vĐồng tin tức tài chính 365

Covid-19 và động thái tư duy STEM

2020-12-25 13:38

Covid-19 và động thái tư duy STEM

Lê Hữu Huy(*)

(TBKTSG) - Khi đại dịch Covid-19 khởi phát, nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu ý thức hơn về tầm quan trọng của việc tìm hiểu thông tin, tiếp cận kiến thức khoa học và trang bị các kỹ năng cần thiết. Nào là thông tin về bản chất của virus corona, phương pháp chẩn đoán, con đường lây nhiễm, ý nghĩa khoa học của việc giữ khoảng cách an toàn và hiệu quả của các vật liệu dùng làm khẩu trang.

Và rồi khi các nhà khoa học và chuyên gia y tế tìm cách hiểu và giải thích về sự phức tạp liên quan đến đại dịch thì hàng loạt câu hỏi được đặt ra như nên nghe lời khuyên của ai, có nên đeo khẩu trang không hay khẩu trang vải có thể ngăn lây nhiễm không...

Sơ đồ khái niệm STEM © Bản quyền của Tiến sĩ Tan Kah Chye, Addest Technovation Pte Ltd.

Tại Singapore, phần lớn việc truyền đạt thông tin về dịch Covid-19 đến từ chính phủ nhưng những thông tin này cũng không hoàn toàn tin cậy. Nguy cơ nghiêm trọng của virus corona đã khiến Chính phủ Singapore phải thay đổi chiến lược từ “chỉ đeo khẩu trang khi bị ốm” sang “đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà” và từ “trường học là nơi an toàn nhất” đến “học tập hoàn toàn tại nhà”.

Giờ đây, khi thế giới đã có thuốc chủng ngừa thì chúng ta lại đứng trước hàng loạt thách thức khác. Vaccin nào an toàn nhất? Tiêm rồi thì phát sinh biến chứng hay rủi ro gì? Người được tiêm chủng có thể được miễn nhiễm nhưng có chắc không lây cho người khác không?

Trong lúc chờ đến khi đại dịch chấm dứt hoàn toàn, con người vẫn phải tiếp tục hành trình trả lời những câu hỏi nói trên. Nhưng nhìn ở khía cạnh tích cực, con người phải quan tâm đến khoa học nhiều hơn đây không còn là lĩnh vực khô khan mà là những đề tài mang tính thời sự và gắn bó mật thiết đến đời sống của mỗi người.

Điều đáng mừng khác, việc giảng dạy các môn khoa học trong nhà trường phổ thông ở nhiều nước trong nhiều năm qua đã không còn khô cứng mà chuyển sang hướng tiếp cận đa ngành được gọi là STEM – viết tắt của bốn từ tiếng Anh là Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học).

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đại dịch Covid-19 là một nhắc nhở cần thiết cho việc cổ động hơn nữa việc phổ cập hiểu biết về STEM trong nhà trường và cộng đồng xã hội. Tại Singapore, mục tiêu của giáo dục STEM là “Khoa học vì đời sống và xã hội” nhằm đào tạo ra những công dân hiểu biết về bản thân và hiểu biết về STEM.

Theo hai chuyên gia nghiên cứu về STEM của Viện Giáo dục quốc gia thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) là Phó giáo sư Tan Aik Ling và Tiến sĩ Ong Yann Shiou, bằng khả năng hiểu biết về bản thân, người học sẽ phát triển tư duy khoa học với kiến ​​thức thực tế về khoa học và ứng dụng để đưa ra các quyết định hàng ngày và giải quyết các vấn đề liên quan đến khoa học để cải thiện cuộc sống của mỗi người.

Hiểu biết về STEM liên quan đến việc tìm kiếm và đánh giá bằng chứng. Ví dụ, một người hiểu biết về STEM sẽ biết cách chứng minh rằng nồng độ cồn cao sẽ làm tăng hiệu quả của nước rửa tay tiệt trùng.

Về mặt lý thuyết, phát triển khả năng hiểu biết về STEM của một cá nhân giúp người này đưa ra những quyết định đúng đắn cho riêng mình về các vấn đề liên quan đến khoa học. Tuy nhiên, khoa học phải được đặt trong bối cảnh của niềm tin và giá trị cá nhân.

Chẳng hạn, một số người theo trào lưu “anti vaccin” cho rằng vaccin là vô đạo đức và không muốn tiêm chủng dù bằng chứng khoa học cho thấy điều này có thể ngăn dịch bệnh lây lan và cứu mạng sống. Như vậy, hiểu biết về bản thân cũng cần được kết nối với hiểu biết về nhân văn, tức khả năng trân trọng khoa học như một di sản vật thể của nhân loại và văn hóa, áp dụng các ý tưởng khoa học để tham gia vào các vấn đề khoa học xã hội một cách có đạo đức và được thông tin.

Cũng theo hai nhà nghiên cứu nói trên, nhờ hiểu biết về STEM, chúng ta sẽ bình tĩnh và không bối rối khi nghe ý kiến của một chuyên gia nào đó. Để cân nhắc có nên tin ​chuyên gia này không, chúng ta có thể xem xét hai tiêu chí. Thứ nhất, liệu chuyên gia này có tư lợi không? Thứ hai, chuyên gia đó có chuyên môn liên quan trong lĩnh vực để đưa ra ý kiến ​​không? Ví dụ, bạn sẽ hỏi ý kiến ​​chuyên gia y tế khi bị sốt hoặc ho, nhưng bạn nên tham vấn ​​chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy lo lắng hoặc chán nản. Như vậy, chúng ta cần có khả năng phân biệt tính xác thực của nguồn thông tin, hiểu bản chất chính trị, logic của thông tin và đưa ra quyết định trên cơ sở hợp lý thay vì sợ hãi.

Theo các chuyên gia, giáo dục STEM không đơn thuần là việc trộn lẫn và kết hợp Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán học mà phải tích hợp liền mạch mối liên kết qua lại giữa bốn môn này vào chương trình giảng dạy. Thách thức đặt ra là sự phân biệt giữa bốn môn học này không rõ ràng và quan trọng hơn cả là việc xác lập và hiểu thấu đáo khái niệm.

Để hiểu biết STEM, cần phải hiểu khái niệm Khoa học Tổng quát gồm hai phần là Khoa học Nền tảng và Khoa học Ứng dụng. Khoa học Nền tảng về cơ bản là kết hợp của Khoa học Tự nhiên và Toán học, do đó Khoa học và Toán học đôi khi không thể tách rời. Mặt khác, Khoa học Ứng dụng chú trọng nhiều hơn vào ứng dụng thực tế của kiến thức khoa học và do đó trong ý nghĩa này, khoa học có liên quan mật thiết với Công nghệ và Kỹ thuật. Một lần nữa, đây cũng là hai khái niệm cần được nắm rõ.

Công nghệ liên quan đến khả năng sử dụng các kiến thức/kỹ năng khoa học và toán học để giải quyết các vấn đề thực tế trong trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nó được biểu hiện như là một công cụ/máy móc/hệ thống. Ví dụ, kéo là một công cụ minh họa cho một dạng công nghệ cho phép chúng ta cắt giấy một cách rất tiện lợi.

Điện thoại thông minh có thể được xem như một hệ thống toàn diện gồm nhiều công nghệ, bao gồm các phần cứng khác nhau như ăng-ten, bộ thu phát tín hiệu, màn hình cảm ứng, micrô, loa, bộ vi xử lý, thành phần lưu trữ dữ liệu... cũng như phần mềm và ứng dụng khác nhau thực hiện các phương pháp tổ chức và các thuật toán xử lý. Trong khi đó, Kỹ thuật đề cập đến những quy trình thiết kế và xây dựng mà người ta thực hiện để tạo ra công nghệ. Mối liên kết giữa bốn môn học này có thể được trình bày qua sơ đồ khái niệm sau:

Theo Daniel H. Pink, tác giả của nhiều quyển sách bán chạy trong lĩnh vực kinh doanh, việc làm và quản trị với hơn hai triệu bản trên toàn thế giới và được dịch ra 34 ngôn ngữ khác nhau, con người chúng ta hiện đang sống trong Thời đại Khái niệm (Conceptual Age).

Nó không giống như Thời đại Nông nghiệp, Thời đại Thông tin hay Thời đại Công nghiệp vì chúng ta không còn dựa vào kiến thức nội dung chuyên môn của bất kỳ một con người cụ thể nào. Thời đại Khái niệm đòi hỏi các cá nhân phải có khả năng suy nghĩ chín chắn, giải quyết vấn đề và thích ứng với môi trường mới bằng cách sử dụng khả năng chuyển giao các ý tưởng.

Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của con người chúng ta với những chiều kích đa dạng và chưa bao giờ nhân loại phải tiếp xúc và xử lý lượng thông tin khoa học, toán học, thống kê và kỹ thuật cùng với những khái niệm mới virus học, miễn dịch học và dịch tễ học như hiện nay.

Đại dịch còn kéo theo sự xuất hiện của các nhà tâm lý học và xã hội học, những người lập mô hình và dự đoán các xu hướng liên quan đến sức khỏe tâm thần và hành vi con người. Ngoài ra, còn phải kể đến các nhà kinh tế, những người dự đoán và hoạch định để giảm thiểu những thiệt hại tiếp theo của đại dịch đối với các nền kinh tế khu vực, quốc gia và toàn cầu.

STEM không hẳn là giải pháp hoàn hảo cho những khó khăn và thách thức mà con người phải đối phó khi Covid-19 còn dai dẳng với những âm hưởng tiêu cực về sau. Nhưng đó có lẽ cũng là động thái tư duy cần thiết để các quốc gia thiết kế lại hệ thống giáo dục để đối phó với các vấn đề hiện tại và trong tương lai.

Trên tinh thần đó, STEM không còn giới hạn trong ý nghĩa của sự liên kết bốn môn học như đã nói ở trên mà còn là xung lực để thúc đẩy chiến lược, chính sách của chính phủ các nước trong việc cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và các môn khoa học nói riêng trong trường phổ thông, trường dạy nghề và giáo dục đại học.

Để đạt được điều này, theo nhiều chuyên gia, giáo dục STEM đôi khi phải gắn liền với các mục tiêu chính trị và các lĩnh vực liên quan của triết học và xã hội học. Covid-19 có thể là một chất xúc tác quan trọng để động thái tư duy này được thực hiện sớm hơn.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Xem thêm: lmth.mets-yud-ut-iaht-gnod-av-91-divoc/240213/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Covid-19 và động thái tư duy STEM”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools