Anh Trần Văn Quỳnh (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lệ Thu (33 tuổi) cùng các con đi Thảo cầm viên Sài Gòn chiều 24-12 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Như vậy, như nhiều chuyên gia từng cảnh báo, VN chưa giàu nhưng dân số đã bắt đầu già hóa. Và từ 2054 - 2069, VN sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 - 29,9%. VN cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm...
Dân số già nhanh
Phát biểu tại hội thảo "Dân số và phát triển", được Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24-12, ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho rằng một trong những chính sách để hạn chế tốc độ già hóa dân số là duy trì mức sinh thay thế. "Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, giữ được tổng tỉ suất sinh ở mức xung quanh 2 con/bà mẹ từ 2006 đến nay" - ông Tú chia sẻ.
Tuy nhiên, những chính sách để hỗ trợ thêm còn rất ít, thậm chí chưa có. "Hãy đặt mình vào vị trí của các công nhân, sinh con nhưng nhà trẻ, trường mẫu giáo... đều ít có hoặc chi phí cao, các gia đình trẻ ít dám sinh con. Ngay các gia đình ở thành thị, hai vợ chồng có công việc ổn định nhưng mức lương thông thường cũng rất khó khăn khi nuôi 2 con ăn học" - ông Tú bình luận.
Chính vì lý do này, dù đã có chính sách nhằm nâng mức sinh ở vùng có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, đồng thời giảm mức sinh ở vùng có mức sinh cao, nhưng mức sinh được thông báo gần nhất ở TP.HCM ở mức trên 1,3 con/bà mẹ vẫn là mức sinh thấp nhất nước và còn có xu hướng giảm thêm.
"Kinh nghiệm ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia cho thấy nếu mức sinh đã xuống thấp sẽ rất khó để tăng sinh trở lại. Khi mức sinh thấp, dân số càng già với tốc độ nhanh hơn" - ông Tú khuyến cáo.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Trường, vụ trưởng Vụ Cơ cấu và quy mô dân số (Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình), đặc điểm của người cao tuổi ở Việt Nam là trên 70% phải tự lao động kiếm sống với sự hỗ trợ của con cháu, chỉ 25,5% sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội.
Con số này dự báo không có thay đổi nhiều trong thời gian tới. Trong năm 2020, Hà Nội chỉ mới có khoảng 40% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và theo mục tiêu đến năm 2021, 45% người lao động cả nước sẽ tham gia bảo hiểm xã hội. Khi bước vào thời kỳ dân số già, số người già tăng cao cùng với tỉ lệ người già không có lương hưu/trợ cấp cũng tăng theo vô hình trung sẽ là một gánh nặng về an sinh xã hội.
Nguồn: Tổng cục Thống kê và Tổng cục Dân số - KHHGĐ - Đồ họa: TUẤN ANH
Can thiệp chưa hiệu quả
Trước đó, mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin một tỉnh tại khu vực ĐBSCL khen thưởng 22 gia đình sinh đủ 2 con một bề gái. Chính sách này đã được triển khai những năm gần đây nhằm can thiệp một vấn đề đang làm đau đầu giới chức ngành dân số: chênh lệch giới tính khi sinh, càng giàu sẽ càng có điều kiện lựa chọn con trai.
Theo số liệu năm 2019, tỉ số giới tính khi sinh đang ở mức 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong đó, tỉ lệ này ở nhóm dân số nghèo nhất ở mức 108,2 trẻ trai/100 trẻ gái và nhóm dân số giàu nhất là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi tỉ số này nếu đúng theo tự nhiên phải là 105 trẻ trai/100 trẻ gái. Hậu quả của tình trạng này, theo dự báo đến 2034, VN sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn và con số này tăng lên 2,5 triệu nam thanh niên đến 2059.
Tuy nhiên, những chính sách can thiệp cho đến nay vẫn chưa hiệu quả. Theo ông Tú, mới có rất ít tỉnh thành có khen tặng hay có hình thức hỗ trợ các gia đình sinh con một bề gái, chưa kể mức hỗ trợ cũng chưa nhiều. Từ giữa năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có hướng dẫn về điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng/miền, trong đó các địa phương có mức sinh thấp (hiện là 21 tỉnh thành) hỗ trợ các gia đình sinh đủ 2 con thông qua việc có ưu đãi mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm đóng góp công ích...
"Tuy nhiên, cho đến nay như tôi biết thì chưa có địa phương nào triển khai và hỗ trợ các gia đình" - một chuyên gia về dân số cho biết. Khi các chính sách hỗ trợ hầu như mới chỉ có trên giấy, những vấn đề còn khó giải quyết như chênh lệch giới tính khi sinh, khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp... cũng không được cải thiện đáng kể. TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ đang có mức sinh thấp, nhưng nếu không có thêm trường học, nhà trẻ, các hỗ trợ cho vợ chồng trẻ, tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Nâng cao tay nghề để tận dụng giai đoạn dân số vàng
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, trong 5 năm gần đây, tỉ lệ lao động được đào tạo nghề có cao hơn so với giai đoạn trước. Trong khi đó, muốn tận dụng cơ hội của giai đoạn dân số vàng (tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ trọng cao, dự báo sẽ kết thúc sau gần 3 thập niên tới), cần trang bị cho người lao động trẻ thêm kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc, bên cạnh cải thiện năng suất lao động. "So với giai đoạn trước, người lao động đã được trang bị thêm kỹ năng nhưng năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan...", ông Tú nói.
TP.HCM: sinh con thứ 2 sẽ được hỗ trợ chi phí?
Được vui chơi cùng người thân luôn giúp trẻ phát triển tốt hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Phạm Chánh Trung (phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM) cho biết theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-2019, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của TP.HCM là 1,39 con, rất thấp so với mức sinh thay thế trung bình của cả nước là 2,09 con.
Kết quả phân tích số liệu từ năm 2000 đến năm 2019 cho thấy tổng tỉ suất sinh của TP.HCM liên tục giảm, năm 2019 là 1,39 so với tỉ suất 1,76 vào năm 2000. Trong đó, xuống rất thấp là vào năm 2016, với tỉ suất là 1,24. Dự báo mức sinh của TP tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới. Trong thực tế, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng trở nên rất phổ biến tại TP.HCM.
Theo các nghiên cứu, các cặp vợ chồng thường kết hôn muộn hơn và chỉ sinh một con. Các cặp vợ chồng cho rằng chỉ đủ nguồn lực tài chính, thời gian và sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho một con. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân.
Ngoài ra, tình trạng nạo phá thai, tỉ lệ vô sinh (nguyên phát, thứ phát) có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố khiến tỉ suất sinh con của các cặp vợ chồng ngày càng giảm. Và hệ lụy của tình trạng này là vấn đề già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Trong tương lai, TP.HCM phải đối mặt với những vấn đề như thiếu hụt nguồn nhân lực, giảm quy mô tiêu dùng, tiết kiệm. Điều này sẽ là rào cản cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của TP nói riêng và cả nước nói chung trong tương lai.
Theo các chuyên gia về dân số, kinh nghiệm tại nhiều quốc gia có mức sinh thay thế thấp cho thấy các chính sách khuyến sinh dù có chi phí đầu tư rất lớn nhưng hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại. Các quốc gia này phải thực hiện rất nhiều chính sách thu hút nguồn nhân lực lao động từ các quốc gia khác. Để giải quyết thực trạng mức sinh thấp tại TP, ông Trung cho rằng cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức chuyên môn và tất cả mọi người dân.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã hoàn tất việc tham mưu, trình UBND TP "Dự thảo chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 tại TP.HCM" và cũng đang trong quá trình tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, khi sinh con lần thứ hai, ngoài chi phí do BHYT thanh toán, những người cư trú trên địa bàn TP sẽ được TP hỗ trợ phần còn lại. TP cũng xây dựng lộ trình hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
Ngoài ra, TP cũng đã tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân TP thực hiện thông điệp "Mỗi gia đình sinh đủ hai con" nhằm duy trì mức sinh hợp lý mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Chị N.T.N.K. (35 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM):
Tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc
Dù đều là giảng viên của các trường đại học lớn tại TP.HCM nhưng vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm con mà tập trung cho đứa con duy nhất là bé gái vừa được 7 tuổi. Bởi với thu nhập hiện nay, việc nuôi một bé một cách đầy đủ và ăn học đàng hoàng cũng khá vất vả về cả công sức và tiền bạc.
Chẳng hạn, con gái tôi học hệ tích hợp ở một trường công với chi phí gần 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí học đàn piano, học vẽ và học hát... cũng xấp xỉ con số này. Do tôi tự dạy tiếng Anh cho bé chứ nếu đi học thêm tiếng Anh như các bé khác thì chi phí còn cao hơn, chưa kể tiền ăn uống, cho con đi chơi vào ngày cuối tuần.
Ngoài tiền bạc, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để đưa đón con. Nhiều lúc con tôi nói "muốn mẹ sinh thêm em vì làm đứa con độc nhất thật là buồn", nhưng tôi không thể sinh thêm vì nếu sinh thêm bé nữa tôi không còn thời gian để đi làm chứ chưa nói tới chuyện phát triển sự nghiệp.
THÙY DƯƠNG
TTO - Giới chức ngành dân số đang lo ngại những xu hướng mới ở Việt Nam như kết hôn muộn, thậm chí không kết hôn, làm mẹ đơn thân; tình trạng người giàu, có điều kiện chăm sóc trẻ thì ngại đẻ và ngược lại...
Xem thêm: mth.16014818052210202-aig-os-nad-iov-tam-iod-man-teiv/nv.ertiout