Hoa hậu Trần Tiểu Vy (đại biểu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đóng góp ý kiến thảo luận tổ - Ảnh: Q.NG.
Khi tiêu chí 5 tốt tiệm cận với 3 tiêu chí của nhà tuyển dụng, danh hiệu Sinh viên 5 tốt sẽ mang lại ý nghĩa, giá trị cao hơn.
Ông Hồ Quang Hưng (giám đốc Hult Prize khu vực châu Á - Thái Bình Dương)
Trước đó, phiên thảo luận tổ hôm qua trong khuôn khổ đại hội, các đại biểu đã chia sẻ nhiều vấn đề, góc nhìn từ thực tế đời sống, học tập, với ước mong môi trường và điều kiện cho sinh viên TP.HCM được cải thiện tốt hơn.
Chuyển hóa "5 tốt" theo tiêu chí tuyển dụng
Phong trào "Sinh viên 5 tốt" đã trở nên quen thuộc, thành mục tiêu phấn đấu của SV nhưng đánh giá chung việc truyền thông cho danh hiệu này chưa hiệu quả. Đại biểu Hoài Thương (Trường ĐH Tài chính - marketing) cho biết nhiều bạn còn ngại quy trình xét chọn, thủ tục khá nhiều và mong càng tối giản càng tốt.
Tuy vậy, điều không ít ý kiến "lăn tăn" chính là danh hiệu này trong mắt nhà tuyển dụng chưa thật nặng ký. Đại biểu Hoàng Tuấn Đức (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói việc kết nối với nhà tuyển dụng khá khó khăn, chưa kể doanh nghiệp vẫn "chưa tin lắm vào khả năng đáp ứng công việc của những SV 5 tốt, có khi các tiêu chí của danh hiệu chưa thật phù hợp với doanh nghiệp".
Ông Hồ Quang Hưng (giám đốc Hult Prize khu vực châu Á - Thái Bình Dương) thẳng thắn bày tỏ, dù là hội viên Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM nhiều năm song đến nay ông mới nghe danh hiệu "Sinh viên 5 tốt". Thực tế trên phản ánh dù nỗ lực truyền thông, tổ chức hoạt động nhưng hiệu quả quảng bá, xây dựng hình ảnh nhằm tôn vinh danh hiệu chưa lan tỏa rộng.
Từ góc nhìn nhà tuyển dụng, ông Hưng nói có thể chuyển hóa 5 tiêu chí của "Sinh viên 5 tốt" vào 3 tiêu chí mà các nhà tuyển dụng hiện hướng đến là kỹ năng - kiến thức (20%), kinh nghiệm (30%) và thái độ (50%).
"Có thể tạm phiên ngang học tập tốt và tình nguyện tốt là kỹ năng - kiến thức, tình nguyện tốt và hội nhập tốt là kinh nghiệm, còn đạo đức tốt và thể lực tốt là thái độ" - ông Hưng gợi ý.
Hàm lượng công nghệ trong tình nguyện
Đại biểu Phùng Thị Diệu Hương (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề xuất làm điều tra xã hội học khi triển khai hoạt động tình nguyện. Lý giải, chị Hương cho rằng kết quả điều tra sẽ xác định nhu cầu của địa phương, người dân đang cần, kết hợp với tiềm lực, công nghệ của đơn vị thực hiện, khi đó hoạt động tình nguyện mới hiệu quả.
Trong khi đó, đại biểu Lê Đức Huy (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh SV không trao hết sản phẩm tình nguyện cho nơi đến, mà phải cùng người dân địa phương tạo ra.
"Khi chúng ta khảo sát kỹ, kết hợp tốt với sở ngành địa phương, phối hợp doanh nghiệp để tận dụng nguồn lực đầu tư, khi đó mới có thể giải quyết được các vấn đề lớn địa phương đang cần và người tham gia tình nguyện càng trưởng thành" - anh Huy phát biểu.
Hoa hậu Trần Tiểu Vy - đại biểu Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - chia sẻ bản thân từng tham gia một số hoạt động tình nguyện và cảm nhận tính nhân văn sâu sắc sau mỗi chương trình. "Tôi sẽ cố gắng kết nối để nhiều người cùng tham gia vào những công việc giúp ích cho cộng đồng" - hoa hậu Tiểu Vy cam kết.
Bước cùng sinh viên
Nhiều vấn đề thiết thân khác với SV được nêu ra tại diễn đàn. Bạn Ngọc Nữ (Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM) nói cần thêm các bảng thuyết minh tại công trình không gian truyền thống HSSV đã và sẽ tiếp tục xây dựng sắp tới, giúp SV khi tham quan hiểu hơn về truyền thống.
Hay bạn Lê Khang (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) gợi ý có thể thực hiện hành trình như cách tổ chức cuộc đua kỳ thú gắn với các địa chỉ đỏ trên địa bàn TP để việc tìm hiểu, học tập tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mới mẻ và hấp dẫn.
Một góc nhìn khác, đại biểu Gia Thắng (Trường ĐH Bách khoa) nói có nhiều ứng dụng lừa đảo xuất hiện và SV đang bị cuốn theo nên cần những đội phản ứng nhanh của hội SV để kịp thời tiếp cận, chia sẻ, định hướng trên mạng xã hội.
Trước câu hỏi thế nào là công dân toàn cầu, cựu SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Đỗ Phạm Nguyệt Thanh - người đã đặt chân đến 18 quốc gia khi là SV, tham gia nhiều hoạt động giao lưu quốc tế - trao đổi: "Khi bạn sống, làm việc trong môi trường quốc tế, không nhất thiết phải ra nước ngoài, trở thành công dân toàn cầu ngay trên chính nước mình".
Thế vận hội sinh viên, được không?
Đại biểu Nguyễn Trung Khang (Trường ĐH Mở TP.HCM) đề xuất tổ chức định kỳ thế vận hội SV có cả thể thao, âm nhạc, văn hóa để SV phát huy sở trường của mình. Trong khi đó, đại biểu Đăng Quang (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) kiến nghị: "Hội SV tổ chức "Hành trình văn hóa", đưa SV trải nghiệm các loại hình văn hóa dân tộc. Đồng thời có các buổi diễn cải lương, kịch giúp bạn trẻ hiểu hơn về văn hóa truyền thống dân tộc".
TTO - Sáng 26-12, phiên làm việc đầu tiên của Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM lần thứ VI nhiệm kỳ 2020-2023 diễn ra tại Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM với sự tham dự của 420 đại biểu.
Xem thêm: mth.81721320262210202-iot-coub-gnod-uhc-hcac-nohc-neiv-hnis/nv.ertiout