Khi tàn phá nền kinh tế, đại dịch đã mang đến "cơ hội chưa từng có" đối với những người mua, bán, đi vay, cho vay và đầu cơ trong giới tài chính. Các trader ngành ngân hàng, môi giới đầu tư, quỹ đầu cơ và thậm chí những người cho vay hiện đang tính toán lợi nhuận sau 1 năm 2020 đầy biến động.
Trong khi giới chức đang tranh luận về cách đối phó với cuộc khủng hoảng y tế, các NHTW đã hành động nhanh chóng, đẩy lãi suất xuống mức thấp mới và từ đó thúc đẩy TTCK lập đỉnh. Fed đã bơm 3 nghìn tỷ USD để hỗ trợ thị trường và cam kết sẽ có những động thái mạnh hơn nữa. Những hậu quả ngoài ý muốn chưa phải là mối quan tâm của hiện tại. Đối với Phố Wall, họ đang để ý đến khoản lợi nhuận khổng lồ.
2020 sẽ là một trong những năm kỳ lạ nhất lịch sử Phố Wall, đó là bởi sự thăng hoa diễn ra trong bối cảnh người người nhà nhà buộc phải thực hiện cách ly xã hội và loài người đối diện với thảm họa kinh hoàng. Sau những biện pháp hỗ trợ thị trường, sự giàu có ngày một tăng lên. Và điều này được hình thành như thế nào?
Vào một buổi sáng thứ Hai cuối tháng 2, Phố Wall dường như nhận ra loại virus mới đang tàn phá châu Á thực sự là một vấn đề toàn cầu. Dow Jones ngay lập tức giảm hơn 1.000 điểm, đánh dấu đợt bán tháo đầu tiên kể từ mức cao kỷ lục trước đó. Đối với nhiều người Mỹ, đây là hồi chuông cảnh báo đầu tiên. Còn đối với nhà đầu tư, thì đó là sự biến động vốn được dự đoán từ lâu.
Nếu các trader trên Phố Wall muốn giữ lại khoản đầu tư, họ sẽ kiếm tiền dù thị trường tăng hay giảm giá. Bên trong các ngân hàng và nhà tạo lập thị trường thuộc nhóm ưu tú nhất, các trader nhanh chóng nhận ra rằng họ đang thực hiện một loạt khoản đầu tư chỉ có "một lần trong thế hệ".
5 ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ - JPMorgan, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley, hiện đang chuẩn bị công bố doanh thu mảng giao dịch đạt 100 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ. Theo phân tích của McKinsey & Co., cuối tháng 9, toàn ngành chứng kiến doanh thu tăng 35%. Trong khi đó, lợi nhuận của Citadel Securities tăng hơn gấp đôi chỉ trong nửa đầu năm.
Giờ đây, các giám đốc điều hành đang tranh luận về việc tiền thưởng nên được chia như thế nào. Dù việc rót hàng triệu USD cho các trader trong thời điểm cả nước đang gặp khó khăn là một ý tưởng không hay, nhưng các ông chủ ngân hàng vẫn lo ngại những "rainmaker" (nhân viên của 1 công ty môi giới mang về doanh thu lớn) sẽ rời đi để tìm đến những quỹ phòng hộ giàu có và doanh thu của họ sẽ bị mất đi.
Mối lo sợ này càng tăng cao khi một trader kiếm được 2,5 triệu USD vào năm ngoái đã cam kết sẽ rời một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, nếu người này không kiếm được số tiền lớn hơn vào năm 2020. Cho dù số tiền lớn được tạo ra bởi chính năng lực xuất sắc của họ hay là một "món quà" từ Fed, các trader đều muốn có được một phần trong số hàng tỷ USD mà các ngân hàng kiếm được.
Trong giới kinh doanh, đại dịch đã kích hoạt một cuộc chạy đua tích trữ tài sản để tồn tại qua những đợt phong tỏa. Đối với các ngân hàng, họ sẽ chứng kiến nhu cầu tăng cao chưa từng có của các công ty muốn tối đa hóa hạn mức tín dụng.
Theo đó, Fed đã vội vàng tung ra liều vắc-xin của riêng mình – đó là thanh khoản, và bất ngờ thị trường trái phiếu vốn đang gặp khó khăn đã hồi phục ngoạn mục. Khi NHTW hạ lãi suất, nhu cầu cho vay đối với các doanh nghiệp rủi ro đã quay trở lại. Trong khi đó, hầu hết công ty niêm yết đều có đủ số tiền mặt mà họ cần.
Bob Kricheff – giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Shenkman Capital Management, cho biết: "Nhà đầu tư đã kiếm được tiền kể từ khi họ bắt đáy vào năm 2009."
Thông qua các khoản vay bao gồm tiền thu được từ cổ tức, các doanh nghiệp đi vay đã thu về 39 tỷ USD kể từ tháng 4 đến nay, trong khi năm ngoái tăng 34 tỷ USD. Trong khi đó, riêng trong tháng 10, nhóm nhà đầu tư này báo lãi 15 tỷ USD – con số cao nhất kể từ năm 2016.
KIK là công ty thuốc tẩy đang trên đà tăng trưởng, chứng kiến nhu cầu nhảy vọt đối với các sản phẩm sát khuẩn của họ trong năm nay. Công ty được sở hữu bởi Centerbridge Partners đã bán được 1,9 tỷ USD các khoản nợ và trái phiếu trong tháng này, trả về cho công ty mẹ 400 triệu USD tiền cổ tức.
Còn Harbor Freght - hãng chuyên bán đồ gia dụng với giá chiết khấu cũng được hưởng lợi bởi làn sóng tân trang nhà cửa trong mùa dịch. Họ đã phát hành được hơn 3 tỷ USD trái phiếu trong tháng 10 (bao gồm cả khoản trả cổ tức hơn 900 triệu USD cho các cổ đông)
Và sau đó là Finance of America – nền tảng cho vay thuộc sở hữu của Blackstone. Công ty này cung cấp các sản phẩm bao gồm thế chấp nghịch đảo (reverse mortgage). Đây là những giao dịch thường được tư vấn cho nhóm người cao tuổi, có thể thế chấp vốn nhà để chuyển đổi thành tiền mặt, thường có mức lãi suất cao hơn nhiều so với các khoản thế chấp truyền thống. Finance of America đã bán 350 triệu USD hồi tháng 10 để trả về cho Blackstone. Hiện tại, công ty này chuẩn bị IPO với mức định giá 1,9 tỷ USD bằng cách sáp nhập với 1 SPAC (công ty có mục đích đặc biệt – chuyên về thâu tóm).
Trong năm nay, hơn 200 SPAC đã tổ chức thành công đợt IPO, huy động hơn 70 tỷ USD để "săn lùng" những món hời. Nhiều công ty đang nhắm đến những công ty tư nhân buộc phải thực hiện IPO trong thời kỳ hỗn loạn. Theo đó, quan điểm hoài nghi cũng bùng lên. Công ty bán khống Muddy Waters Capital đã gọi SPAC là "công cụ thu lời tuyệt vời cho năm 2020."
Trước năm 2020, rất nhiều quỹ phòng hộ dường như đang đi lệch hướng. Nhưng khi đại dịch hoành hành, họ đã lấy lại được động lực. Ví dụ, quỹ phòng hộ của Boaz Weinstein tại Saba Capital Management đã ghi nhận lợi nhuận tăng 82% trong năm nay tính đến hết tháng 10. Đầu năm 2020, quỹ của ông có tỷ lệ sinh lời hàng năm khoảng 3%
Cũng như nhiều quỹ phòng hộ khác, Saba hoạt động trong khi thị trường biến động và diễn biến này lại rất ít xảy ra trong thập kỷ vừa qua. Cả ngành quỹ phòng hộ theo đó rơi vào tình trạng đình trệ, khi khối tài sản đang quản lý chỉ xoay quanh mức 3 nghìn tỷ USD. 1 số quỹ lớn phát triển mạnh mẽ - bao gồm Citadel, Millennium Management, Two Sigma Advisers và D.E. Shaw & Co, trong khi lợi nhuận của nhiều công ty còn lại sụt giảm.
Jon Caplis – chuyên gia đang vận hành công ty nghiên cứu PivotalPath, nhận định năm 2020 đã mang đến cơ hội rất cần thiết cho các quỹ phòng hộ để họ chứng tỏ tiềm năng với khách hàng.
Với những biến động trong năm nay, hầu hết mọi chiến lược đầu tư đều mang về "trái ngọt" cho các quỹ phòng hộ, với 1 số quỹ đầu tư cổ phiếu nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất. Các quỹ công nghệ, truyền thông, viễn thông tăng trung bình 29% tính đến tháng 11 và quỹ đầu tư ngành y tế tăng 21%.
Chưa dừng ở đó, 1 trong những cách kiếm tiền nhanh nhất tại nước Mỹ trong năm nay là đổ xô đi mua các khoản thế chấp giá rẻ trong bối cảnh chính phủ mong muốn hỗ trợ thị trường nhà ở. Các bên cho vay thế chấp nhà (home lender) đã ghi nhận lợi nhuận tăng vọt vào năm 2020, nhờ việc Fed cam kết mua trái phiếu thế chấp không giới hạn.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Black Knight, vào cuối năm nay, người dân Mỹ sẽ thế chấp nhà ở ở mức cao kỷ lục 4,4 nghìn tỷ USD, cao hơn khoảng 600 tỷ USD so với mức đỉnh trước đó vào năm 2003. Các giám đốc điều hành của ngành này chia sẻ rằng 2020 là năm khởi sắc nhất đối với họ.
Thông thường, các vụ vỡ nợ thế chấp tăng và giảm cùng với tỷ lệ thất nghiệp, từ đó kéo theo mảng kinh doanh bảo lãnh các khoản vay mới. Tuy nhiên, trong 1 năm khi hơn 10 triệu người Mỹ thất nghiệp, "cỗ máy" thế chấp đang hoạt động mạnh mẽ chưa từng có.
Tham khảo Bloomberg