Hành trình trở thành ‘tổng thầu’ cho các chiến dịch triệu đô
Nội dung: Dũng Nguyễn - Trình bày: Thu Trang
(TBTKSG Online) - Việc quản lý chiến dịch kích cầu khuyến mãi của các nhãn hàng ngày nay trở nên đơn giản hơn nhiều nhờ các giải pháp công nghệ mới được đưa ra trong mùa dịch Covid-19. eTrust.vn, startup tìm kiếm cơ hội từ nhu cầu cũ trong bối cảnh “bình thường mới” của nền kinh tế, ghi dấu với doanh số gần 4 triệu đô la khi tiếp cận được với các chiến dịch lớn của thương hiệu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Năm 2020 không phải là năm “thân thiện” đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh bia rượu, khi chịu tác động “kép” từ Nghị định 100 (quy định xử phạt hành vi dùng bia rượu khi tham gia giao thông) và từ các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19.
Từ đầu năm 2020, doanh số giảm mạnh buộc các hãng bia phải thay đổi chiến lược kinh doanh, trong đó có kênh phân phối. Nhiều hãng bia liên tiếp tổ chức các chiến dịch khuyến mãi lớn với khẩu hiệu “đưa bia về nhà”, thay vì đến hàng quán để ăn uống như trước đây. Kết quả kích cầu còn phụ thuộc vào mục tiêu của từng chiến dịch cụ thể, nhưng phần quà tặng thì bắt buộc vẫn phải đủ hấp dẫn khách hàng.
"Bài toán mà các nhãn hàng đặt ra là quà tặng phải đủ hấp dẫn, có tính phổ thông để có thể tiếp cận được với người mua vốn đa dạng về mặt địa lý và phù hợp với tính địa phương”, ông Nguyễn Dương Huy Vũ, nhà sáng lập Fibo, sở hữu eTrust.vn, đơn vị từng quản lý các chiến dịch khuyến mãi từ đầu năm nay của các hãng bia như Sabeco, Heineken Việt Nam… kể lại.
Với eTrust, trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, món quà thiết thực và hữu ích, đối với người dùng nhất vẫn là tiền mặt. Theo đó, khách hàng mua bia sẽ được tặng tiền vào tài khoản điện thoại tuỳ theo giá trị quà tặng của chương trình, thông qua các tin nhắn SMS. “eTrust chọn tặng “quà” trên tài khoản viễn thông vì tiếp cận được đến với nhiều người, thay vì trên các ứng dụng điện thoại”, ông Vũ cho biết.
Trên thực tế, các chiến dịch kích cầu của nhãn hàng không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn mà còn ở khu vực nông thôn. Doanh số tăng lên tính bằng lần trong một chiến dịch khuyến mãi của một thương hiệu bia ở miền Trung, là bài học minh chứng cho thấy việc kích cầu trong mùa dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp vẫn đạt mức hiệu quả đáng kể. Còn kết quả chung, từ báo cáo của Công ty chứng khoán SSI mới đây cho thấy, dù sản lượng nhìn chung vẫn còn giảm nhưng cũng đã có những tín hiệu phục hồi đáng kể của ngành.
Từ góc độ nhãn hàng, đơn vị tổ chức một chiến dịch, việc quản lý chiến dịch là một “gánh nặng” không nhỏ, từ việc tặng quà chính xác, đúng người, cho đến hệ thống quản lý doanh số theo thời gian thực.
Các giải pháp của eTrust tập trung giải quyết câu chuyện này. Với công nghệ xác thực sản phẩm, eTrust có thể xác định được khách hàng đã mua được thùng bia ở lô sản xuất bao nhiêu, nhà máy nào, thời hạn bảo hành ra sao và quan trọng nữa là số điện thoại nào đã nhắn tin lên hệ thống để lấy quà.
Bằng cách này, eTrust đồng thời có thể cung cấp hệ thống quản lý đến từng chi tiết, như số điện thoại, nhà cung cấp, số tiền đơn hàng, khu vực, mã sản phẩm, mã khuyến mãi…để phục vụ cho việc đối soát thông tin của các nhãn hàng, từ đó tăng tính minh bạch trong các chiến dịch và việc quản lý các chiến dịch trở nên đơn giản hơn trước đây rất nhiều.
“Bản thân eTrust cũng cần báo cáo chính xác theo thời gian thực vì phải tự ứng trước chi phí cho doanh nghiệp và mất ít nhất 30 ngày để nhận lại tiền. Nếu hệ thống không chính xác, chúng tôi chịu thiệt trước tiên”, ông Vũ nói.
Do đó, cuộc chơi này không hề dễ dàng với các “nhà thầu phụ” của nhãn hàng, không chỉ cần phải “chồng đủ” vốn đối ứng với các chiến dịch tính bằng hàng chục tỉ đồng, mà còn đi kèm theo đó là “niềm tin” của các nhà tiếp thị nhãn hàng trong nước và quốc tế vốn dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Từ phía nhãn hàng, việc kiểm soát chương trình quà tặng, quản lý các chiến dịch kích cầu trong một thời gian ngắn trở nên dễ dàng hơn trước vì doanh số được cập nhật theo thời gian thực, dễ dàng đối soát hoặc thay đổi chiến thuật ngay lập tức nếu cần thiết.
Có thể nói, cơ duyên đến từ ngành bia đã giúp eTrust.vn, một giải pháp quản lý chương trình quà tăng, bảo hành trực thuộcCông ty Fibo (đơn vị cung ứng giải pháp viễn thông cho doanh nghiệp vừa và nhỏ), thoát khỏi khó khăn mà Covid-19 tạo ra trong năm nay, chỉ với đội ngũ vận hành trong mỗi chiến dịch chưa đến 10 người.
Giải pháp eTrust đem về ước đạt hơn 4 triệu đô la (tương đương gần 100 tỉ đồng) trong năm nay, trong khi năm ngoái doanh thu không đáng kể. Nhưng điều quan trọng hơn, eTrust đã mở ra một cánh cửa tăng trưởng mới trong tương lai.
Ông Vũ vốn có kinh nghiệm 10 năm trong ngành viễn thông, Fibo từng nổi tiếng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hệ thống tin nhắn của nhà mạng. Trong khi đó, eTrust thực tế là một dự án khởi nghiệp từ ý tưởng dùng công nghệ để “thiết lập” niềm tin với người tiêu dùng, được thành lập từ năm 2018.
Ý định ban đầu của ông Vũ là giúp minh bạch hóa nguồn gốc của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhờ vào giải pháp truy xuất nguồn gốc. Ông Vũ kể, eTrust cũng đã có nhiều khách hàng tiêu biểu như như Sunhouse, Liên Á, Robot, Aqua…
Từ nền tảng ban đầu đó, ông Vũ bắt đầu mở rộng khả năng truy xuất nguồn gốc thành giải pháp quản lý sản phẩm phục vụ cho nhu cầu bảo hành. Sau mỗi lần mở rộng, cơ sở dữ liệu tiếp tục tăng lên với độ chi tiết và tính chính xác nhiều hơn vì quy trình quản lý mỗi sản phẩm là khác nhau, đa phần là phức tạp vì liên quan đến nhà máy sản xuất.
Tiền đề của eTrust được xây dựng dựa trên nền tảng và thế mạnh của doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành viễn thông. Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông cũng mang đến cho Vũ quan điểm “thực dụng” trong việc chuyển đổi số. Nhờ đó, eTrust cũng nhanh chóng “xoay mình” chuyển hướng tiếp cận để giải bài toán mà thị trường đặt ra trong bối cảnh “bình thường mới”.
Trên thực tế, nhu cầu thị trường mà giải pháp eTrust đang tham gia là còn khá mới, nhưng luôn hiện hữu. eTrust cũng không phải là đơn vị duy nhất cung cấp giải pháp quản lý các chiến dịch khuyến mãi cho nhãn hàng. Tùy thuộc vào năng lực về vận hành công nghệ và quy mô vốn đối ứng, cuộc chơi của mỗi nhà “thầu phụ” cho nhãn hàng sẽ ở mức tương ứng khác nhau.
Một điển hình là câu chuyện của tập đoàn truyền thông Yeah1, hồi tháng 5 cũng công bố dự án Giga1, tập trung giải quyết câu chuyện khuyến mãi của nhãn hàng. Theo đó, các sản phẩm nước giải khát của Tân Hiệp Phát, đối tác chiến lược của Yeah1, cũng đã “lên kệ” của Giga1, tận dụng hệ sinh thái người dùng sẵn có ở tập đoàn truyền thông này.
Do đó, nhu cầu thị trường do đó luôn hiện hữu khi các nhãn hàng luôn có chiến dịch quanh năm, từ mùa xuân cho đến mùa đông, từ sự kiên đơn lẻ cho đến tổng hợp.
Nói cho cùng, Covid-19 đã tạo cú hích thay đổi xu hướng tiêu dùng và từ đó các giải pháp dựa trên công nghệ bắt đầu được đẩy mạnh và triển khai ngày càng nhiều hơn, giúp người tiêu dùng đầu cuối và các nhãn hàng hưởng lợi từ việc tối ưu hóa hệ thống dựa trên công nghệ.
Tập trung xây dựng các giải pháp công nghệ dựa trên niềm tin, như tên gọi eTrust, trong tương lai, startup này sẽ tiếp tục mở rộng theo hướng mở rộng cả chiều dọc và chiều ngang, mở rộng thêm tập khách hàng, đầu tư bổ sung thêm nhiều hình thức quà tặng hấp dẫn hơn. “Chìa khoá để tiếp cận tập khách hàng doanh nghiệp là niềm tin, còn công nghệ là phương thức giải quyết các công việc hiện tại với hiệu quả, tính linh động cao cùng chi phí cạnh tranh hơn”, ông Vũ tâm niệm.
Xuất thân là dân kỹ thuật (từng theo học trường Đại học Tổng hợp - nay là trường Đại học Tự nhiên TPHCM), cái tên Nguyễn Dương Huy Vũ (sinh năm 1976) không xa lạ với những người yêu thích lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông trong giai đoạn bắt đầu phát triển internet tại Việt Nam. Năm 2001, ông cùng cộng sự sáng lập của PA Việt Nam, nay là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực domain/hosting, nhưng sau đó rời đi vào năm 2004. Đến năm 2007, ông Vũ thành lập Fibo, với ba mảng kinh doanh chính là cho thuê máy chủ, tên miền và thiết kế website; tiếp thị qua SMS và tiếp thị qua email, và đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động, Fibo gặp nhiều biến cố và ông Vũ thêm lần nữa thất bại. Sau lần đó, ông thực hiện tái cấu trúc Fibo và "sống ổn" cho đến ngày nay. Fibo hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, như cung cấp các giải pháp tổng đài, dịch vụ SMS cho doanh nghiệp, trở thành nền móng cho các dự án nội bộ, chẳng hạn như eSim (sim điện tử) hay eTrust. |
Xem thêm: lmth.od-ueirt-hcid-neihc-cac-ohc-uaht-gnot-hnaht-ort-hnirt-hnah/477113/fl/nv.semitnogiaseht.www