Không để ai bị thiếu vaccine ngừa Covid-19
TS. Trịnh Tiến Dũng (*)
(TBKTSG) - Sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 đã là rất khó nhưng đảm bảo cho mọi người dân khi cần có thể tiếp cận được vaccine một cách dễ dàng, nhanh chóng, bình đẳng và với chi phí thỏa đáng cũng là thách thức không kém. Cơ chế chia sẻ rủi ro toàn cầu trong việc sản xuất, mua và phân phối công bằng vaccine đề cập trong bài viết này là nỗ lực góp phần không bỏ sót ai lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
COVAX là phương thức hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccin toàn cầu để ngừa Covid-19, là một trong ba trụ cột của cơ chế ACT-A nói sau đây. Tháng 4-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban châu Âu và Pháp phối hợp đưa ra Cơ chế gia tăng tiếp cận công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A)(1). Cơ chế này tập hợp chính phủ các nước, tổ chức y tế toàn cầu, các nhà sản xuất, nhà khoa học, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các hoạt động từ thiện nhằm mục đích thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng và sáng tạo trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất vaccin ngừa Covid-19.
COVAX tập trung vào khâu sau cùng, đó là sản xuất vaccin ngừa Covid-19. COVAX là giải pháp toàn cầu duy nhất để ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng cách đảm bảo cho người dân ở tất cả mọi nơi trên thế giới được tiếp cận với nguồn vaccin ngừa Covid-19, bất kể khả năng chi trả của họ ra sao.
COVAX hoạt động như một cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất một loạt các “ứng viên” vaccin ngừa Covid-19 và thúc đẩy thương lượng giá vaccin. Tất cả các quốc gia tham gia, bất kể giàu nghèo sẽ được tiếp cận bình đẳng với nguồn vaccin này. Mục tiêu ban đầu mà COVAX hướng tới là sản xuất được 2 tỉ liều vào cuối năm 2021, đủ để bảo vệ những người có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, cũng như nhân viên y tế ở tuyến đầu trên toàn thế giới.
Vai trò của COVAX là giúp (i) tối đa hóa cơ hội nghiên cứu phát triển thành công vaccin và sản xuất chúng với sản lượng cần thiết để chấm dứt đại dịch Covid-19 và (ii) hỗ trợ, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng tới vaccin, không phụ thuộc vào khả năng chi trả của các quốc gia và người dân.
Thật vậy, có vaccin an toàn và có hiệu lực phòng ngừa Covid-19 mong đợi là điều không dễ. Theo ý kiến của bác sĩ Seth Berkley, CEO của Liên minh Vaccin đăng trên trang Gavi(2) ngày 3-9-2020, trong số gần 200 loại đang được triển khai nghiên cứu phát triển hiện nay (gọi là “ứng viên” vaccin), hầu hết đều có rủi ro thất bại cao. Theo ông, kinh nghiệm phát triển vaccin đến nay cho thấy, vaccin ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng chỉ có xác suất thành công khoảng 7%, còn vaccin thử nghiệm lâm sàng cũng có cơ hội không cao hơn mấy, chỉ khoảng 20%. Để tăng cơ hội thành công, COVAX đã lập ra một danh mục lớn và đa dạng nhất trên thế giới về các loại vaccin này, với 9 loại vaccin ứng viên đã được phát triển và 9 loại dự bị tiếp theo đang được xem xét.
COVAX Facility, tạm dịch là Chương trình COVAX (CTC), nhằm điều phối, sắp xếp triển khai COVAX hướng tới mục đích nêu trên. Các quốc gia tự tài trợ và các nước tham gia CTC khác có thể yêu cầu số lượng liều vaccin đủ để tiêm chủng cho 10-50% dân số của họ. Số tiền họ trả trước cho CTC phản ánh số liều họ cần. Đối với những quốc gia này, CTC đóng vai trò như một chính sách bảo hiểm quan trọng, làm tăng đáng kể cơ hội mua vaccin của họ, ngay cả khi các thỏa thuận song phương của họ với các nhà sản xuất thất bại.
COVAX có lợi cho tất cả các nhóm quốc gia ở các mức độ khác nhau. Nhóm thứ nhất gồm các quốc gia nghèo, có thu nhập thấp hơn và không đủ khả năng mua các loại vaccin này thì được cấp miễn phí. Tùy tình hình tài chính của COVAX, trong dài hạn các nước ở nhóm này có thể được cấp lượng vaccin để tiêm cho tối đa 20% dân số của nước mình.
Nhóm thứ 2 bao gồm các quốc gia có thu nhập cao hơn, tự bỏ tiền ra mua nhưng không có thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất. Khi đó, COVAX hỗ trợ thương lượng để công dân của các nước này được tiếp cận với vaccin ngừa Covid-19.
Nhóm thứ 3 là các quốc gia giàu và tự trang trải tiền mua vaccin cũng có lợi do có cơ hội đàm phán các thỏa thuận song phương với các nhà sản xuất vaccin.
Trong CTC có một cơ chế tài trợ hoàn toàn riêng biệt, Advance Market Commitment (AMC) nhằm hỗ trợ tiếp cận vaccin ngừa Covid-19 sớm cho 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam.
Thông thường, các nhà sản xuất không muốn mạo hiểm bỏ vốn đầu tư đáng kể cần thiết để xây dựng hoặc mở rộng quy mô sản xuất vaccin trước khi chúng được cấp phép. Nhưng nếu vậy thì sẽ là quá muộn trong bối cảnh đại dịch đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu tới 375 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng, đặc biệt là thiếu hụt lớn lượng vaccin ngay khi được cấp phép.
Để khắc phục, CTC đã phối hợp với các nhà sản xuất và cung cấp một số vốn đầu tư và khuyến khích họ chuẩn bị sẵn sàng sản xuất số liều vaccin cần thiết ngay sau khi được phê duyệt. Ngoài ra, CTC cũng sẽ khai thác lợi thế quy mô nhờ có nhiều quốc gia tham gia dùng vaccin để thương lượng giá cả có tính cạnh tranh cao với các nhà sản xuất.
Đến các nỗ lực bảo đảm đủ nguồn vaccin ngừa Covid-19 ở Việt Nam
Truyền thông cho biết, ngày 10-12-2020 Việt Nam đã chính thức khởi động quá trình thử nghiệm vaccin trên người. Vaccin đầu tiên đưa vào thử nghiệm do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược (Nanogen) sản xuất. Sau đó, lần lượt sẽ đến vaccin của các đơn vị khác: Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Theo kế hoạch, quá trình thử nghiệm 3 giai đoạn được thực hiện tại Học viện Quân y từ tháng 12-2020 và dự kiến sẽ kết thúc sau một năm. Nếu thành công, Việt Nam có thể sản xuất vaccin ngừa Covid-19 ở quy mô thương mại trong vài năm tới.
Nếu may mắn thành công thì Việt Nam cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu vaccin cho gần 100 triệu dân, nhất là với chất lượng tốt (an toàn, hiệu lực bảo vệ cao, thuận tiện cho vận chuyển và bảo quản). Việc nhập khẩu vaccin của một nước một cách riêng lẻ có thể gặp nhiều trở ngại, trong đó có thể có việc bị ép giá, phương thức vận chuyển, bảo quản đắt đỏ quá mức cũng như cả yếu tố tâm lý của người dân đối với một số nguồn vaccin.
Vì vậy, cơ chế COVAX (trong đó đặc biệt là thiết chế riêng AMC cho 92 nước nghèo nói trên) nếu thành công như dự kiến ban đầu thì sẽ là chiếc phao cứu sinh may mắn, hữu hiệu. Đáng ngạc nhiên là truyền thông trong nước rất ít đề cập đến cơ chế COVAX này. Thực ra, Việt Nam đã được Gavi hỗ trợ từ năm 2002 đến nay. Số tiền hỗ trợ dưới nhiều hình thức, năm cao nhất (2014) lên đến trên 35 triệu đô la(3). Đáng mừng cho người dân là Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia Cơ chế COVAX, và đã được chấp thuận. UNICEF cùng với WHO và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị quan trọng này, từ việc kiểm định dây chuyền lạnh cho đến kế hoạch vận chuyển để chuẩn bị sẵn sàng vaccin cho người dân(4).
(*) Nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia, UNDP Việt Nam Từ sáng kiến toàn cầu mang tên COVAX
(1) Access to COVID-19 Tools [ACT] Accelerator (ACT-A)
(2) Gavi-là Liên minh Vắc-xin
(3) https://www.gavi.org/programmes-impact/country-hub/west-pacific/vietnam
(4) https://www.facebook.com/unicefvietnam
Xem thêm: lmth.91-divoc-augn-eniccav-ueiht-ib-ia-ed-gnohk/920213/nv.semitnogiaseht.www