình chuyển đổi vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam do VCCI tổ chức ngày 22-12, tại Hà Nội.
Theo ông Lộc, nếu chỉ có nhà nước cung cấp thì chất lượng dịch vụ sẽ kém đi rất nhiều, trong khi trên thực tế nhiều bệnh viên tư nhân có dịch vụ vượt trội, trường học tư đã thu hút nhiều người học hơn, hãng phim tư nhân đã ra đời và sản xuất phim hay chất lượng, tư nhân tham gia thì cung cấp dịch vụ công chứng đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Chuyển giao dịch vụ công cho tư nhân thì các cơ quan sẽ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, vì thế Nhà nước nên là trọng tài hơn là trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ công, ông Lộc khẳng định.
"Cho tư nhân tham gia dịch vụ công không phải loại bỏ vai trò của Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước vẫn nắm vai trò điều tiết, quyết định khi cần thiết. Nhà nước nên tập trung làm luật chơi, sân chơi, là trọng tài chứ không trực tiếp là cầu thủ", ông Lộc khuyến nghị.
Trình bày báo cáo hành trình chuyển đổi vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI. cho biết 29% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công phải trả chi phí không chính thức tại các đơn vị nhà nước cung cấp dịch vụ, trong khi tỉ lệ này với doanh nghiệp tư nhân trong nước cung cấp dịch vụ công là 16%, với doanh nghiệp FDI là 6%.
Báo cáo do nhóm nghiên cứu của VCCI thực hiện cũng chỉ ra rằng sự cạnh tranh khi tư nhân cùng với các đơn vị của nhà nước trong cung cấp dịch vụ công đang góp phần cải thiện chất lượng các dịch vụ.
Ông Đậu Anh Tuấn - Ảnh: B.N.
Để thuận lợi cho hành trình chuyển đổi cung cấp dịch vụ công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị cần phải phân loại rõ lĩnh vực nào nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào khuyến khích tư nhân tham gia, cũng như sớm ban hành kế hoạch cổ phần hóa đơn vụ cung cấp dịch vụ công nhà nước, phân biệt rõ ngành nào, dịch vụ nào độc quyền tự nhiên để Nhà nước kiểm soát
Cũng theo ông Tuấn, cần tránh tình trạng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân, như vậy mọi thứ sẽ tồi tệ hơn.
Một chuyên gia về chính sách công cũng cho rằng việc chuyển cho tư nhân thực hiện cung ứng dịch vụ công sẽ tiết kiệm chi phí rõ rệt. Chẳng hạn, dịch vụ công chứng đã rẻ đi rất nhiểu, nhanh gọn hơn, không còn chờ đợi, giảm chi phí không chính thức, hạn chế tham nhũng.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP Hà Nội, thể chế cho tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công mới dừng ở nghị quyết và các luật chuyên ngành, và mới chỉ thí điểm kiểu dò đá qua sông.
"Luật PPP có cách tiếp cận như làn nghị định vì nhiều quy định nên đã lỗi thời. Cần phải có luật riêng về cung cấp dịch vụ công", luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh.
TTO - Đến nay vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, là đáng báo động - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các đơn vị liên quan.