Ông Li Changming, 70 tuổi, sống tại Thành Đô (Tứ Xuyên), vừa mua chiếc điện thoại thông minh Huawei mới. Ông vẫn còn bối rối trước một thiết bị công nghệ cao, vốn được các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng giúp thúc đẩy chi tiêu của hàng triệu người lớn tuổi.
Không nản lòng, ông đã đăng ký tham gia một khóa đào tạo của chương trình "Điện thoại di động 101", nằm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm giúp những người hưu trí theo kịp nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng.
"Tôi chưa hiểu hết các chức năng nhưng tôi muốn học", ông Li nói khi rón rén gõ nhẹ vào màn hình, "Bạn không bao giờ quá già để học".
Ông Li và những người bạn học lớn tuổi cùng lớp ở Thành Đô ngồi lắng nghe một người hướng dẫn giải thích về cách sử dụng các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc, hay cách thay đổi cài đặt điện thoại.
Trình bày cách tắt các ứng dụng nền, giáo viên cố gắng diễn giải một cách dễ hiểu nhất cho các học viên lớn tuổi. "Nó giống như căn phòng đã trở nên quá chật chội, và bạn cần phải dọn dẹp nó", anh ta giải thích.
Trung Quốc đang thúc đẩy một nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nhằm mang lại sự cân bằng cho một nền kinh tế thường phụ thuộc quá nhiều vào sản xuất và đầu tư của chính phủ. Trong đó, thương mại điện tử là một trụ cột trung tâm.
Số lượng lớn và ngày càng tăng của hoạt động kinh tế Trung Quốc thông qua các ứng dụng kỹ thuật số đã trở thành một phần cuộc sống hiện đại tại đây. Chúng được dẫn dắt bởi WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba.
Cả hai cùng nhau thống trị ngành công nghiệp thanh toán trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc, điển hình là việc người mua hàng quét mã QR để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt, vốn đã trở nên lỗi thời ở nước này.
'Không thể sống thiếu nó'
Các thương hiệu và chính phủ toàn thế giới đang theo đuổi cái gọi là "đồng đôla bạc" (silver dollar), tức thu hút tiền tiết kiệm của người già chảy vào các nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, dân số già của Trung Quốc mang lại một cơ hội đặc biệt phong phú.
Số người về hưu tại Trung Quốc dự kiến lên đến con số 300 triệu vào năm 2025. Daxue Consulting ước tính quy mô nền kinh tế người già của đất nước vào khoảng 4.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 750 tỷ USD).
Bắc Kinh cho biết 98% khu vực nông thôn hiện được kết nối với mạng 4G. Hầu hết người về hưu ở Trung Quốc đều muốn áp dụng công nghệ mới và khai thác một loạt các dịch vụ di động. Một báo cáo của UBS năm nay cho biết người tiêu dùng lớn tuổi tại đây đã "bắt kịp" thế hệ trẻ.
"Chúng tôi không thể sống thiếu điện thoại thông minh", Meng Li, 61 tuổi, người cũng tham gia khóa học ở Thành Đô và chỉ mới học cách thanh toán di động gần đây tuyên bố, "Lúc đầu tôi chỉ biết gọi điện thoại, nhưng sau khi con gái chỉ cho tôi nhiều hơn và tham gia các buổi tập huấn như hôm nay, tôi có thể làm được".
Động lực Covid-19
Vào tháng 11, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi sự thúc đẩy trên toàn quốc việc "tăng cường khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của người cao tuổi". Họ kêu gọi cộng đồng tổ chức các buổi đào tạo và các nhà phát triển tạo ra các ứng dụng thân thiện với người cao tuổi.
Điều này càng trở nên cấp thiết hơn trong thời đại Covid-19, khi Trung Quốc từng phong tỏa, buộc hàng loạt người tiêu dùng phải mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà.
Các số liệu chính thức cho thấy, hơn 36 triệu người đã lên trực tuyến lần đầu tiên từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, mang đến một lượng lớn những người chi tiêu trực tuyến tiềm năng mới. Nói cách khác, để thích ứng trong thời kỳ đại dịch đòi hỏi phải thông thạo kỹ thuật số.
Giao thông công cộng và nhiều địa điểm khác ở Trung Quốc yêu cầu công dân xuất trình một ứng dụng sức khỏe đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của họ dựa trên lịch sử các chuyến du lịch gần đây và các thói quen khác. Một động lực khác là cuộc điều tra dân số 10 năm đang diễn ra của Trung Quốc, với lần đầu tiên Bắc Kinh muốn hầu hết người dân phản hồi trực tuyến.
Tuy nhiên, gần một phần ba trong số 1,4 tỷ dân của đất nước vẫn đang ngoại tuyến. Nhưng ông Li và các bạn cùng lớp của ông đã tốt nghiệp và bước sang thế giới kỹ thuật số. Sau giờ học, anh dùng ví điện tử của mình để mua ớt ở chợ, nguyên liệu thiết yếu trong các món ăn cay Tứ Xuyên nổi tiếng của Thành Đô.
Ông cũng rất hào hứng với việc có thể kiểm tra xếp hạng nhà hàng trước khi đi ăn và sử dụng các ứng dụng bản đồ để đến đó. Nhìn chiếc điện thoại mới mua qua cặp kính, ông vẫn còn rất nhiều dự định. "Vẫn còn nhiều điều tôi phải học, như mục tiêu của tôi trong 10 năm tới là thông thạo về ảnh trên di động", ông Li cho biết.
Phiên An (theo AFP)