Thói quen đầu tư thay đổi vì Covid
Hương Lan
(TBKTSG) - Chúng ta đã bước sang nửa cuối tháng 12, dần khép lại một năm đầy biến động lịch sử. Lãi suất giảm mạnh và chứng khoán có đà tăng dài nhất trong lịch sử là những điểm nhấn. Đằng sau những điểm nhấn này có thể là một sự thay đổi thói quen đầu tư chưa từng có.
Lãi suất ngân hàng liên tiếp giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư để mắt tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều hơn. |
Trào lưu đầu tư mới
Mặt bằng lãi suất huy động, tiết kiệm hiện tại đang ở mức thấp nhất lịch sử. Điều này khiến nhu cầu gửi tiền tiết kiệm sụt giảm, mở ra cơ hội thu hút dòng tiền cho các kênh đầu tư khác, mà điển hình là chứng khoán.
Có hai nguyên nhân chính khiến mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm trong năm nay. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế là tín dụng đã và đang tăng rất chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lũy kế chín tháng đầu năm nay, tín dụng chỉ tăng 5,12% so với cuối năm 2019; thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,51% của năm ngoái và cũng thấp hơn rõ rệt mức tăng của huy động vốn (chín tháng đầu năm, huy động vốn tăng 7,7% so với cuối năm 2019).
Lãi suất huy động rơi vào xu hướng giảm, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao đẩy lãi suất thực của việc gửi tiền suy giảm và kỳ vọng về lãi suất thực hay lợi nhuận từ việc gửi tiền tiết kiệm sẽ còn thấp hơn trong tương lai. Việc tìm tới các kênh đầu tư mới là một hệ quả tất yếu. |
Nguyên nhân thứ hai tới từ chính sách tiền tệ thiên về nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng, thông qua hai biện pháp chính là hạ lãi suất điều hành và gia tăng cơ sở tiền. Sau cú hạ lãi suất đột ngột về 0-0,25% từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dường như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều dư địa hơn để thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất.
Tính từ đầu năm tới nay, NHNN đã ba lần giảm lãi suất, đặc biệt giảm 1,5 điểm phần trăm trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, giảm 0,6-1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi dưới sáu tháng và giảm 1,5-2 điểm phần trăm toàn bộ lãi suất cho ngân hàng thương mại vay.
Bên cạnh đó, NHNN cũng liên tiếp bơm tiền ra nền kinh tế chủ yếu bằng cách mua vào đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối với các ngân hàng thương mại. Điều này làm tăng lượng tiền cung ứng trong hệ thống ngân hàng, trong khi đầu ra cho tín dụng tăng trưởng chậm chạp.
Tiền thừa khiến lãi suất huy động rơi vào xu hướng giảm, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao đẩy lãi suất thực của việc gửi tiền suy giảm và kỳ vọng về lãi suất thực hay lợi nhuận từ việc gửi tiền tiết kiệm sẽ còn thấp hơn trong tương lai. Việc tìm tới các kênh đầu tư mới là một hệ quả tất yếu.
Kênh chứng khoán dường như có nhiều lợi thế để trở thành xu hướng mới của dòng tiền. Hai yếu tố quan trọng để nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường vốn này, đó là việc xử lý dịch bệnh hiệu quả của Chính phủ, cùng với sự lạc quan vào kinh tế Việt Nam, sẽ giúp dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ là những sự kiện quan trọng làm thay đổi thói quen đầu tư của người dân: “Đầu tư chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thay vì gửi tiết kiệm nhiều như trước. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tiếp tăng mạnh thời gian vừa qua là một trong những minh chứng cho xu hướng này.
Bên cạnh kênh chứng khoán, thị trường (TPDN) dường như cũng được hưởng lợi từ việc lãi suất ngân hàng liên tiếp giảm mạnh. Lãi suất ngân hàng giảm kéo theo lãi suất các công cụ nợ do ngân hàng phát hành cũng giảm theo như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư để mắt tới thị trường TPDN nhiều hơn.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VND, lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị TPDN phát hành thành công đạt 350.883 tỉ đồng; tăng mạnh 68,1% so với cùng kỳ 2019 với sự tăng tốc từ nhóm ngành bất động sản.
Lợi ích từ thói quen đầu tư mới
Đó là thói quen đầu tư chứng khoán, TPDN thay vì gửi tiền tiết kiệm của các nhà đầu tư trong nước. Với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các cá nhân, luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường.
Thứ nhất, những nhà đầu tư trong nước là những người hiểu về doanh nghiệp trong nước hơn ai hết và chính họ là người tạo thanh khoản của những cổ phiếu “penny” (nhóm có quy mô vốn chủ nhỏ); trong khi Nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào các mã blue-chip (nhóm có quy mô vốn lớn). Thứ hai, sự mở rộng đầu tư từ nhóm nhà đầu tư trong nước sẽ tạo thế cân bằng với nhóm nhà đầu tư nước ngoài và một số nhà đầu tư lớn trên thị trường (chẳng hạn các quỹ đầu tư).
Điều này có thể giúp thị trường cân bằng, tránh khỏi các đợt giảm sốc khi nhà đầu tư nước ngoài chuyển vị thế sang bán ròng.
Chúng ta không thể kỳ vọng NHNN sẽ mua cổ phiếu để chống đỡ sự sụt giảm thị giá giống như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã và đang làm, mà chỉ có thể kỳ vọng nhà đầu tư trong nước đủ mạnh để cân bằng với nhóm nước ngoài hay nhóm nhà đầu tư lớn nào đó. Thị trường với càng nhiều nhà đầu tư sẽ hạn chế được rủi ro thanh khoản của một mã cổ phiếu nào đó chỉ phụ thuộc vào một số “cá mập”.
Với thị trường TPDN, việc mở rộng tệp nhà đầu tư không phải ngân hàng sẽ giúp phân tán rủi ro tín dụng. Điều này có nghĩa là rủi ro của việc nắm giữ TPDN được chấp nhận rộng rãi hơn, thay vì chỉ được chấp nhận tại các tổ chức tín dụng như trước. Nếu doanh nghiệp hoạt động tốt, dòng tiền đảm bảo khả năng trả nợ thì đây là kênh đầu tư xu thế trong những năm tới với lợi suất đầu tư vẫn đang cao hơn đáng kể so với các kênh đầu tư truyền thống.
Trong thời gian tới nếu tình hình hoạt động doanh nghiệp được cải thiện với kỳ vọng về vaccin hiệu quả và dịch bệnh kết thúc, thì chứng khoán và TPDN có thể tiếp tục được ưu chuộng. Từ thói quen đầu tư kể trên có thể mở ra một trào lưu đầu tư mới trên thị trường chứng khoán và TPDN.
Xem thêm: lmth.divoc-iv-iod-yaht-ut-uad-neuq-ioht/330213/nv.semitnogiaseht.www