Dù đã giảm giá cho thuê nhưng nhiều mặt bằng nhà phố vẫn rơi vào cảnh ế ẩm. Khách thuê tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích, chuyển đổi sang thương mại điện tử để tiết kiệm chi phí. Một giải pháp hữu hiệu được đưa ra để đối phó với khó khăn trước mắt chính là chia sẻ mặt bằng.
Sáng cà phê, trưa bán cơm, tối quán nhậu
Chia sẻ mặt bằng sẽ giúp khách thuê giảm bớt chi phí, bù đắp cho kết quả kinh doanh không khả quan. Quán nhậu Ba Gác trên đường Út Tịch (quận Tân Bình) chủ yếu hoạt động phục vụ khách từ chiều tối, khoảng thời gian từ sáng đến chiều mặt bằng bỏ trống. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, người ta bắt gặp một tiệm cà phê kinh doanh tại địa điểm này trong khung giờ buổi sáng. Nhân viên quán cho biết hai chủ kinh doanh đã chia sẻ mặt bằng với nhau. Từ đó cả hai đều được hưởng lợi, phía quán nhậu giảm chi phí thuê mà vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động của quán, còn quán cà phê thì được thuê với giá tốt, có diện tích rộng rãi, lưu lượng khách cũng đông.
Có nơi các chủ cửa hàng còn chia sẻ mặt bằng tới mức tối đa, nhất là những vị trí có giá thuê đắt đỏ. Ông Nguyễn Thế Anh, chủ một quán nhậu tầm trung ở quận 1, cho biết riêng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng đã mất 50 triệu đồng. Tình hình kinh doanh càng lúc càng khó khăn nên ông quyết định đăng tin chia sẻ mặt bằng.
“Giờ thì sáng có bán cà phê, trưa có người thuê bán cơm, chiều mình vẫn kinh doanh quán nhậu bình thường. Nhờ có địa điểm tốt nên họ cũng thích. Chi phí mặt bằng của tôi chỉ còn 30 triệu đồng/tháng” - ông Thế Anh chia sẻ.
Nhiều mặt bằng có vị trí vàng treo bảng cho thuê. Ảnh: QUANG HUY
Không chỉ khách thuê muốn chia sẻ khó khăn mà cả chủ nhà cũng rất chuộng hình thức này. Đơn cử như ông Xuân Thanh (quận Phú Nhuận) có mặt bằng cho thuê, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 ông đã phải giảm 20% giá cho thuê nhưng vẫn ế ẩm cả nửa năm. Được người bạn tư vấn nên ông tách ra cho thuê từng tầng với giá thuê tầng 2 rẻ hơn tầng 1. Kết quả là từ tháng 8 đến nay, mặt bằng của ông có khách thuê ổn định, tầng trệt bán quán phở, còn tầng 2 là phòng tập gym. Theo ông Thanh, tình hình hiện nay ai cũng khó khăn nên việc linh động cho thuê mặt bằng vừa giúp khách thuê với giá vừa phải mà chủ nhà giữ được nguồn thu.
Năm 2021 cho thuê tiếp tục khó khăn
Theo số liệu của Savills Việt Nam, mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đối mặt với thách thức lớn trong chín tháng đầu năm nay. Số lượng mặt bằng nhà phố chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều mà tốc độ lấp đầy lại rất chậm. Hầu như nhà phố căn góc tại các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao mới có cơ hội cho thuê nhanh chóng. Ngược lại, các cung đường thương mại lớn tại quận 1 lại khó cho thuê.
Khảo sát của Savills cho thấy khách thuê thuộc ngành hàng ẩm thực - đồ uống (F&B) và thời trang có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc trả mặt bằng, hoặc giảm bớt diện tích thuê. Xu hướng giảm diện tích thuê, đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ lý do các chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường nên không có ý định giảm giá chào thuê. Trong khi đó, khách thuê có sự thay đổi lớn, đặc biệt là chuyển hướng sang thương mại điện tử. Ở những khu vực kinh doanh phụ thuộc vào khách du lịch thì dù giá thuê giảm khách thuê vẫn sẽ trả nhà.
Một nguyên nhân nữa là các diện tích cho thuê lớn tầm 200-400 m2 sẽ có giá thuê cao, nhiều khách không thể chi trả. Tình hình hiện nay khách thuê rất thận trọng khi quyết định mặt bằng mới, điều đó càng khiến thị trường thuê nhà ảm đạm.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định trong chi phí cố định thì phần thuê mặt bằng là con số lớn. Vì vậy, cùng thuê chung mặt bằng với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau là giải pháp hợp lý.
“Tuy nhiên, khi hợp tác chia sẻ mặt bằng cần quy định rõ các điều khoản trong hợp đồng giữa các bên để tránh tranh chấp về sau” - TS Khương lưu ý.
Theo TS Khương, thời gian tới phân khúc cho thuê căn hộ cao cấp, nhà phố mặt tiền khu trung tâm sẽ cực kỳ khó khăn vì giá thuê cao. Những chủ nhà có năng lực tài chính sẽ ít bị ảnh hưởng nhưng đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thì áp lực trả lãi vay sẽ rất nặng nề. Lúc ấy bắt buộc chủ nhà phải giảm giá thuê. Tình hình này có thể sẽ kéo dài sang tận giữa năm sau.
Văn phòng cho thuê lạc quan Theo Savills Việt Nam, trong khi hầu hết các thành phố có giá thuê văn phòng hạng A giảm thì giá thuê ở TP.HCM và Hà Nội đều ổn định, thậm chí ở TP.HCM còn tăng. Trong khu vực ASEAN, giá thuê văn phòng tại TP.HCM chỉ xếp sau Singapore với công suất hoạt động 96% và giá thuê tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, do đó sự quan tâm đối với văn phòng hạng A sẽ tăng tỉ lệ thuận với dòng vốn FDI. Dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tăng sau khi đại dịch được kiểm soát với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết. Thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng đại dịch, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022. |