TP Cần Thơ tặng giấy khen cho gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái - Ảnh: LÊ DÂN
Đây là chính sách đang được một số địa phương tại ĐBSCL áp dụng, trong đó đi đầu phải kể đến là tỉnh Hậu Giang - địa phương vừa tặng bằng khen cho 22 gia đình đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân số sinh đủ 2 con một bề là gái trên địa bàn trong năm 2020.
Được khen thưởng nếu sinh con gái
Cùng với bằng khen, những gia đình này còn được nhận một khoản tiền thưởng 1.490.000 đồng. Trong 2 năm (2019 và 2020), địa phương này đã có 56 gia đình nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh. Theo bà Võ Thị Hoàng Loan, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) Hậu Giang, việc khen thưởng được thực hiện theo nghị quyết 21 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ thực hiện chính sách dân số giai đoạn 2019 - 2025 với tổng kinh phí hơn 17,7 tỉ đồng.
Đến nay đã có 34/75 xã tại Hậu Giang đăng ký thực hiện sinh đủ 2 con. Hậu Giang là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình sinh đủ 2 con. Sau 2 năm thực hiện, mô hình sinh đủ 2 con đã có sự lan tỏa trên địa bàn, khi mọi người dân nắm được chính sách hỗ trợ. Theo đó, trong năm 2019 - 2020, tỉ lệ giới tính khi sinh của Hậu Giang là 110 bé trai/100 bé gái, trong khi tỉ lệ này của năm 2017 - 2018 là 114 bé trai/100 bé gái.
Trước đó, trong 5 năm gần nhất, tỉ lệ sinh tại Hậu Giang giảm xuống mức thấp. Riêng năm 2019, Hậu Giang là một trong 21 địa phương có tỉ lệ sinh thấp với 1,3 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sau khi thực hiện mô hình sinh đủ 2 con kèm theo chính sách khen thưởng, tỉ lệ sinh thay thế tại địa phương này đã tăng lên 1,34 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bà Loan cho biết sẽ đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi nghị quyết 21 để có thêm chế độ trực tiếp cho gia đình tham gia sinh đủ 2 con thay vì chỉ xây dựng mô hình cho ấp, xã thực hiện.
Nhân rộng mô hình khen thưởng
Cũng như Hậu Giang, nhiều địa phương tại ĐBSCL đang áp dụng chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con, khen thưởng những gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ TP Cần Thơ - địa phương có tỉ lệ giới tính khi sinh là 104 bé trai/100 bé gái, Cần Thơ cũng có đề án giảm mất cân bằng giới tính từ năm 2018 - 2019.
Sau khi đề án được triển khai, trong năm 2018 có 85 gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái học giỏi được nhận giấy khen kèm tiền thưởng và con số này trong năm 2019 là 170 gia đình. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này đã bị cắt trong năm 2020. Tháng
10-2020, theo bác sĩ Văn Kim An, chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh An Giang, địa phương này đã tổ chức khen thưởng cho 50 gia đình, kèm theo là 900.000 đồng/giấy khen.
Bác sĩ Nguyễn Thế Khải, chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Sóc Trăng, cho rằng cách làm của Hậu Giang đã tạo hiệu ứng tốt với nghị định 139 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con hoặc đủ 2 con một bề (sinh một lần đủ 2 trai hoặc 2 gái) nên cần được học hỏi, nhân rộng. "Trong năm 2021, chúng tôi sẽ kiểm tra, đề xuất Sở Y tế, UBND tỉnh khen thưởng, động viên những trường hợp như Hậu Giang đã làm", ông Khải cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu những gia đình đã nhận bằng khen bị "vỡ kế hoạch" sinh con thứ 3 sẽ bị xử lý như thế nào, bà Loan cho biết hầu hết những gia đình này đều cam kết sẽ thực hiện đúng chính sách hỗ trợ dân số.
"Hơn nữa, Hậu Giang quản lý chặt đối tượng hộ nghèo, cận nghèo do đối tượng này phổ biến sinh con thứ 3. Năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 1 hộ cận nghèo sinh con thứ 3", bà Loan cho biết.
Sinh đủ hai con sẽ được ưu tiên mua nhà ở xã hội
Đồng Nai khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con nhằm nâng mức sinh lên mức cân bằng tự nhiên. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám một trẻ sơ sinh tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Đó là một trong những giải pháp trong dự thảo "Kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030", nhằm nâng tỉ lệ sinh tăng lên mức cân bằng tự nhiên (2,1 con/mẹ) và duy trì mức sinh thay thế.
Theo bà Lê Phương Lan, chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai, dự thảo này đang được lấy ý kiến trước khi ban hành. Ngoài tiêu chí được ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập..., dự thảo cũng bổ sung một số giải pháp như ban hành quy định về việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc; hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con...
Đặc biệt, địa phương này sẽ chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn...
Theo bà Lê Phương Lan, một trong những nguyên nhân khiến mức sinh trên địa bàn giảm là do chính sách dân số của Việt Nam chú trọng kế hoạch hóa gia đình, giảm sinh trong một thời gian dài. Nhu cầu ăn ở, áp lực con cái học hành... khiến nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con. Ngoài ra, tình trạng vô sinh thứ phát cũng diễn ra khá phổ biến, chủ yếu là nhiễm khuẩn đường sinh sản, nạo phá thai nhiều lần, sử dụng rượu bia và thuốc lá ở nam giới...
Theo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đồng Nai, từ năm 1999 đến 2019, tỉ trọng dân số dưới 15 tuổi trên địa bàn liên tục giảm, từ 33,9% xuống còn 23,6%. Tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động và trên 65 tuổi cũng tăng nhanh, từ 61,7% lên 70,9% và 4,8% lên 5,5%. Xu hướng già hóa dân số dự báo sẽ diễn ra nhanh trong thời gian tới.
Từ năm 2005 đến nay, tổng tỉ suất sinh của Đồng Nai vẫn duy trì dưới mức sinh thay thế. Số con trung bình/phụ nữ có xu hướng giảm, từ 2,07 con/phụ nữ (năm 2009) xuống còn 1,9 con/phụ nữ (năm 2019). Và Đồng Nai là 1 trong 21 tỉnh thành xếp vào khu vực có mức sinh thấp.
Nhật Bản "đau đầu" với vấn đề dân số già
Già hóa dân số ở Nhật Bản không phải là vấn đề mới mẻ nhưng ngày càng trầm trọng vào những năm gần đây. Theo số liệu mới được công bố hồi tháng 8-2020, số người trên 65 tuổi ở Nhật Bản đã đạt tới 36,17 triệu, tăng 300.000 người so với năm 2019. Trong khi đó, tỉ lệ sinh lại giảm xuống, đặt ra áp lực cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Theo báo Japan Times, nếu tình trạng này tiếp tục, suy giảm lực lượng lao động là điều không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu gánh nặng lên hệ thống lương hưu và chăm sóc sức khỏe, chính quyền Nhật Bản đã sửa luật, nâng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm lực lượng lao động. Theo đạo luật có hiệu lực vào tháng 4-2021, người lao động có thể làm việc tới 70 tuổi. Những người chọn nhận trợ cấp hưu từ năm 75 tuổi trở đi sẽ được nhận nhiều tiền hơn.
Ngoài ra, luật sửa đổi cũng cho phép người làm bán thời gian và những người lao động làm việc không thường xuyên khác tham gia chương trình lương hưu của chính phủ. Dù vậy, vẫn có những ngành không thể tránh khỏi việc thiếu hụt lao động như ngành điều dưỡng, xây dựng...
BẢO DUY
TTO - Giới chức ngành dân số đang lo ngại những xu hướng mới ở Việt Nam như kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn, làm mẹ đơn thân; tình trạng người giàu, có điều kiện chăm sóc trẻ thì ngại đẻ và ngược lại...
Xem thêm: mth.60503928052210202-gnouht-coud-iag-noc-hnis/nv.ertiout