vĐồng tin tức tài chính 365

Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của 'cô bé mùn cưa'

2020-12-26 17:27

Từ ý tưởng khởi nghiệp…

Nguyễn Thanh Phương (sinh năm 1988) ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) là cô gái vừa được vinh danh tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức khi có dự án sản xuất viên nén mùn cưa xuất sắc.

Chia sẻ với Infonet, Phương cho biết, cô học chuyên ngành kế toán nhưng lại luôn ấp ủ sẽ phải làm điều gì đó ở chính quê hương của mình.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, nhận thấy việc đun nấu của bố mẹ rất vất vả, khói bụi. Quanh khu vực Phương sống lại có nhiều làng nghề, lượng mùn cưa, vỏ bào rất nhiều thường xuyên đổ ra bờ sông suối để đốt, gây ô nhiễm môi trường…

Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của cô bé mùn cưa - Ảnh 1.

Khởi nghiệp khi trong tay chỉ có 30 triệu đồng, đến nay cô gái trẻ đã có lợi nhuận 500 triệu đồng mỗi năm....

Thấy vậy, Phương rất băn khoăn, rồi tình cờ trong một lần tìm tòi thông tin trên trang website ở nước ngoài, vợ chồng Phương bắt gặp viên nén mùn cưa; từ đó Phương đặt câu hỏi sao mình không tự sản xuất viên nén mùn cưa từ những nguyên liệu phế thải sẵn có ở quê hương như mùn cưa, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ lạc, lõi ngô…?

Sẵn chồng làm kỹ sư tự động hóa, mở xưởng cơ khí tại nhà, năm 2011, vợ chồng Phương bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu… nhưng phải đến cuối năm 2012, Phương mới sản xuất thành công sản phẩm viên nén mùn cưa.

Phương kể, hai vợ chồng còn trẻ nên khi bắt tay vào lĩnh vực chế tạo ra sản phẩm từ phế thải gặp rất nhiều khó khăn vì chưa biết quy trình công nghệ ra sao. Phương tự mua sản phẩm viên nén mùn cưa về rồi nghiên cứu.

Vì lòng đam mê, hai vợ chồng bắt đầu mày mò, chồng thì tự chế máy móc, còn Phương thì đi thu gom mùn cưa. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của các thầy giáo Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, chồng Phương đã chế tạo thành công máy ép mùn cưa.

“Sau khi có nguyên liệu, máy móc nhưng làm mãi vẫn chưa biết độ ẩm thế nào để có thể làm ra được viên nén có độ đồng đều và láng bóng. Hai vợ chồng lại nghĩ hay nguyên liệu phải để khô, rồi lại mang hẳn cái xoong 100 lít ra để rang mùn cưa. Nhiều đêm đi ngủ chân tay vẫn dính bẩn và nghĩ làm sao để sản xuất được viên nén mùn cưa…”, Phương kể.

… “Gánh” trên vai khoản nợ hàng trăm triệu đồng

Cuối năm 2012, sau khi viên nén mùn cưa được sản xuất thành công, Phương cho biết, vợ chồng Phương ‘gánh” khoản nợ 500 triệu đồng.

“Thời gian đầu, vợ chồng có chút vốn nhỏ chỉ đủ để mở xưởng rộng 110m2, khi chế tạo được máy vợ chồng Phương vay mượn thêm từ anh em họ hàng, mỗi người một ít và ai cho vay cũng dè chừng và ai cũng nói dự án của vợ chồng mình không có triển vọng. Có lúc bí quá, Phương còn phải vay lãi ngoài với lãi suất rất cao ở mức 1.500 đồng/triệu/ngày”, Phương nói.

Khoản nợ 500 triệu đồng ấy chính là chi phí trong hơn một năm nghiên cứu, tìm tòi của vợ chồng Phương. Không biết đến bao nhiêu số lượng sắt thép mua về thử nghiệm làm máy móc, rồi bị hỏng, không tái chế được. Làm đi làm lại, số sắt thép hỏng chất đầy cả một ô tô.

Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của cô bé mùn cưa - Ảnh 2.

Với năng suất mỗi tháng đạt 80-100 tấn viên nén mùn cưa, xưởng sản xuất của Phương cung không đủ cầu, xuất hàng đi liên tục....

Phương kể, nhiều lúc cả hai vợ chồng đều đau đầu vì nợ quá nhiều, không muốn tiếp tục nữa; có lúc Phương nghĩ đến việc đi làm công nhân mỗi tháng lấy 5-7 triệu đồng để trang trải bớt nợ nần nhưng chồng Phương không đồng ý và cho rằng đã theo đuổi thì cần cố gắng hết sức.

Thế rồi, tình cờ Phương biết đến quỹ TYM – quỹ dành cho phụ nữ vay vốn, không cần thế chấp, chỉ cần tín chấp. Năm 2012, Phương vay vốn từ quỹ này được 7 triệu đồng. Số tiền này giúp Phương mua được nhiều nguyên liệu phục vụ cho việc sấy sản phẩm đạt chất lượng.

Đến giữa năm 2013, sản phẩm dần ổn định, có khách hàng, lợi nhuận thu được hàng tháng khoảng 15 triệu đồng giúp Phương ngoài chi trả quỹ TYM còn có thể trả dần khoản nợ trước đã vay để chế tạo máy. Sau 1 năm, nợ được trả vãn, kết hợp với việc vay ngân hàng lãi suất thấp, Phương cân đối dòng tiền để có thể trả hết nợ và dần mở rộng thêm các xưởng.

Phương cho biết, cũng nhờ tiếp cận nguồn vốn từ quỹ TYM, quỹ đã tạo điều kiện giới thiệu nhiều đoàn khách từ nước ngoài tới thăm quan xưởng sản xuất, giúp Phương vừa quảng bá được sản phẩm lại tiếp cận được thêm nhiều khách hàng.

Hạnh phúc mỉm cười, lợi nhuận nửa tỷ mỗi năm

Từ chỗ ai ai cũng hoài nghi về sản phẩm mà Phương làm ra, không ai biết công dụng của viên nén mùn cưa là gì; họ chỉ thấy sản phẩm giống thức ăn cho gia súc… thì nay ai cũng đã biết đến viên nén mùn cưa có thể sử dụng từ dân dụng đến tiểu thủ công nghệ hay các công ty may, công ty sữa, công ty chế biến thực phẩm…

Bất cứ đơn vị nào cần năng lượng đốt thì Phương đều có thể cung cấp.

Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của cô bé mùn cưa - Ảnh 3.

Với khoản lợi nhuận nửa tỷ mỗi năm, Phương còn tạo công ăn việc làm cho 7-10 lao động nữ ở địa phương...

Phương cho biết, ngoài nguồn khách hàng đến từ các trường mầm non sử dụng và họ tự giới thiệu sản phẩm của Phương cho nhau thì năm 2014, viên nén mùn cưa của Phương đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, được Sở Công thương hỗ trợ về mặt tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Vì thế, sản phẩm của Phương mỗi ngày được nhiều khách hàng biết đến hơn.

“Thời gian đầu sản xuất, mỗi tháng làm được 10 tấn, sau đó tăng dần lên 15 tấn/tháng, rồi tăng tiếp lên 50-70 tấn/tháng. Khi khách hàng đến ngày càng nhiều thì chồng Phương giúp cải tiến máy móc, nâng cấp công nghệ và hiện tại năng suất mỗi tháng đạt 80-100 tấn viên nén mùn cưa.

Năm 2019, thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí, Phương thu về khoản lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Cùng với đó, Phương tạo công ăn việc làm cho 7-10 lao động nữ ở địa phương là những người ngoài độ tuổi lao động, những phụ nữ đơn thân, những người không đi xa được có thể kết hợp vừa làm nông nghiệp, vừa làm tại xưởng cho Phương. Thu nhập bình quân mỗi người khoảng 4-6 triệu đồng/tháng”, Phương khoe.

Phương cho biết, cô chỉ hướng đến sản xuất phục vụ thị trường trong nước và đến nay cung chưa đủ cầu. Song, không vì thế mà sản xuất chạy theo số lượng, lợi nhuận quá nhiều mà cô luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu. Hiện, 3 xưởng sản xuất, có xưởng diện tích cả nghìn mét vuông được Phương đặt ở các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Phương chia sẻ, muốn khởi nghiệp thành công phải có ý tưởng, phải có đam mê và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình; nhất là phải có người đồng hành cùng mình. Như Phương may mắn khi có người chồng luôn đồng hành, hỗ trợ đắc lực cho mình.

“Ngày xưa thường gắn người phụ nữ với công việc bếp núc, nhưng quan niệm của Phương khác, phụ nữ có quyền bình đẳng, cũng phải khẳng định vị thế của mình chứ không phải chỉ mỗi đàn ông mới làm được công to việc lớn.

Vì thế, Phương mong rằng những người phụ nữ đã, đang và sẽ khởi nghiệp như Phương cần thực sự có quyết tâm, theo đuổi đam mê mới có thể “biến” ý tưởng thành hiện thực. Không phải cứ khởi nghiệp là thành công mà phải trải qua nhiều khó khăn mới có thể đạt được”, Phương chia sẻ.

Phương cảm thấy rất vui khi được mọi người gọi mình bằng biệt hiệu thân thương “cô bé mùn cưa”… và cô gái 8X đang nghĩ đến kế hoạch thành lập công ty chuyên sản xuất loại nguyên liệu tái tạo này trong năm 2021 tới đây.

Xem thêm: mth.16065439032210202-auc-num-eb-oc-auc-hnil-ueil-peihgn-iohk-neyuhc/nv.ahos

Comments:0 | Tags: vay

“Chuyện khởi nghiệp liều lĩnh của 'cô bé mùn cưa'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools