Các quan chức Nga đã kịch liệt lên án Ukraine sau khi phía Kiev tiết lộ kế hoạch nhằm ngăn cản nỗ lực giải quyết khủng hoảng nước ngọt ở bán đảo Crimea , đài RT (Nga) đưa tin.
Kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, bán đảo này đã luôn ở trong tình trạng "khát" nguồn nước ngọt do Ukraine cắt nguồn cung nhằm trả đũa và gây sức ép, khiến khủng hoảng nước ở Crimea trở thành một trong những chủ đề nóng trong mối quan hệ căng thẳng của Nga và Ukraine trong hơn nửa thập kỷ qua. Rất nhiều người dân Crimea đã và đang phải chịu ảnh hưởng bởi các hạn chế liên quan đến vấn đề này.
Ngoài nguồn cung từ đất liền, trữ lượng nước ngọt của Crimea được bổ sung từ các hồ chứa nước tự nhiên và nguồn nước ngầm; tuy nhiên việc người dân đảo này sử dụng quá nhiều nước ngọt tự nhiên đã dẫn tới tình trạng nước nhiễm mặn.
Chính quyền địa phương đã liên tục kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm nước ngọt, và mùa hè năm nay, chính quyền Moskva thậm chí đã phải đề ra một thời gian biểu về việc cung cấp nước cho người dân Crimea, cùng với đó là quy định về định lượng nước một người được cấp mỗi ngày là 18 lít.
Kể từ khi Ukraine ngừng cấp nước cho Crimea, Nga đã nhiều lần lên án rằng Kiev vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, theo RT, các chính phủ và tổ chức phi chính phủ phương Tây lại gần như im lặng về vấn đề này.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước, giới chức Crimea đã cam kết xây dựng một nhà máy khử mặn từ tháng tới, và có khả năng sẽ xây dựng thêm trong tương lai. Trong khi đó, hôm 24/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố Kiev sẽ can thiệp để ngăn chặn Nga giúp Crimea giải quyết khủng hoảng nguồn nước ngọt.
"Crimea nói rằng họ đang cố gắng thu hút một công ty quốc tế lớn về công nghệ khử mặn", ông Kuleba nói - "Chúng tôi sẽ ngăn cản họ thực hiện dự án này."
Phát biểu của Ngoại trưởng Ukraine đã lập tức bị các quan chức Nga chỉ trích. Ông Vyacheslav Volodin, phát ngôn viên của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã có buộc Kiev "ghét người dân Crimea".
"Ukraine luôn tỏ thái độ như vậy đối với người dân ở Crimea", ông Volodin nói. "Trước đây họ đã cắt nguồn cung cấp nước ngọt qua kênh, giờ đây họ còn muốn ngăn chặn hoàn toàn nguồn cung nước ngọt của người dân Crimea. Tất nhiên là ý định của họ sẽ không thành công."
Đồng quan điểm với ông Volodin, nghị sĩ Mikhail Sheremet cũng khẳng định rằng "không ai có thể ngăn cản Nga thực hiện dự án có quy mô lớn và ý nghĩa rất quan trọng này."
Theo RT, tình trạng thiếu nước ở Crimea đang ngày càng nghiêm trọng, khi các hồ chứa cạn dần đồng nghĩa với việc nhiều khu vực trên bán đảo bị hạn chế nguồn cung nước ngọt chỉ trong vòng vài giờ mỗi ngày.