- Venezuela phá âm mưu đảo chính, ám sát Tổng thống Maduro
- Tổng thống Venezuela nêu rõ tên kẻ đứng sau cuộc đảo chính của Guaido
Phán quyết của toà án Venezuela giống như đã "hạ màn" cho một "tấn trò đời". Mọi chi tiết liên quan đến vụ đảo chính này từ đầu đến cuối đều thể hiện rõ sự bất tài; khoa trương của những kẻ tham gia đảo chính. Thế nhưng, nhìn lại lịch sử, đã có không thiếu gì những âm mưu đảo chính thất bại vì những lý do ít người ngờ đến nhất.
Dominica, 1981: Những kẻ a-ma-tơ
Những tên phát xít phân biệt chủng tộc luôn mơ về một đất nước mà người da trắng nắm toàn quyền. Nam Phi trong thời kỳ duy trì chế độ Apartheid là một đất nước như thế, nhưng ít người biết rằng bọn phát xít còn cố gắng lập ra "quốc gia da trắng" thứ hai.
Sau khi bị nhân dân nước Cộng hoà Dominica lật đổ, nguyên quốc trưởng Patrick John tìm cách lấy lại vị trí cũ bằng cách sử dụng lính đánh thuê nước ngoài. Nhưng các đối tượng được Patrick John thuê lại toàn là những kẻ phát xít ở Mỹ và Canada, trong đó có Mike Perdue, Wolfgang Droege, Alexander McQuirter và Don Black.
Một kẻ buôn lậu vũ khí quốc tế mang tên Sydney Burnett-Alleyne đồng ý cung cấp súng đạn và tiền bạc cho chúng. Mục đích cuối cùng của những tên tham gia đảo chính là xẻ Dominica thành từng mảnh để chúng biến ước mơ thuộc địa thành hiện thực.
Cả một lính đánh thuê lão làng như Mike điên cũng gặp thất bại trong đảo chính. |
Nhóm phát xít lên một kế hoạch gọi là "Chiến dịch Chó Đỏ". Theo kế hoạch này, chúng sẽ thuê một chiếc thuyền chở cả bọn đến lãnh hải Dominica, sau đó xuống xuồng cao su bơi vào bờ nơi mà Patrick John và nhóm dân quân của riêng mình đã chờ sẵn. Rạng sáng 28- 4-1981, chúng sẽ hoàn thành việc đảo chính nhà nước Dominica, đưa Patrick trở lại làm quốc trưởng.
Về cơ bản kế hoạch của bọn phát xít không phải quá tồi, do khi đó Dominica không có quân đội chuyên nghiệp mà chỉ được bảo vệ bởi cảnh sát và dân quân. Thứ hai, các tay chân thân cận của Patrick John vẫn còn giữ vài vị trí quan trọng, trong đó có cả thủ tướng đương nhiệm. Họ có thể dễ dàng dựa vào áp lực do quân lính của Patrick gây ra để giải tán quốc hội và đưa cuộc đảo chính đến thành công. Vấn đề là những kẻ tham gia đảo chính đều là dân "a-ma-tơ" nên đã quên mất một chi tiết vô cùng quan trọng: Ông chủ tàu.
Michael S. Howell là ông chủ tàu được tên Mike Purdue đưa cả nhóm phát xít đến Dominica. Để biện minh cho việc mang theo súng đạn, thuốc nổ bên mình, Mike nói dối rằng cả nhóm là lính đặc nhiệm CIA thực hiện nhiệm vụ bí mật. Nhưng lời nói dối lại khiến ông Michael sinh nghi. Ông liên lạc với nhà chức trách Mỹ, sau đó thông tin trên lại được chuyển đến Dominica qua đường ngoại giao. Ngày 25-4, các đối tượng đang tiến hành thám thính tiền tiêu ở Dominica bị tóm gọn. Những tên phát xít tại Mỹ cũng bị cảnh sát bắt sau một cuộc phục kích.
Những đối tượng tham gia cuộc đảo chính đều bị xét xử và chịu những án tù khác nhau. "Ngựa quen đường cũ", sau khi ra tù chúng tiếp tục phạm tội. "Câu chuyện" thú vị nhất lại thuộc về chủ mưu Patrick John: Ông ta trở thành Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Dominica, rồi đến năm 2011 bị FIFA phạt 3.300 USD và cấm tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bóng đá do có liên quan đến vụ scandal tham nhũng giúp Qatar giành chức chủ nhà World Cup 2022.
Njanga Jagne (trái) và Cherno Njie, hai đối tượng có liên quan đến cuộc đảo chính tại Gambia. |
Seychelles, 1981: Đánh giá thấp đối thủ
Một vụ đảo chính bất thành khác trong năm 1981 xảy ra tại đảo quốc Seychelles. Đất nước này chỉ mới giành được độc lập từ Pháp dạo 1976, và trong hai năm liền người dân Seychelles phải sống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống James Mancham, một quan chức bất tài và tham nhũng.
Nhìn thấy trước thảm hoạ chờ đợi Seychelles, người dân mới bầu Thủ tướng France-Albert René và những người cùng phe cánh tả của ông lên nắm quyền. Những chính sách cấp tiến của France-Albert đã cải thiện rõ rệt cuộc sống của người dân. Tuy vậy, ông thực hiện cải cách ruộng đất, lấy đi đất đai của chủ đồn điền người Nam Phi chia cho các gia đình Seychelles. Vì hành động này mà quan hệ giữa Seychelles và Nam Phi trở nên xấu đi trông thấy.
Trong khi đó James Mancham đang sống lưu vong tìm đến Chính phủ Nam Phi đề nghị được giúp đỡ để tiến hành đảo chính lật đổ France-Albert René. Chính phủ Nam Phi đồng ý đặt một số nhỏ lính đặc nhiệm dưới quyền chỉ huy của vị nguyên tổng thống, nhưng vì muốn giữ bí mật âm mưu, họ giới thiệu James Mancham với Mike Hoare. Mike, hay còn gọi là Mike "điên", là một lính đánh thuê lão làng từng tham gia Thế chiến thứ Hai và chiến tranh Công gô.
Danh tiếng về khả năng và tính bạo gan của Mike lan ra khắp châu Phi. Năm 1981, Mike đã nghỉ hưu để trở thành nhà đầu tư cổ phiếu, ấy thế nhưng ngay khi James Machanam đặt vấn đề ông ta đồng ý ngay.
Ngày 25-11-1981, Mike và 43 lính đánh thuê khác đáp máy bay xuống Sân bay Quốc tế Seychelles. Hải quan nhanh chóng phát hiện khẩu súng giấu trong túi hành lý, nhưng trước khi họ kịp làm gì, nhóm lính đánh thuê đã nổ súng bắt tất cả mọi người làm con tin.
Điều mà những kẻ đảo chính không ngờ tới là phản ứng nhanh chóng của chính quyền Seychelles. Tổng thống France-Albert René đặt cả hòn đảo trong tình trạng giới nghiêm và ra lệnh cho quân đội giải cứu con tin. Khác với những nhóm dân quân thiếu kinh nghiệm mà Mike đối đầu tại Congo, quân đội Seychelles được huấn luyện đầy đủ và trang bị vũ khí mua từ Liên Xô (cũ).
Sau một cuộc đấu súng kéo dài hơn sáu tiếng, những tên lính đánh thuê buộc phải bỏ chạy khỏi sân bay. Chúng leo lên một chiếc máy bay của hàng không Ấn Độ vừa mới hạ xuống đường băng và buộc phi trưởng cất cánh bay đến Nam Phi. Do áp lực từ một cuộc điều tra của Liên hợp quốc, Nam Phi cuối cùng phải đưa các đối tượng liên quan đến vụ đảo chính ra toà xét xử. Riêng Mike Hoare bị kết án 10 năm tù và tước mọi loại giấy phép nghề nghiệp.
Số phận chờ đợi các đối tượng đảo chính thất bại thường là chết hay nhà tù. |
Gambia, 2014: Những kẻ cơ hội
Trong khi những chấn động từ "Mùa xuân Ả Rập" còn chưa chấm dứt, nhà độc tài Yahya Jammeh của Gambia đã phải đối mặt với một cuộc đảo chính. Đây không phải lần đầu tiên vị tổng thống này suýt nữa bị lật đổ, và sau một cuộc đảo chính bất thành năm 2013, ông ta sa thải đội trưởng đội cận vệ Lamin Sanneh.
Lamin bay sang Mỹ rồi gặp được Njaga Jagne. Cha mẹ của Njaga đem ông này đến Mỹ tị nạn tránh chế độ của Yahya Jammeh, sau đó Njaga trở thành một sỹ quan trong lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ. Lamin, Njaga, và một giám đốc công ty xây dựng gốc Gambia tên Cherno Nije bắt đầu lên kế hoạch lật đổ tổng thống.
Họ bỏ tiền ra cho một nhóm lính đánh thuê đi theo Lamin Sanneh. Nhóm này sẽ bí mật vào Gambia qua biên giới với Senegal, rồi đến ngày 30-12-2014 bắt đầu tiến hành đảo chính. Trong trường hợp họ không ám sát được Tổng thống Yayah, nhóm tay súng sẽ chiếm lấy Đài Truyền hình quốc gia và ra tuyên bố kêu gọi nhân dân nổi dậy. Với tất cả những nỗi khổ mà họ phải chịu dưới chế độ Yayah Jammeh, chắc chắn toàn dân sẽ đứng lên làm cách mạng.
Những kẻ tiến hành đảo chính làm được tất cả những thứ kể trên trừ một điều: nhân dân không nổi dậy. Không có một đảng chính trị lãnh đạo và một hệ tư tưởng cách mạng chỉ hướng. Và cũng không một ai đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi của Lamin Sanneh và Njaga Jagne.
Sau một cuộc đấu súng kéo dài bốn tiếng, hai người cùng nhiều tên lính đánh thuê khác bị quân đội Gambia tiêu diệt. Ngày hôm sau, Yayah trở về từ chuyến công du Pháp và cho giải tán nội các. Riêng Cherno Nije ở Mỹ bị FBI tạm giam và thẩm vấn một thời gian.
Lật đổ Yayah Jammeh không phải là một cuộc đảo chính mà là phong trào nhân dân. Ông ta bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 bởi ứng cử viên đảng đối lập Adama Barrow. Yayah làm mọi cách để xoá bỏ kết quả bầu cử, từ sa thải một loạt thẩm phán toà án tối cao đến đe dọa đặt toàn quốc trong thiết quân luật.
Nhân dân Gambia đã đồng loạt xuống đường phản đối hành động vi hiến của tổng thống, sẵn sàng lấy thân mình bảo vệ nền dân chủ. Cuối cùng Yayah cũng phải bỏ chạy ra nước ngoài, để lại một đất nước Gambia nhiều đau thương nhưng lại có cơ hội đứng trước một tương lai tốt đẹp hơn.
Lê Công Vũ (tổng hợp)Xem thêm: /946426-iab-taht-us-ut-coh-iab-av-hnihc-oaD/ctsc-lopretni-os-oH/nv.moc.dnac.ctsc