Thịt lợn là một trong những mặt hàng "sốt" nhất trong năm 2020. Dịch tả lợn Châu Phi lây từ nước ngoài, nhanh chóng lan tới đàn lợn trên khắp cả nước, số lợn chết không ngừng gia tăng trong những tháng đầu năm gây khan hiếm nguồn cung đối với mặt hàng này, đẩy giá tăng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2020.
Theo đó giá lợn hơi từ mức khoảng 80 nghìn đồng/kg đầu năm 2020 tăng vọt trong những tháng sau đó, lên trên 100 nghìn đồng/kg vào giữa năm 2020; giá thịt lợn tại các chợ có thời điểm lên đến khoảng 170 -200 nghìn đồng/kg. Tại một nước láng giềng – Trung Quốc, giá thịt lợn cũng tăng cao kỷ lục.
Kể từ tháng 6 giá lợn hạ nhiệt dần, đến tháng 11/2020 còn khoảng 65-75.000 đồng/kg sau khi Chính phủ đưa ra hàng loạt các biện pháp quyết liệt để bình ổn mặt hàng này. (Những biện pháp giúp hạ nhiệt thị trường thịt lợn được đưa ra như:Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành chăn nuôi lợn đưa giá lợn hơi xuống mức dưới 70 nghìn đồng/kg; Cho phép lần đầu tiên được nhập khẩu lợn sống;Tăng cường nhập khẩu thịt lợn; Ngành chăn nuôi tăng cường tái đàn…).
Dù có các biện pháp giúp hạ nhiệt giá nhưng thời điểm cuối năm dương lịch giá thịt lợn vẫn ở mức cao: Giá bán ra tại các chợ 120.000 - 160.000 đồng/kg, có loại trên 200.000 đồng/kg, nạc vai 150.000 đồng/kg, chân giò 120.000 đồng/kg, ba chỉ 150.000 đồng/kg, sườn 160.000 đồng/kg.
Ngoài ra, dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn hiện hữu đang gây áp lực lên nguồn cung cũng như giá cả dịp Tết. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh tả lợn châu Phi xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước; Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 80.000 con và hiện nay vẫn còn 307 ổ dịch tại 29 tỉnh, thành phố trên cả nước chưa qua hết 21 ngày.
Năm nay,ngành thép trong nước đối mặt với rất nhiều khó khăn. Từ sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2019 đến khoảng giữa năm 2020, tình hình sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu thép hầu như không tăng trưởng. Đỉnh điểm tháng 1 và tháng 5 năm nay, sản xuất thép thành phẩm lần đầu tiên xuống dưới 20 triệu tấn. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, mặt hàng thép xây dựng " lên cơn sốt".
Chỉ tính riêng 1 tháng trở lại đây, giá thép bình quân trong nước đã tăng tới 23%, các doanh nghiệp tăng giá tổng cộng 6 lần liên tiếp, khiến thép trở thành mặt hàng "nóng bỏng" nhất trên thị trường.
Giải thích cho sự tăng giá không ngừng nghỉ này là do giá nguyên vật liệu sản xuất đầu vào luôn ở mức giá cao. Điển hình như quặng sắt – nguyên vật liệu chính trong sản xuất thép, trong năm nay giá quặng sắt đã tăng gấp 2 lần, trở thành sản phẩm có mức giá tăng mạnh nhất toàn cầu hai năm liên tiếp. Tính từ đầu quý IV đến nay, giá quặng sắt đã tăng xấp xỉ 30%, đặc biệt riêng trong tháng 12 đã tăng tới 21%.
Không chỉ giá nguyên vật liệu cao, nhu cầu thép trong nước dịp cuối năm cũng tăng đột ngột khiến cung không đáp ứng nổi cầu. Nhiều nhà máy thép luôn trong tình trạng thiếu hàng và phải áp dụng chính sách chia lượng dù giá thép đang ở mức cao kỷ lục trong năm nay.
Thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua một năm vô cùng thăng trầm. 6 tháng đầu năm, lượng tiêu thụ ô tô theo số liệu VAMA chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái (bán 154.273 xe). Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân ngoài các yếu tố trực tiếp từ giãn cách xã hội thì gián tiếp là bởi khó khăn kinh tế đè nặng lên các doanh nghiệp và người lao động, dẫn tới chi tiêu cần thắt chặt. Các chuyên gia từng dự đoán tiêu thụ ô tô đến cuối năm sẽ không được như kỳ vọng, thậm chí xuống thấp nhất sau nhiều năm tăng trưởng.
Ngay sau khi Việt Nam trở lại trạng thái "bình thường mới", trong tháng 4 và tháng 5 hầu hết các hãng xe đều tung khuyến mãi giảm giá "khủng", mức giảm lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sức ỳ của thị trường vẫn còn rất lớn.
Giứa lúc khó khăn đó, Chính phủ đưa ra Nghị định 70/2020/NĐ-CP, theo đó hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, bắt đầu từ 28/6 và kéo dài đến hết năm, đối với các loại xe ô tô lắp ráp CKD, làm cho bức tranh thị trường ô tô đang u ám trở nên rực sáng. Tính ra, 50% trước bạ của một chiếc xe có giá khoảng 600 triệu đồng cũng lên đến ít nhất 30 triệu đồng.
Từ tháng 9/2020, khi chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ bắt đầu "ngấm" và các doanh nghiệp phần nào chủ động được nguồn cung, sức mua ô tô bắt đầu bứt tốc với tỷ lệ tăng trưởng đáng kể khi so sánh tháng sau so với tháng liền kề trước đó. Cụ thể, lượng xe ô tô bán ra thị trường tháng 9/2020 đạt 27.252 chiếc, tăng tăng 32% so với tháng 8; tháng 10/2020 đạt 33.254 chiếc, tăng 22% so với tháng 9; tháng 11/2020 đạt 36.359 chiếc, nhích thêm 9% so với tháng 10.
Càng về những tháng cuối năm, thị trường ô tô càng thêm sôi động khi người tiêu dùng tranh thủ mua "chạy" trước khi chính sách giảm phí hết hiệu lực. Theo đó, tổng sản lượng bán hàng các loại ô tô CKD tháng 11/2020 đạt 23.509 chiếc, tăng đến 15% so với tháng liền trước. Nhờ sự bứt phá này mà tính chung 11 tháng đầu năm (báo cáo mới nhất) tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường đạt 248.768 chiếc, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng không và du lịch nằm trong số những những ngành tổn thất nặng nề nhất do Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập và các hãng hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không đã phải đồng loạt hạ giá vé máy bay về mức thấp hơn nhiều so với mức hòa vốn.
Đối với lĩnh vực du lịch, dịch bệnh đã làm sụp đổ nền tảng tăng trưởng ngoạn mục suốt 5 năm qua. Bắt đầu từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Theo dự báo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020 với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và tháng 9/2020 với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn" cùng với việc chào bán những tour du lịch nội địa siêu rẻ để gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Từ tháng 4 tới nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã 2 lần giảm giá điện hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng thời gian giảm 6 tháng. Xét về giá trị, đợt 1 có hơn 9.300 tỷ đồng đã được giảm trực tiếp cho khách hàng trong kỳ hóa đơn từ tháng 4 đến tháng 6, đợt 2 ước tính số tiền giảm là trên 3.000 tỷ đồng.
Trong lần 1, hơn 2 triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh được giảm 10% giá điện ở tất cả các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm. Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được giảm 10% với các bậc thang giá điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4 (dưới 300 kWh tháng). Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch điều chỉnh giảm xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất. Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19, các khách sạn và các cơ sở lưu trú du lịch được sử dụng để cách ly bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được giảm 20%.
Trong đợt 2, tại các kỳ hóa đơn tháng 10, 11 và 12/2020 thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt tương ứng 26,6 triệu hộ gia đình đều được giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu; hơn 2 triệu khách hàng sản xuất kinh doanh cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện. Các khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng điều kiện của Luật Du lịch năm 2017 còn được chuyển đổi từ giá kinh doanh sang giá sản xuất.
Dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu lao dốc, các ngân hàng trung ương tung ra những chương trình kích thích khổng lồ gây lo ngại lạm phát gia tăng… đã đẩy giá vàng liên tiếp tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2020, vàngày 6/8/2020 đạt mức cao kỷ lục lịch sử, 2.070,05 USD/ounce.
Mặc dù sau đó giá đã giảm dần, từ tháng 8 đến nay giảm khoảng 10%, song so với đầu năm 2020, giá vàng hiện vẫn cao hơn khoảng 22%, và nhiều nhà phân tích tin rằng triển vọng thị trường năm 2021 vẫn rất khả quan.
Nguyên nhân là bởi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, đã lan tới mọi khu vực trên trái đất và diễn biến rất phức tạp. Mặc dù một số nước đã bắt đầu tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên diện rộng, nhưng để kinh tế thế giới hồi phục như trức khi xảy ra đại dịch còn cần rất nhiều thời gian.
Mới đây nhất, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ 900 tỷ USD. Với việc các chính phủ và các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ bơm thêm thanh khoản vào các thị trường tài chính, nhiều ngân hàng cho rằng việc giá vàng tăng trở lại, thậm chí vượt mức cao nhất mọi thời đại như hồi tháng 8 chỉ là vấn đề thời gian, bởi vàng khi đó sẽ là nơi "trú ẩn" ưa chuộng của các nhà đầu tư để chống lại lạm phát.
Đại dịch Covid-19 đã làm điêu đứng thị trường dầu mỏ, khiến cho nhu cầu sụt giảm thê thảm (do các nước tiến hành phong tỏa/giãn cách xã hội, ngành hàng không tê liệu) giữa bối cảnh nguồn cung dồi dào sau sự thành công của ngành dầu đá phiến Mỹ.
Tháng 3/2020 là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh ở Châu Âu. Giữa lúc đó xảy ra "cuộc chiến dầu mỏ" giữa Nga và Saudi Arabia sau khi OPEC và Nga không đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ (ngày 8/3). Ngay hôm sau đó, ngày 9/3, giá dầu thô thế giới giảm 30%. Chưa dừng lại ở đó, ngày 21/4 đánh dấu thời điểm "đen tối" nhất của thị trường này khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm xuống mức âm 37,63 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử, dầu Brent cũng xuống dưới 20 USD/thùng giữa bối cảnh hàng trăm triệu thùng dầu dư thừa phải chứa trong các kho dự trữ trên toàn thế giới, buộc các thương nhân phải thuê tàu chỉ để neo chúng lại và đổ đầy dầu thừa. Lần đầu tiên trong lịch sử, 160 triệu thùng dầu đang chứa trong các tàu chở dầu trên khắp thế giới để chờ được trút ra.
Kể từ giữa năm 2020 đến nay, kim loại công nghiệp đã trở thành nhóm hàng hóa nguyên liệu tăng giá mạnh nhất và triển vọng sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong năm 2021, do kinh tế toàn cầu hồi phục, dẫn đầu là Trung Quốc, và đồng USD yếu đi trong khi nguồn cung một số chủng loại bị gián đoạn do Covid-19 và do thiên tai/tai nạn, nhất là ở Peru và Chile.
Chỉ số kim loại công nghiệp của S&P Goldman Sachs – thuộc tập hợp Chỉ số hàng hóa S&P Goldman Sachs (S&P GSCI), được theo dõi rộng rãi – đã tăng hơn 38% kể từ ngày 1/6/2020 đến trung tuần tháng 12/2020. Trong đó, giá đồng, nhôm, nickel và kẽm đều tăng ngang ngửa so với vàng . Thậm chí một số kim loại cơ bản giá còn tăng mạnh hơn nhiều so với vàng.
Đồng. Chuỗi tăng kéo dài không nghỉ suốt từ tháng 3/2020 đã đẩy giá đồng lên mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm vào trung tuần tháng 12/2020, chạm 8.000 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2020 cũng đánh dấu sự thăng trầm của thị trường này. Vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 tác động rõ rệt lên toàn cầu, giá đồng đã mất 27% xuống chỉ còn 4.617 USD/tấn. Thị trường sau đó đã nhanh chóng và đến cuối tháng 7/2020 đã về lại nguyên mức giá như đầu tháng 1/2020. Quý 3 giá chỉ tăng nhẹ, nhưng bắt đầu nóng lên kể từ tháng 10, do đồng USD trượt nhanh sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tính từ mức thấp nhất hồi tháng 3 năm nay, giá đồng đã tăng 68% chỉ trong vòng 8 tháng, trở thành kim loại cơ bản có mức tăng bền vững nhất trong nhóm các kim loại cơ bản giao dịch trên sàn LME.
Quặng sắt. Giá quặng sắt đã tăng gấp hơn 2 lần trong năm nay, trở thành mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trên toàn cầu năm thứ 2 liên tiếp, giữa bối cảnh nhu cầu mua nhìn chung rất mạnh trên toàn cầu, nhất là ở Trung Quốc.
Từ đầu quý IV đến nay, giá quặng sắt đã tăng 29,4%, trong đó riêng tháng 12 đã tăng 21%, và tính từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại là tăng 123%. Chỉ số giá quặng sắt hàm lượng 62% CFR Trung Quốc do Platts báo cáo đã tăng trên 72% trong năm nay.
Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt và sản xuất thép lớn nhất thế giới. Sản lượng thép thô của nước này dự kiến sẽ tăng trong năm 2021, thêm 1,4% lên 1.065 tỷ tấn, so với ước tính 1,05 tỷ tấn năm 2020.Nhu cầu các sản phẩm thép ở Trung Quốc năm tới dự báo sẽ tăng 1% lên 991 triệu tấn, chậm hơn mức tăng 8,6% (đạt 981 triệu tấn) ước tính cho năm 2020, vì Chính phủ nước này đã cam kết duy trì hỗ trợ các chính sách kích thích kinh tế hồi phục.
Trong khi đó, vấn đề nguồn cung quặng sắt ngày càng trở nên đáng lo ngại do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Canada ngày càng căng thẳng và công ty Vale của Brazil đang rất khó khăn trong việc khôi phục hoàn toàn công suất sản xuất sau vụ võ đập khiến cho xuất khẩu quặng sắt từ nước này giảm xuống dưới 30 triệu tấn lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Được biết, hơn 60% lượng quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Australia.
Thép phế liệu. Trong vòng hơn 9 tháng gần đây, giá thép phế đã tăng gần gấp đôi do nhu cầu nguyên liệu thép của Trung Quốc tăng nhanh. Hiện giá thép phế thế giới đang ở mức cao nhất khoảng 7 năm. Theo đó, hàng loạt các nhà máy thép đồng loạt nâng giá thép phế, có các nhà máy Nhật Bản nâng giá tới 7 lần chỉ trong vòng 17 ngày đầu tháng 12/2020. Tại Trung Quốc, chỉ số giá thép phế tăng 7 tuần liên tiếp, ngày 11/12 đạt 2.750,5 CNY (420,6 USD)/tấn (bao gồm 13% VA), cao nhất kể từ 1/4/2013. Các nhà máy thép Trung Quốc đã tích cực thu mua phế liệu để tăng lượng dự trữ lên một mức nhất định, đủ dùng trong những tháng mùa Đông.
Thép thành phẩm. Giá nguyên liệu thép đồng loạt tăng mạnh đẩy giá thép tăng theo. Trên sàn Thượng Hải, giá thép thanh vằn hiện đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trên 4.500 CNY/tấn.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia đã đẩy giá than đá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2019, giữa bối cảnh ngành thép Trung Quốc hoạt động mạnh đẩy nhu cầu nguyên liệu tăng, trong đó có than đá.
Chỉ trong vòng 1 tháng gần đây, giá than đã tăng khoảng 25%, còn so với đầu năm 2020 thì hiện giá cao hơn khoảng 20%.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ, lan rộng và kéo dài đã khiến nhu cầu các vật dụng y tế liên quan (găng tay, máy thở, khẩu trang…) tăng vọt không chỉ ở Việt Nam và trên toàn thế giới, làm cho cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Khẩu trang. Khi dịch bệnh mới bùng phát, giá khẩu trang tăng chóng mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ Mỹ tới Nhật Bản…, khi người tiêu dùng khắp nơi mua khẩu trang với số lượng lớn để phòng dịch khiến nguồn cung thiếu hụt trên toàn cầu trong khi ngành sản xuất khẩu trang chưa kịp mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Ở thời điểm đó, giá khẩu trang ở các nơi trên thế giới phổ biến tăng gấp 5-6 lần, cá biệt có nơi tăng hàng nghìn lần nhưng vẫn không có để mua. Các nhà sản xuất khẩu trang ở khắp các nước đã phải tăng cường sản xuất, một số hoạt động 24 giờ mỗi ngày.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt nam, trong tháng 11, cả nước có hơn 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại, xuất khẩu hơn 1,3 tỷ chiếc khẩu trang y tế trong 11 tháng đầu năm nay.
Găng tay y tế. Nhu cầu găng tay y tế cũng tăng mạnh tương tự như các mặt hàng chống dịch khác. Hãng sản xuất Top Glove từ Malaysia, một trong 5 nhà cung cấp găng tay cao su lớn nhất thế giới, cho biết đang bị quá tải trước lượng đơn hàng, với khối lượng đặt thường xuyên tăng gấp đôi. Nhu cầu găng tay cao su tăng mạnh đến nỗi trở thành động lực chính đẩy giá cao su thế giới tăng vọt trong năm nay. Top Glove dự báo, dù vaccine ngừa Covid-19 có được tiêm chủng rộng rãi trên toàn cầu trong năm tới thì nhu cầu găng tay cao su vẫn sẽ lớn, vì nhân viên y tế phải đeo găng tay khi tiêm.
Máy thở. Tương tự như các sản phẩm trên, nhu cầu sử dụng máy thở trên toàn cầu khi dịch bệnh bùng phát đã tăng gấp 10 lần so với số máy hiện có, buộc nhiều hãng ở các ngành khác phải tập trung nghiên cứu sản xuất máy thở cấp tốc để đáp ứng nhu cầu, trong đó có Vingroup. Năm 2019, cung ứng 77.000 máy thở là đủ đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới. Thế nhưng tháng 4/2020, riêng thành phố New York dự báo cần thêm 30.000 máy thở. Globaldata dẫn thông tin từ hãng phân tích GlobalData cho biết, thế giới hiện đang cần 880.000 máy thở. Các nhà sản xuất máy thở hàng đầu thế giới là Gelinge, Hamilton Medical, Dräger, Mindray, Medtronic, Löwenstein, Vyaire Medical, Philips, GE Heathcare, và Fisher & Paykel đều đã phải nỗ lực tăng công suất sản xuất thêm 30 – 50% nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu đặt hàng – tăng khoảng 500 – 1000%. Những nhà máy khác đang gấp rút trang bị lại toàn bộ dây chuyền sản xuất để thực hiện các đơn hàng.
Vắc-xin Covid-19. Với mong muốn dập tắt đại dịch Covid-19, hàng loạt các công ty dược phẩm đã nỗ lực nghiên cứu vắc-xin ngừa loại virus cực kỳ nguy hiểm này. Đến nay đã có một số loại vắc-xin được cấp phép sử dụng như Pfizer, Moderna, AstraZeneca… và các nước bắt đầu tiêm chủng đại trà. Tuy nhiên, dự kiến còn mất nhiều tháng nữa mới có thể sản xuất đủ vắc-xin cho toàn thế giới.
Thông tin về vắc-xin Covid-19 trong mấy tháng qua đã có tác động cực mạnh đối với thị trường hàng hóa, đã khiến thị trường vàng trong nhiều thời điểm lao dốc mạnh, trong khi giúp các thị trường hàng hóa rủi ro như dầu mỏ, kim loại công nghiệp, tài chính….thăng hoa.
Vân Chi-Vũ Ngọc Diệp
Doanh nghiệp và tiếp thị