Chiều 23-12, sau ba ngày làm việc, phiên tòa xét xử bảy bị cáo tại Công ty Liên Kết Việt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang tranh luận. Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Lê Xuân Giang bị đề nghị mức án chung thân. Ảnh: TP
Đề nghị chủ mưu bồi thường 800 tỉ đồng
VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Lê Xuân Giang, chủ tịch HĐQT công ty, mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa còn buộc Giang phải bồi thường hơn 800 tỉ đồng cho các bị hại.
Cùng tội danh trên, Lê Văn Tú (tổng giám đốc) bị đề nghị 19-20 năm tù, Nguyễn Thị Thủy (phó tổng giám đốc) 17-19 năm tù.
Các bị cáo còn lại là Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Nguyễn Xuân Trường và Vũ Thị Hồng Dung (thành viên nhóm phát triển) lần lượt bị đề nghị 14-15 năm tù, 15-16 năm tù, 12-13 năm tù và 12-13 năm tù.
Cùng với trách nhiệm hình sự, các đồng phạm của Lê Xuân Giang còn phải nộp lại số tiền đã chiếm hưởng từ đường dây đa cấp, gồm hơn 132 tỉ đồng.
Theo VKS, quá trình xét hỏi cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoàn toàn đủ căn cứ truy tố bảy bị cáo về tội danh như đã nêu. Các bị cáo phạm tội xuất phát từ mục đích kinh tế, trong đó Lê Xuân Giang giữ vai trò chủ mưu, phạm tội nhiều lần.
Các bị cáo Lê Văn Tú và Nguyễn Thị Thủy là những người giúp sức, tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo theo chỉ đạo của Lê Xuân Giang. Bốn bị cáo còn lại có vai trò trực tiếp lôi kéo bị hại tham gia mô hình đa cấp.
“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác” - đại diện VKS nhấn mạnh.
Cũng theo VKS, Giang và đồng phạm đã lôi kéo hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, TP khác nhau, thu của họ tổng số tiền hơn 2.100 tỉ đồng. Trừ các chi phí thực tế, các bị cáo chiếm đoạt hơn 1.100 tỉ đồng của những người này.
Thủ đoạn khiến 68.000 người sập bẫy
Trong bản luận tội, VKS nêu Công ty BQP và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động. Lợi dụng việc được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp, Giang cùng đồng phạm cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin về hoạt động của hai công ty nêu trên.
Các bị cáo giới thiệu BQP là công ty của Bộ Quốc phòng, Liên Kết Việt là công ty con của BQP. Lãnh đạo công ty là cán bộ của Bộ Quốc phòng; các sản phẩm kinh doanh đều liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng…
Thậm chí để tạo lòng tin, Giang còn nhờ người làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và chủ tịch UBND TP.HCM tặng công ty và các lãnh đạo của công ty, trong đó có mình.
Tiếp đó, các bị cáo thuyết trình với bị hại chỉ cần đóng tiền vào Công ty Liên Kết Việt, không cần lấy hàng hóa kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối, một người có thể đứng tên nhiều mã hàng. Giang đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, nghĩa là lấy tiền của người tham gia kinh doanh đa cấp sau trả cho người tham gia trước.
Giang cùng đồng phạm còn triển khai liên tục trên toàn hệ thống kinh doanh đa cấp 15 chương trình thi đua khuyến mãi kích cầu chạy song hành với việc chi trả hoa hồng. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại…
Trùm đa cấp hứa khắc phục hậu quả Tự bào chữa, Lê Xuân Giang thừa nhận hành vi phạm tội, mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ đối với bản thân khi lượng hình. Bị cáo nói động cơ lúc đầu lập công ty là muốn làm ăn chân chính. Bản thân bị cáo không thể một mình làm nên hệ thống Liên Kết Việt mà thực chất do mô hình kinh doanh đa cấp bị biến tướng. Theo lời Giang, bị cáo chỉ lãnh đạo nhóm người ở công ty, nhiều việc làm vi phạm là do tự phát, các chỉ đạo của bị cáo bị tam sao thất bản, sai bản chất của kinh doanh đa cấp dẫn tới hành vi phạm tội. “Tôi xin hứa sẽ khắc phục hậu quả cho các bị hại, ngoài số tài sản bị tạm giữ sẽ nhờ bạn bè, gia đình vay mượn để trả” - Lê Xuân Giang nói. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi các bị hại và cho rằng lỗi trong vụ án này thuộc về các bên, cả nhà phân phối và người bị hại. “Do chúng ta hiểu biết pháp luật hạn chế, do tin người và tham trục lợi...” - Giang đứng trước bục khai báo. |