TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa có văn bản phản hồi về đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của bà Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi, trú quận 12, TP.HCM).
Đây là nhân vật trong bài “Nữ vận động viên khuyết tật và vụ án lừa đảo” mà PLO từng phản ánh hồi tháng 8.
Bà Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: A.TUẤN
Theo đó, tòa này thông báo đã nhận được đơn của bà Thanh về việc đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. “TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tiến hành xem xét đơn của bà theo quy định của pháp luật” – văn bản ghi.
Bà Thanh là bị cáo trong một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã bị tòa phúc thẩm tuyên phạt 42 tháng tù. Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên bà được tạm hoãn thi hành án. Xuyên suốt quá trình tố tụng, bà luôn khẳng định mình không có ý định lừa đảo.
Văn bản của TAND cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: NVCC
Bà Thanh bị bại liệt nhưng được bác sĩ ghép vào chân một thanh nẹp nên có thể đi lại được dù rất khó khăn. Năm 2005, bà được CLB Người khuyết tật TP tạo điều kiện cho tham gia thi đấu thể thao và trong nhiều năm đoạt được huy chương ở môn bơi ếch.
Năm 2015, bà Thanh tới thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An, Bình Dương) thuê mặt bằng mở phòng vé cấp 2 để bán vé máy bay, tàu hỏa.
Theo hồ sơ, bà nhận hơn 140 triệu đồng để mua vé máy bay và tàu hỏa cho tám người nhưng sau đó không giao vé và cũng không trả lại tiền nên bị tố cáo.
Tháng 11-2019, TAND TP Thuận An xử sơ thẩm. Bà Thanh kêu oan. Tòa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ khi bán vé cho các bị hại, bị cáo có dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các bị hại hay chỉ là giao dịch dân sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai vào ngày 7-1, bà Thanh tiếp tục kêu oan. Quá trình điều tra bổ sung, 6/8 người được xác định là bị hại từng làm đơn tố cáo đã có đơn bãi nại. Tuy nhiên, tòa quyết định tuyên phạt bà 42 tháng tù.
Thời gian được tạm hoãn thi hành án, bà Thanh mở lớp dạy may cho người khuyết tật. Ảnh: A.TUẤN
Ngày 11-5, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm nhận định sau khi nhận đủ tiền, bị cáo không chuyển cho đại lý cấp 1 để xuất vé khiến khách hàng không có vé. Đây là hành vi chiếm đoạt tiền của người khác, bị cáo biết nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Tại tòa bị cáo cho rằng bị cướp tài sản vào ngày 28-12-2017 nên không còn tiền mua vé nhưng không có chứng cứ nào, kết quả xác minh cho thấy lời trình bày này không đúng.
Ba người bào chữa cho bị cáo Thanh cho rằng việc giữa bị cáo và các bị hại chỉ là quan hệ dân sự. Hành vi của bị cáo không có dấu hiệu của tội lừa đảo vì bị cáo xảy ra sự cố mất tài sản nên mới không mua được vé cho các khách hàng.
“Ngoài ra, trước phiên xét xử, đã có người nhận tiền Thanh trả và Thanh đã nộp biên nhận này cho tòa. Tuy nhiên, HĐXX lại không đưa số tiền này vào phần đã khắc phục là một thiếu sót” – một luật sư bào chữa nói.