Quảng Nam lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ sau khi tái lập tỉnh
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Quảng Nam ước tính năm 2020 sụt giảm ở mức gần 7% (- 7%) so với năm 2019, khiến cho lần đầu tiên tỉnh miền Trung này có tăng trưởng âm kể từ khi tái lập tỉnh đến nay.
Nông-lâm-thủy sản là mảng sáng hiếm hoi trong bức tranh tăng trưởng âm của kinh tế Quảng Nam trong năm 2020 do dịch bệnh và thiên tai. Ảnh: Nhân Tâm |
Vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành tỉnh Quảng Nam sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Kinh tế Quảng Nam năm 2020 gặp khó khăn bởi những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng đã chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các địa phương trên cả nước.
Và so với 5 tỉnh, thành phố trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với các tỉnh trong khu vực sau thành phố Đà Nẵng có mức tăng trưởng thấp nhất (-9,8%), theo báo số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý 4 và năm 2020 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, Thừa Thiên Huế và Bình Định có được tăng trưởng dương lần lượt là 2,1% và 3,6%. Tỉnh còn lại là Quảng Ngãi có mức tăng trưởng âm 1,02% (-1,02%).
Về quy mô GRDP, Quảng Nam đứng thứ hai sau Đà Nẵng (100.000 tỉ đồng). Cụ thể, quy mô GRDP Quảng Nam cao hơn 1,7 lần so với Thừa Thiên Huế (54.800 tỉ đồng); gấp 1,1 lần so với Quảng Ngãi (87.000 tỉ đồng); gấp gần 1,1 lần so với Bình Định (90.000 tỉ đồng); thấp hơn thành phố Đà Nẵng gần 6 nghìn tỷ đồng (Đà Nẵng: 100 nghìn tỉ đồng).
Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế, theo Cục Thống kê Quảng Nam khu vực dịch vụ giảm 10,2%, chiếm 3,5 điểm phần trăm trong mức giảm chung toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,1% (chiếm 1,8 điểm phần trăm); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 10,9% (chiếm 2,2 điểm phần trăm); riêng khu vực nông lâm thủy sản ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đây là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng dương (3,5%).
Quy mô nền kinh tế Quảng Nam ước tính đến cuối năm 2020 đạt trên 94.000 tỉ đồng, thu hẹp hơn 4.800 tỉ đồng so với năm 2019, trong đó quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với trên 2.400 tỉ đồng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm (giảm 1.900 tỉ đồng); khu vực công nghiệp - xây dựng (giảm 1.600 tỉ đồng); riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng tăng lên (tăng 1.100 tỉ đồng) do ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Lĩnh vực công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 vì các nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, thiết bị đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất đang gặp khó khăn do dòng lưu chuyển hàng hóa thiếu hụt. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp sụt giảm gần 5% so với năm 2019; đã làm giảm 1,4 điểm phần trăm trong trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; quy mô giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp thu hẹp gần 1.400 tỉ đồng so với năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt trên 47.000 tio3 đồng, bằng 88% so với năm 2019. Tình hình thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn trong thời gian qua đạt thấp so với dự toán và cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 21.000 tỉ đồng (bằng 81,6% so với dự toán, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước).
Điểm sáng hiếm hoi trong kinh tế Quảng Nam là mảng nông - lâm - thủy sản.
Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết hạn hán, mưa bão, lũ lụt liên tiếp xảy ra gây ảnh hưởng đến các loại cây trồng, sản lượng khai thác thủy sản; bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng của cả khu vực đạt 3,5%, cao hơn mức tăng 1,8% của năm 2019; trong đó giá trị tăng thêm nông nghiệp tăng 2,3%; lâm nghiệp (6,8%); thủy sản (4%) so với năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 124.600 tấn (tăng 4,3% tương đương 5.200 tấn) so với năm 2019.
Vốn doanh nghiệp đăng ký mới tại Quảng Nam giảm 50% Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, có 1.255 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 9.023 tỉ đồng, bằng 87% số doanh nghiệp đăng ký mới và vốn đăng ký chỉ xấp xỉ 51% so với năm trước. Số doanh nghiệp giải thể 295 doanh nghiệp và thông báo ngừng hoạt động là 531 doanh nghiệp. |
Xem thêm: lmth.hnit-pal-iat-ihk-uas-ut-ek-ma-gnourt-gnat-neit-uad-nal-man-gnauq/801213/nv.semitnogiaseht.www