Việt Nam bị xác định là 'thao túng tiền tệ': Đúng mà không đúng
Ngô Quốc Thái
(TBKTSG) - Trong báo cáo bán niên “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại chính của Mỹ” công bố vào ngày 16-12-2020 của Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam và Thụy Sỹ bị xác định là nước thao túng tiền tệ. Vấn đề ở chỗ Việt Nam không chủ trương thao túng tiền tệ để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh trong thương mại với Mỹ. Việc Việt Nam phạm vào các tiêu chí của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy sự bất hợp lý, lỏng lẻo của các tiêu chí để định danh “thao túng tiền tệ”.
Một trong những cách thức để một quốc gia tạo lợi thế cạnh tranh (không công bằng) và bóp méo thương mại quốc tế là thao túng tiền tệ.
Việc một nước mua vào ngoại tệ, theo tần suất liên tục hoặc với khối lượng lớn, làm giảm lượng ngoại tệ và tăng lượng nội tệ của nước đó trên thị trường ngoại hối, góp phần làm yếu đồng nội tệ, từ đó làm giảm giá xuất khẩu từ và tăng giá nhập khẩu đến nước đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Dù có thể bất đồng với việc định danh “thao túng tiền tệ”, cách tiếp cận của Việt Nam sẽ chủ yếu làm giảm căng thẳng và tránh bị áp dụng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Luật của Mỹ
Khi một đối tác thương mại chính thực thi biện pháp thao túng tiền tệ có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Do vậy, Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus ban hành năm 1988 yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ theo dõi và báo cáo hàng năm về tình hình tỷ giá hối đoái giữa Mỹ và những đối tác thương mại chính và “xem xét liệu các quốc gia có thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền của họ với đô la Mỹ nhằm mục đích ngăn cản các điều chỉnh chính đáng trên cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”.
Đạo luật Xúc tiến thương mại và Thúc đẩy thương mại năm 2015 đòi hỏi cao hơn về công tác báo cáo và hành động, nhằm giải quyết vấn đề thao túng tiền tệ gây ra tổn thương cho doanh nghiệp Mỹ.
Đạo luật năm 2015 yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ tiến hành phân tích nâng cao và trao đổi với các đối tác thỏa mãn ba tiêu chí “có thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ, có thặng dư tài khoản vãng lai đáng kể, và can thiệp một chiều nhất quán vào thị trường ngoại hối”; tiến hành đàm phán với đối tác thao túng tiền tệ nhằm bảo đảm nước đó điều chỉnh thường xuyên và kịp thời tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ với đô la Mỹ nhằm đạt được cán cân thanh toán hợp lý. Luật cũng trao cho Tổng thống Mỹ quyền áp dụng các biện pháp đối phó đối với đối tác nào không áp dụng các chính sách để điều chỉnh việc định giá thấp đồng tiền của mình và thặng dư thương mại với Mỹ.
Nhưng bất hợp lý và lỏng lẻo
Kể từ khi Đạo luật năm 2015 có hiệu lực, Thụy Sĩ và Việt Nam là hai nước từng đáp ứng cả ba tiêu chí này. Năm 2019, Trung Quốc bị gắn mác “thao túng tiền tệ” dù chỉ đáp ứng một trong ba tiêu chí, nhưng sau đó được loại ra trong quá trình đàm phán với Mỹ.
Có thể thấy Bộ Tài chính Mỹ sẽ làm trái luật nếu không định danh “thao túng tiền tệ” cho Việt Nam khi đã thỏa mãn cả ba tiêu chí do chính Bộ Tài chính Mỹ đặt ra. Tuy vậy, việc Việt Nam đáp ứng các tiêu chí này phản ánh sự bất hợp lý, lỏng lẻo của các tiêu chí để định danh “thao túng tiền tệ” và có nguyên nhân từ chính sách của Mỹ.
Thứ nhất, hai tiêu chí “thặng dư thương mại song phương lớn” và “thặng dư cán cân vãng lai đáng kể” có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân và không phản ánh một nước có thực sự thao túng tiền tệ hay không. Cán cân thương mại song phương không phản ánh đúng tác động bóp méo thương mại của việc thao túng tiền tệ. Mất cân bằng thương mại song phương phản ánh sự khác biệt về tài nguyên, cấu trúc kinh tế, vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các quan hệ thương mại lịch sử mà không liên quan đến chính sách ngoại hối.
Một nước có thể đạt thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ và thâm hụt song phương lớn tương đương với một hoặc một nhóm các nước khác do nằm giữa trong chuỗi cung ứng - Việt Nam là một nước như vậy.
Bên cạnh đó, thặng dư thương mại song phương lớn của Việt Nam một phần là hệ quả ngoài lề của xung đột chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Do các biện pháp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, hoặc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam để né thuế quan, khiến kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong năm 2019 - nằm trong kỳ rà soát. Do đó, tình trạng thâm hụt thương mại song phương không nên là tiêu chí để xác định thao túng tiền tệ.
Tương tự, tình trạng “thặng dư cán cân vãng lai” đến từ nhiều nguyên nhân không liên quan đến chính sách tiền tệ. Hơn nữa, cán cân vãng lai có đóng góp lớn từ cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ. Việc đặt ra chỉ tiêu “thặng dư cán cân vãng lai đáng kể” làm tăng thêm tỷ trọng của yếu tố cán cân thương mại trong việc định danh “thao túng tiền tệ”.
Thứ hai, tiêu chí “mua ròng dự trữ ngoại hối” bộc lộ nhiều điều yếu. Một quốc gia có nhu cầu tích trữ ngoại hối chính đáng để chống lại các cú sốc bất lợi tới nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nợ công bằng ngoại tệ đáng kể và dự trữ ngoại hối tương đối nhỏ.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn nợ nước ngoài ngắn hạn và cũng chỉ nhỉnh hơn ba tháng nhập khẩu - lượng dự trữ ngoại hối được khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN - cho nên việc mua dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là chính đáng khi điều kiện cho phép. Ngoài ra, tiêu chí này bỏ qua việc mua ngoại tệ phục vụ các mục đích khác nhưng có tác động tương tự lên thị trường ngoại hối.
Một nước có thể tránh việc định danh là thao túng tiền tệ đơn thuần bằng cách công bố việc mua ngoại tệ không nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Trung Quốc và Hàn Quốc lập ra các quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) mà hoạt động mua vào ngoại tệ không được tính là can thiệp vào thị trường ngoại hối để thao túng tiền tệ.
Báo cáo này sẽ có sức nặng đáng kể nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, với chủ trương chống lại mất cân bằng thương mại để bảo vệ Mỹ trước các chính sách không công bằng từ bên ngoài.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: THÀNH HOA |
Trước mắt, mọi việc sẽ chưa tiến triển xa hơn
Trước mắt, việc định danh “thao túng tiền tệ” sẽ chưa kéo theo sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ với Việt Nam vì ba lý do.
Thứ nhất, Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao chính quyền. Hiện chưa rõ cách thức tiếp cận của chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden với các vấn đề thâm hụt thương mại và tỷ giá ra sao.
Thứ hai, ứng viên Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính quyền ông Joe Biden là bà Janet Yellen - cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Kinh nghiệm và chuyên môn của bà Yellen về điều hành chính sách tiền tệ có thể sẽ thay đổi cách thức đánh giá của Bộ Tài chính về vấn đề này.
Thứ ba, việc trừng phạt Việt Nam sẽ đi ngược lại với lợi ích của doanh nghiệp Mỹ và lợi ích của Mỹ trong việc kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á và trên toàn cầu.
Từ phía Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Cần chú ý tới thực tế rằng, trong trung hạn, tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ sẽ chịu áp lực giảm do các yếu tố vĩ mô nền tảng tích cực làm tăng giá tiền đồng: tăng trưởng kinh tế khả quan, lạm phát tương đối ổn định; chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô; thặng dư cán cân thanh toán lớn do thặng dư từ thương mại và đầu tư nước ngoài.
Dù có thể bất đồng với việc định danh “thao túng tiền tệ”, cách tiếp cận của Việt Nam sẽ chủ yếu làm giảm căng thẳng và tránh bị áp dụng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ. Bên cạnh các biện pháp đối thoại, ngoại giao và tăng cường thương mại song phương đang được Việt Nam tích cực triển khai, một viễn cảnh cần được các bên tính đến trong các năm tiếp theo là tiền đồng tăng giá trong biên độ vừa phải song song với lượng dự trữ ngoại hối được bồi đắp - điều đã được thực hiện trong hai năm qua.
Xem thêm: lmth.-gnud-gnohk-am-gnud-et-neit-gnut-oaht-al-hnid-cax-ib-man-teiv/999113/nv.semitnogiaseht.www