Chia sẻ tại toạ đàm về thị trường chứng khoán chiều 23/12, ông Lê Hải Trà - Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị Sở GDCK TP HCM (HoSE) cho biết trước đây từng ghi nhận một số biểu hiện lỗi hệ thống liên quan đến tiến trình chuyển từ khớp lệnh định kỳ sang khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, ông khẳng định những phiên gần đây không xảy ra vấn đề này.
"Hệ thống vẫn bình thường. Không có hiện tượng không chuyển sang được phiên khớp lệnh định kỳ hay lỗi giao dịch giữa Sở với các công ty chứng khoán", ông Trà nói.
Khẳng định này được người đứng đầu HoSE đưa ra khi nhiều công ty chứng khoán như VNDirect, VCBS, MBS... liên tiếp thông tin nội bộ hoặc gửi thư xin lỗi khách hàng trong khoảng một tuần nay vì quá trình đặt lệnh gặp sự cố.
Điển hình hôm nay, sau khi hệ thống đo lường thanh khoản trên sàn TP HCM rơi đột ngột từ 14h đến khi đóng cửa, Công ty Chứng khoán VCBS thông báo "hệ thống giao dịch gặp sự cố gián đoạn nhận kết quả từ HoSE dẫn đến không thể chuyển lệnh hoặc kết quả chưa được cập nhật".
Liên tiếp nhấn mạnh hệ thống không gặp lỗi nhưng ông Trà cho biết đội ngũ của Sở đang rất áp lực, phải giám sát liên tục mỗi khi có điện thoại thông báo sự cố từ các công ty chứng khoán. Về mặt hoạt động, công ty chứng khoán dùng đường truyền để chuyển lệnh của nhà đầu tư đến Sở. Khi nào lệnh đó vào được hệ thống của Sở thì mới xử lý và ngược lại. Hệ thống có năng lực dự phòng nhất định, nhưng khi lệnh tăng đột biến hơn 1-2 lần, ông nói "có thể không đáp ứng được".
Ông Trà ví von đường truyền và hệ thống như "cửa vào" và "đường ống", hai yếu tố này không thể thay đổi nhưng lượng lệnh giao dịch, như "lượng nước", tăng đột biến thì khó tránh tình trạng dòng chảy tắc nghẽn. Ông cho biết VN-Index đã tăng 67% so với giai đoạn thấp điểm, nhưng số lượng lệnh giao dịch từ 20 công ty chứng khoán hàng đầu thị trường tăng 3-12 lần.
"Thời gian qua nhiều công ty chứng khoán cũng sử dụng thuật toán, robot để giao dịch. Nó được lập trình khiến lệnh tăng như sóng thần nên chúng tôi không thể kiểm soát", ông Trà chia sẻ và cho biết đang phối hợp với các nhà mạng để kiểm tra về dữ liệu đầu vào nhằm cố gắng làm rõ dữ liệu đến khi nào, trong khoảng thời gian bao lâu, khi nào bị ùn ứ. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian và dữ liệu để xác định.
Người đứng đầu HoSE nhắc lại Sở có dự án thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch chứng khoán hiện tại. Dự án này theo kế hoạch đã hoàn thành trong năm nay, nhưng Covid-19 khiến lộ trình chậm trễ vì chuyên gia và nhà thầu Hàn Quốc không thể sang. Nhiều đầu việc Sở cố gắng thực hiện online nhưng không phải công việc nào cũng thực hiện được từ xa nên bị chậm trễ.
"Đây là nhiệm vụ cấp bách nên hoàn thành sớm chừng nào tốt chừng đó. Trước mắt, chúng tôi đã tăng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu và đã được chấp thuận", ông Trà nói.
Ông cũng nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp giảm tải tạm thời, còn lâu dài thì vẫn cần hệ thống ổn định. Tuy nhiên, việc hệ thống có thể đáp ứng giao dịch mỗi phiên 50.000 tỷ đồng hoặc hơn hay không vẫn chưa thể chắc chắn bởi "ngân sách có hạn, không phải muốn tăng năng lực bao nhiêu cũng được".
Thị trường chứng khoán đang ghi nhận lượng thanh khoản nhảy vọt trong những phiên gần đây. Kỷ lục về khối lượng giao dịch trên sàn TP HCM liên tiếp bị phá từ đầu tuần, hiện lên đến 813 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Thanh khoản cũng lên mức cao nhất từ đầu năm là 14.590 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thoả thuận cổ phiếu Vinhomes trị giá hơn 15.000 tỷ đồng vào giữa tháng 6.
Dù vậy, phần đông nhà đầu tư cho rằng con số thực tế có thể cao hơn bởi hệ thống giao dịch thường chững lại trước khi đóng cửa từ 30-60 phút.
Minh Sơn - Phương Đông