Cách duy nhất để thuyết phục rằng giá cổ phiếu đang không hề đắt là lập luận một vài yếu tố cơ bản trong môi trường đầu tư đã thay đổi.
Nhờ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dường như điều đó đã xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ phải trả cái giá khá đắt nếu như suy nghĩ của họ là sai lầm.
2020 là 1 năm đặc biệt với đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã hồi phục mạnh mẽ và không những thế còn liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới. Thay vì kết thúc "trong nước mắt", các chỉ số trên thị trường đều cho thấy mức giá trị cao chừng thấy.
Hiện hệ số P/E của S&P 500 đang là 22 lần – mức đắt đỏ nhất kể từ bong bóng dot-com. Theo hệ số P/E điều chỉnh theo lạm phát của Robert Shiller, chứng khoán Mỹ cũng đang đắt đỏ nhất trong gần 20 năm trở lại đây. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường trên GDP Mỹ - thước đo mà Warren Buffett từng khẳng định là tốt nhất để đo lường giá trị dù ở bất cứ thời điểm nào – cũng cao hơn bất kỳ giai đoạn nào trong bong bóng dot-com.
Một trong những lập luận phổ biến nhất để khẳng định giá cổ phiếu hiện nay không đắt là lãi suất đang ở mức siêu thấp. Khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chỉ là 0,95%, chỉ số P/E hiện nay sẽ không kỳ dị như khi lợi suất là 5%.
Tuy nhiên có 1 vấn đề khiến suy nghĩ này không ổn. Lợi suất trái phiếu 10 năm phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về mức trung bình lãi suất qua đêm mà Fed sẽ áp dụng trong thập kỷ tới. Chính sách của Fed luôn điều chỉnh theo diễn biến nền kinh tế, sẽ tăng lãi suất khi Fed muốn hạ nhiệt nền kinh tế và hạ lãi suất khi muốn hoạt động kinh tế sôi động hơn. Vì thế lợi suất thấp cũng được coi là tương đương với một nền kinh tế tăng trưởng thấp và có lạm phát thấp – điều kéo theo cả tăng trưởng lợi nhuận cũng thấp. Vậy thì tại sao giá cổ phiếu lại tăng?
Năm nay Fed đã có 1 sự thay đổi lớn trong chính sách điều hành lãi suất: từ bỏ việc nâng lãi suất để phòng ngừa rủi ro lạm phát tăng. Trong nỗ lực giúp nền kinh tế phục hồi, Fed cam kết giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0 cho đến khi lạm phát đạt 2% và "đang trên lộ trình vượt 2% một chút trong thời gian ngắn". Điều đó có nghĩa là trong vài năm tới, lãi suất sẽ thấp hơn so với thời gian trước. Đó là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư tự tin thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm.
Trong lịch sử, các quy tắc đầu tư cũng đã từng thay đổi. Peter Bernstein, nhà đầu tư cũng là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử thị trường tài chính, lưu ý rằng các nhà đầu tư kỳ cựu trên phố Wall luôn coi việc tỷ suất cổ tức rơi xuống dưới mức lợi suất trái phiếu 10 năm là 1 dấu hiệu nên bán ra. Tuy nhiên họ đã bỏ lỡ 1 điều: hiện tượng các công ty dùng lợi nhuận để tái đầu tư thay vì chi trả cổ tức. Có lẽ sẽ cần đến 50 năm nữa để cố tức quay trở lại lớn hơn lợi suất trái phiếu.
Dẫu vậy cũng không có gì chắc chắn. Đầu những năm 1970, các nhà đầu tư tin tưởng nhóm "Nifty Fifty" gồm 50 công ty lớn đã có nhiều năm tăng trưởng vững chắc sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nhiều năm nữa và đổ xô mua cổ phiếu của những công ty này. Tuy nhiên cuối cùng thì họ đã đoán sai và lỗ lớn. Thời kỳ bong bóng dot-com cũng là ví dụ minh chứng cho sự kỳ vọng vượt quá thực tế trần trụi.
Đúng là những động thái của Fed trong năm 2020 đã khiến các nhà đầu tư thay đổi cách suy nghĩ về giá trị. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì. Liệu những suy nghĩ của họ có chính xác? Thời gian sẽ kiểm chứng.
Tham khảo Wall Street Journal
Xem thêm: nhc.98343845152210202-ut-uad-ev-cat-yuq-cac-ial-teiv-ad-def/nv.fefac