Hệ thống camera giám sát giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết đề xuất trên được đưa ra trong tờ trình "Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính". Tờ trình này đã được Cục CSGT trình lên lãnh đạo Bộ Công an để xem xét trình Chính phủ.
Bao phủ cao tốc, quốc lộ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đỗ Thanh Bình - cục phó Cục CSGT - cho biết ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, đơn vị này đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm. Nếu được Thủ tướng thông qua, việc lắp đặt camera "phạt nguội" sẽ triển khai từ năm 2021.
Theo đại tá Bình, trong thời gian qua hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã triển khai lắp đặt hệ thống camera tại một số tuyến đường trọng điểm để phát hiện lỗi vi phạm giao thông và xử "phạt nguội". Trong đề án xác định rõ hai địa phương này sẽ tiếp tục tự chủ và có cơ sở để hoàn thiện ở quy mô lớn hơn.
"Yêu cầu đặt ra là ngoài phục vụ xử "phạt nguội" đối với các lỗi vi phạm giao thông thì tất cả camera lắp đặt còn phải được kết nối sử dụng nhiều mục đích khác như phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội. Đề án hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác" - đại tá Bình chia sẻ.
Nói về hiệu quả của việc lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc, lãnh đạo Cục CSGT kỳ vọng đây sẽ là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường "phạt nguội", hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay.
"Nếu đề án được thông qua, camera "phạt nguội" lắp đặt trên toàn quốc thì sẽ tối ưu hóa ứng dụng công nghệ vào xử phạt nên CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết giải quyết tai nạn là chính. Việc lập chốt xử phạt chỉ thực hiện để phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng..." - đại tá Bình phân tích.
Cục CSGT cũng đề xuất Chính phủ nên quy định quá trình xây mới các tuyến quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát.
Đại tá Đỗ Thanh Bình giới thiệu hình ảnh do camera lắp đặt trên một số tuyến đường cao tốc ghi lại và gửi về trung tâm phân tích- Ảnh: THÂN HOÀNG
CSGT đỡ phải ra đường, tránh tiêu cực
Ông Bùi Danh Liên - nguyên phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng việc CSGT đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc là việc làm hết sức cần thiết. Lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc đồng nghĩa với việc áp dụng công nghệ vào quản lý nhà nước, đây là điều đáng hoan nghênh và tiên tiến. Tuy nhiên, cần làm thí điểm lắp đặt camera ở một số tỉnh thành có mật độ giao thông cao, có quốc lộ chạy qua, người tham gia giao thông vi phạm nhiều để nâng cao trình độ nhận thức của người dân.
"Việc lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc sẽ tạo hành lang pháp lý cho CSGT xử lý vi phạm, giúp CSGT đỡ phải ra đường. Từ đó, CSGT đỡ phải tiếp xúc với tài xế, tránh được tiêu cực, tham nhũng ngầm và nâng cao được trách nhiệm, bảo vệ được danh dự của người CSGT" - ông Liên phân tích.
Tuy nhiên, ông Liên cho rằng việc lắp đặt hệ thống camera "phạt nguội" còn một số vấn đề vướng mắc cần xem xét như hệ quả từ việc quản lý, xử phạt xe chính chủ, xe không chính chủ, xe cho thuê...
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc thí điểm xử lý vi phạm giao thông qua dữ liệu hình ảnh, thường gọi là "phạt nguội", trên thực tế đã được thí điểm thời gian qua và thống kê cho thấy hiệu quả của hình thức xử phạt này. Việc lắp đặt camera không chỉ để xử phạt người có hành vi vi phạm, mà còn có tác dụng nhất định trong việc điều chỉnh ý thức tham gia giao thông ở những nơi không có lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.
"Ngoài ra, hình thức "phạt nguội" là một trong những hình thức được các nước tiên tiến áp dụng phổ biến từ rất lâu, khắc phục được nhiều khuyết điểm về mặt chủ quan con người thực thi công vụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chứng minh hành vi vi phạm. Do đó cần ủng hộ xu thế tận dụng tối đa lợi thế của hệ thống camera giao thông trong xử lý vi phạm hành chính" - luật sư Sơn nói.
Luật sư Sơn cho biết thêm về hành lang pháp lý, Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính được phát hiện từ phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ. Do đó lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ và hợp lý.
Do đó, theo luật sư, ngoài việc đồng bộ hóa, hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật thì các nhà làm luật cần phải chú trọng hơn về việc tạo ra một hành lang pháp lý thuận tiện, hợp lý để thực hiện. Nếu không thì khi triển khai trên diện rộng sẽ gặp rất nhiều vướng mắc về pháp lý phát sinh, nhất là trong điều kiện giao thông và văn hóa sử dụng, chuyển giao các phương tiện giao thông ở nước ta hiện nay.
Hệ thống camera giám sát giao thông trên cầu Sài Gòn (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Hơn 120.000 người bị "phạt nguội"
Theo Cục CSGT, hiện nay chỉ một số tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera. Trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 110 camera giám sát, cao tốc TP.HCM - Trung Lương có 11 camera, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lắp đặt 78 camera... Hệ thống camera "phạt nguội" trên toàn quốc trong một năm qua đã ghi nhận, phát hiện để lực lượng chức năng xử phạt trên 120.000 trường hợp vi phạm.
Riêng Hà Nội hiện có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm. Từ tháng 11-2019 đến tháng 11-2020 có khoảng 16.000 tài xế bị "phạt nguội" qua hệ thống camera. Do thông tin vi phạm được cập nhật thường xuyên lên hệ thống tra cứu của Cục CSGT nên số lượng người đến nộp phạt tại Hà Nội thời gian vừa rồi tăng cao gấp nhiều lần, có ngày khoảng 40 người. Đáng chú ý có trường hợp nữ tài xế trong 5 tháng vi phạm 28 lần cùng lỗi dừng đỗ ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ, tổng số tiền phải nộp phạt 16,7 triệu đồng.
T.HOÀNG
TP.HCM: hơn 800 camera giám sát giao thông
Tại TP.HCM, có hơn 800 camera giám sát giao thông, phục vụ công tác xử "phạt nguội" ở các tuyến đường nội, ngoại thành. Trong năm 2020, tỉ lệ phạt nguội chiếm 36%.
Theo một cán bộ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, hệ thống camera này đang được quản lý bởi Trung tâm Quản lý giao thông đô thị thông minh. Các dữ liệu xe vi phạm được chuyển về cho phòng xử lý. Các hình ảnh do người dân cung cấp cũng được sử dụng làm tư liệu "phạt nguội". Sau khi PC08 tổng hợp sẽ gửi thông báo về địa phương để chuyển cho chủ xe, đăng thông tin vi phạm lên cổng thông tin điện tử Công an TP. Đối với trường hợp nhiều lần gửi giấy báo nhưng chủ xe không đến nộp phạt thì thông tin sẽ gửi cho Cục Đăng kiểm tiến hành ngưng đăng kiểm với xe vi phạm.
THU DUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại tá Dương Đức Hải, trưởng Phòng cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, cho biết việc lắp đặt hệ thống camera phạt nguội trên toàn quốc sẽ tạo thuận lợi cho CSGT trong quá trình giám sát, điều hành, xửt lý vi phạm.
"Việc quản lý qua hệ thống camera giám sát sẽ giảm vất vả cho CSGT, tạo một hành lang pháp lý công khai, minh bạch. Qua hình ảnh camera ghi lại, cảnh sát sẽ truy vết được tài xế vi phạm, tội phạm... Ngoài ra, lượng chức năng có thể cảnh báo sớm các trường hợp tai nạn, nguy hiểm, biết được những nút giao thông ùn tắc… từ đó, xử lý đèn tín hiệu để người tham gia giao thông di chuyển thuận lợi nhất", đại tá Hải nói.
Được biết, hiện nay, Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội đã đề xuất lắp thêm hơn 1.000 camera giám sát ở các nút giao thông trọng điểm.
DANH TRỌNG
TTO - Cục Cảnh sát giao thông đề xuất lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm.