vĐồng tin tức tài chính 365

Câu chuyện AirAsia X: Cú sốc cho ngành hàng không thế giới

2020-12-23 16:40

Câu chuyện AirAsia X: Cú sốc cho ngành hàng không thế giới

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) - Hãng sản xuất máy bay Airbus, hãng cho thuê máy bay BOCA cùng một lúc kiện hãng AirAsia X – hãng con của tập đoàn AirAsia. Điều này khiến các kế hoạch gọi vốn hay tái cấu trúc trở thành thách thức mới của hãng hàng không. Vụ kiện chắc chắn xóa tan các nỗ lực sống còn để “chờ đón bình minh” sau dịch Covid-19 của AirAsia và rộng hơn là ngành hàng không thế giới.

Airbus nói hãng này sẽ mất các đơn hàng trị giá hơn 5 tỉ đô la nếu kế hoạch tái cấu trúc nợ của hãng AirAsia X (AAX) được thông qua, trong đó AAX được phép sẽ hủy các đơn hàng với Airbus. Hãng sản xuất máy bay châu Âu là chủ nợ mới nhất nộp đơn kiện hãng hàng không giá rẻ của Malaysia. Trong một bản khai nộp Tòa Tối cao Kuala Lumpur tuần rồi, Anand Stanley, Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Airbus, nói rằng có khả năng lớn là hãng “bị thiên vị và sẽ chịu tổn thất nặng nề” nếu hợp đồng mua máy bay bị hủy bỏ.

Chủ nợ không ai chịu nhường ai

Việc hủy đơn hàng của AAX cũng khiến hãng chế tạo máy bay châu Âu đình hoãn kế hoạch sản xuất A330neo, làm tổn thất của Airbus thêm nặng nề. Hiện Airbus chỉ sản xuất hai chiếc dòng máy bay này mỗi tháng. “AAX đã đặt hàng và Airbus đã hoàn thành việc chế tạo, hoặc đang gần hoàn tất, 7 máy bay A330neo hiện đang trong nhà kho”, Stanley nói và cho biết thêm đơn hàng còn 71 chiếc khác đang chờ sản xuất. AAX đã không trả được 301,2 triệu đô la cho khoản đặt cọc mua máy bay A330neo cộng với 2,5 triệu đô la đặt cọc cho dòng thân hẹp A321XLR.

CEO Tony Fernandes: “Thị trường bay toàn cầu sẽ hồi phục trong 6-12 tháng nếu vaccine ngừa Covid-19 được tiêm rộng rãi. Nhưng tôi lạc quan một cách âm thầm về năm 2021”. Ảnh:Reuters

Hãng tin Reuters nói rằng trong đơn gửi tòa ngày 17-12 AAX nói hãng đang nợ Airbus 48,71 tỉ ringgit, tức 12 tỉ đô la, chưa trừ các khoản đặt cọc để mua 118 chiếc máy bay.

Đơn kiện của Airbus được đưa ra vào lúc BOCA, hãng cho thuê máy bay trực thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc và cũng là chủ nợ chính của AirAsia, cáo buộc rằng hãng bay đã thiên vị Airbus và không đưa ra đề nghị đổi nợ thành cổ phần đối với các chủ nợ.

BOCA nói cách tính nợ của AAX không nên đưa vào các khoản nợ trong tương lai mà phần lớn là của Airbus. Chỉ riêng Airbus đã chiếm 75% tổng số nợ, khiến các chủ nợ khác không có tiếng nói trong bất cứ kế hoạch tái cấu trúc nào của AAX – BOCA lập luận.

AAX là hãng bay đường dài của tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia Group. Số nợ của riêng AAX hiện đã lên 64,15 tỉ ringgit, tức 15,8 tỉ đô la. Hãng đang tìm cách hủy các đơn đặt hàng với Airbus và đàm phán với các chủ nợ khác trong kế hoạch tái cấu trúc mang tính sống còn.

Tờ trình của AAX hôm 21-12 nói rằng hãng đang dự định tổ chức cuộc họp các chủ nợ để đạt được đồng thuận về kế hoạch tái cấu trúc. Các chủ nợ khác, như hãng động cơ Rolls-Royce, đã đồng ý với kế hoạch này và một số chủ nợ nói họ ủng hộ – tờ trình của AAX gửi tòa viết.

Tư vấn pháp lý cấp cao của AAX Shereen Ee đã phủ nhận lập luận của BOCA bởi hãng bay đã tính đến các khoản bồi thường cho BOCA cho đến khi hợp đồng thuê máy bay kết thúc.

Về đề nghị của BOCA chuyển nợ thành cổ phần, bà Ee nói rằng việc này sẽ xung đột với mục tiêu tái cấu trúc AAX để “bảo đảm hãng bay có thể tìm được nguồn vốn mới vốn là lo lắng của hãng”. Bà Ee nói rằng bất cứ chủ nợ nào cũng có thể có cổ phần trong AAX nếu họ châm thêm vốn.
“Chúng tôi đang làm việc với các cổ đông để xúc tiến việc tái tài chính để AAX có thể bay trở lại”, người phát ngôn của hãng hàng không nói.

Lạc quan âm thầm về năm 2021

Vụ các chủ nợ đòi “làm thịt” AAX bùng nổ trước Giáng sinh như trêu ngươi các nỗ lực của CEO Tony Fernandes – người sáng lập tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia. Bởi trước đây hai tuần, ông Fernandes đã phát biểu với kênh truyền hình Bloomberg Tivi rằng: “Chúng tôi cảm thấy lạc quan một cách thận trọng, nói cách khác là âm thầm một mình về năm 2021”.

AirAsia X bắt đầu bán hai máy bay A330 để lấy 100 triệu đô la, đồng thời trả lại các hãng cho thuê 5 máy bay vào đầu tháng 2. Ảnh: Reuters

CEO AirAsia dự đoán rằng đi lại bằng máy bay sẽ phục hồi như trước dịch trong vòng 6-12 tháng tới. Ông nói mọi người muốn đi du lịch và nhu cầu vẫn đang ở đó và đây là điều quan trọng. Chẳng hạn, thị trường nội địa Thái Lan đã quay về mức trước khi dịch bùng phát và sẽ các cột mốc vào cuối tháng 12 này. Giá vé vẫn được duy trì như cũ.

Ông cũng nói đến kế hoạch gọi vốn vốn 2,5 tỉ ringgit, hơn 600 triệu đô la, của AirAsia vẫn tiếp tục thực hiện. AirAsia đang cải biến nhiều máy bay chở khách thành máy bay chở hàng để bù đắp cho việc mất khách bay. “AirAsia X Bhd sẽ là một hãng bay tầm trung hơn là hãng đường dài và hãng con sẽ có tương lai tốt đẹp”, ông nói với Bloomberg Tivi về tương lai của AAX.

AirAsia cho sa thải hơn 6.000 nhân viên, hơn 30% nhân viên của tập đoàn vào tháng 6 trong kế hoạch tái cấu trúc vào tháng 6. Phi hành đoàn và nhân viên mặt đất còn lại bị giảm lương đến 75% lương ở một số bộ phận. Đến tháng 10, chi nhánh AirAsia Japan phá sản và hãng “xù” luôn tiền vé của 23.000 khách ở thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, tập đoàn phó mặc số phận của hãng con AirAsia India cho khả năng tài chính của tập đoàn Tata Group ở Ấn Độ.

Nhưng Tata Group sẽ khó cứu nổi AirAsia India bởi hãng hàng không quốc gia Air India – mà Tata Group có cổ phần lớn - cũng có nguy cơ phá sản. Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ cũng còn góp vốn trong hãng bay liên doanh Air Vistara với Singapore Airlines và Malaysia Airlines. Nhưng cả ba bên trong hãng liên doanh đều đang đuối.

Còn sống để thấy ánh bình minh?

Cuộc phỏng vấn của Bloomberg hôm qua với người lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) như bản tổng kết năm 2020 và dự báo năm mới của ngành hàng không toàn cầu.

Lượng hành khách giảm 94% trong năm nay. Từ các khoản lỗ khổng lồ, thị trường hoàn toàn biến mất, mạng lưới bay bị thu hẹp cho đến những núi nợ đang dần cao, ngành hàng không đang bị Covid-19 dập tan nát. Các hãng bay nợ đầm đìa cố gắng vực dậy, nhưng các làn sóng lây nhiễm và các đợt phong tỏa luôn đập không thương tiếc. “Không ai trong ngành hàng không sẽ không nhớ đến năm 2020 đầy bi kịch”, Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu.

Các hãng bay lỗ hơn 118 tỉ đô la trong năm nay và tiếp tục “rỉ máu” 39 tỉ đô la trong năm 2021 – vượt xa mọi dự báo của IATA sáu tháng trước khi các hãng bay hy vọng vào khả năng khách sẽ bay lại vào mùa hè. Năm 2020-2021 sẽ là hai năm tồi tệ nhất của ngành hàng không kể từ đợt suy giảm năm 2008. Các con số lỗ khổng lồ cũng đánh dấu chấm hết cho một thập niên luôn tăng trưởng lợi nhuận, ngay cả khi ngành này phải trải qua nhiều đợt sáp nhập và cả thay đổi dòng máy bay hiệu quả hơn. Chính phủ các nước đã bơm đến 220 tỉ đô la để cứu các hãng hàng không – theo dữ liệu của IATA. Hãng đánh giá tín dụng Moody’s dự báo số cứu trợ trong năm 2021 chỉ khoảng 22 tỉ đô la.

Các hãng bay đang cố ngoi lên đầu lên mặt nước để thở và để sống còn. Số các hãng hàng không phá sản sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng cuối của năm 2020 và trong những năm tới. Các kế hoạch tiêm chủng vaccine mang lại niềm hy vọng ít ỏi cho một số hãng. “Bởi số sống sót để thấy ánh mặt trời ngày một ít dần”, IATA viết trong báo cáo cuối tháng 11.

Xem thêm: lmth.ioig-eht-gnohk-gnah-hnagn-ohc-cos-uc-x-aisaria-neyuhc-uac/350213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Câu chuyện AirAsia X: Cú sốc cho ngành hàng không thế giới”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools