Ống thổi một lần làm bằng chất liệu bột gỗ, bột tre - Ảnh: Cục CSGT
Ngày 23-12, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an), cho biết Cục CSGT đang thử nghiệm dùng ống thổi một lần làm bằng chất liệu bột gỗ, bột tre để kiểm tra nồng độ cồn tài xế
Theo đại tá Bình, ống thổi này dài khoảng 10cm, hình dáng giống ống thổi bằng nhựa.
"Ưu điểm của loại ống này là dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Qua kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cho kết quả đo nồng độ cồn chính xác", đại tá Bình nói.
Theo Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi tài xế nên dùng một ống thổi. "Nếu sử dụng chất liệu nhựa thì mỗi năm hàng triệu ống thổi sẽ bị thải ra môi trường, khó phân hủy. Việc sử dụng ống thổi bằng chất liệu bột gỗ, bột tre sẽ giải quyết được vấn đề này".
Ngoài ra, từ yêu cầu của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, Cục CSGT đã phối hợp một số đơn vị thiết kế loại ống thổi một lần để đảm bảo vệ sinh, có thể tự sản xuất trong nước, giá thành rẻ hơn so với ống nhựa phải nhập khẩu như hiện nay.
Thời gian đầu thử nghiệm, Cục CSGT trang bị 35.000 ống thổi bằng tre cho 7 đội CSGT trên các tuyến cao tốc. Sau khi đánh giá hiệu quả của ống thổi mới, Cục CSGT sẽ xin ý kiến cấp trên để nhân rộng trên toàn quốc.
Cũng theo thông tin từ Cục CSGT, năm 2020, CSGT cả nước phát hiện, xử lý 185.323 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.337 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, tăng so với năm 2019 là 2.598 trường hợp
Tính riêng trong 7 ngày đầu thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân 2021 (từ ngày 15-12 đến 21-12-2020), cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 3.635 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
TTO - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi máy đo nồng độ cồn chỉ được 1 cảnh sát giao thông sử dụng trong 1 ca làm việc và sử dụng mỗi ống thổi mới cho mỗi người được kiểm tra để ngăn lây lan virus corona.