Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân tại một khu lưu trú ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 7-12 đánh dấu cột mốc đáng nhớ về ngoại giao đa phương của Việt Nam, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết thành lập Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 do chính Việt Nam chủ trì đề xuất.
27-12 cũng là ngày sinh của nhà khoa học lừng danh người Pháp Louis Pasteur - cha đẻ của ngành vắcxin thế giới.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) ĐỖ HÙNG VIỆT về những câu chuyện phía sau nghị quyết này cũng như nỗ lực của Việt Nam cho một thế giới kiên cường hơn trước các thách thức y tế.
Hiện nay, đại dịch còn đang diễn ra và còn nhận được sự quan tâm giải quyết của cả thế giới nhưng đến lúc có vắcxin và COVID-19 đi qua, chắc chắn sự quan tâm tập trung này sẽ giảm dần. Ngày 27-12 hằng năm sẽ nhắc nhở cho các nước nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc luôn luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo và có những biện pháp để không xảy ra những đại dịch tương tự.
Ông Đỗ Hùng Việt
Thể hiện vai trò của Việt Nam
* Ý tưởng về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh nảy sinh từ đâu, thưa ông?
- Phụ trách vấn đề ngoại giao đa phương, chúng tôi luôn trăn trở suy nghĩ, mong muốn có một sáng kiến được thúc đẩy tại LHQ, qua đó thể hiện được vai trò của Việt Nam và đóng góp vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong xử lý các thách thức chung.
Ý tưởng trực tiếp của nghị quyết này, tuy vậy, đến khá tình cờ. Khi trao đổi về công việc trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của các diễn đàn đa phương, các cán bộ của Vụ Các tổ chức quốc tế nảy ra ý tưởng: trong khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch COVID-19 mà Việt Nam ứng phó rất tốt thì nên chăng có một nghị quyết ở LHQ để vừa ghi nhận những nỗ lực đó, vừa đề xuất để cộng đồng quốc tế từ nay quan tâm hơn đến vấn đề phòng chống dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề y tế, sức khỏe, LHQ đã có Ngày phòng chống bệnh lao, sốt rét, HIV/AIDS, hay Tuần lễ tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng chúng tôi thấy chưa có một ngày để nâng cao nhận thức một cách tổng thể về các loại bệnh dịch.
COVID-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cả thế giới và chắc chắn nó chưa phải là đại dịch cuối cùng. Do vậy, chúng tôi nghĩ có lẽ thế giới nên có một ngày để hằng năm gợi nhắc mỗi nước, mỗi thành viên trong xã hội và cả hệ thống LHQ rằng phải đầu tư cho hệ thống y tế, cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, xây dựng hệ thống y tế cấp cơ sở, có những cách tiếp cận mang tính toàn diện và tổng thể cũng như có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những điều này hoàn toàn xuất phát từ kinh nghiệm sẵn có của Việt Nam.
Nhân viên y tế xịt khử trùng xe đưa người đến tập trung cách ly tại Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân tỉnh Đồng Nai - Ảnh: NGUYỄN THANH THỦY
* Quá trình vận động thông qua nghị quyết này gặp trở ngại gì?
- Bất kỳ sáng kiến nào mới đều không tránh khỏi tâm lý e ngại. Một số nước không mấy mặn mà với các ngày quốc tế. Bên cạnh đó, trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, có rất nhiều ý tưởng khác nhau xoay quanh vấn đề phòng chống dịch bệnh, khiến các nước có cảm giác bão hòa, không muốn Đại hội đồng LHQ thông qua quá nhiều đề xuất.
Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tiếp cận và vận động một nhóm nòng cốt gồm 5 nước đại diện cho tất cả các khu vực: ở châu Mỹ có Canada, ở châu Âu có Tây Ban Nha, châu Phi có Niger và Senegal, châu Mỹ Latin có Saint Vincent & Grenadines.
Cùng nhau, chúng tôi trao đổi về nội dung, xây dựng dự thảo nghị quyết để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các bên. Các nước này sau đó đi vận động và trao đổi để mở rộng sự ủng hộ của các thành viên khác trong khu vực của mình.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những tranh cãi giữa các nước về nguồn gốc dịch bệnh, vai trò của hệ thống LHQ, các quốc gia, các tổ chức, và thậm chí tranh cãi về lựa chọn ngày.
Với 112 nước đồng bảo trợ, dấu ấn riêng của Việt Nam trong việc đưa ra nghị quyết này là ý tưởng thế giới cần có một ngày về sẵn sàng phòng chống dịch bệnh cũng như dẫn dắt quá trình xây dựng văn kiện và chiến lược vận động.
Chung tay hành động thiết thực hơn
* Khả năng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh của Việt Nam có vai trò gì trong tiếng nói của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về y tế?
- Khả năng ứng phó đại dịch của Việt Nam có thể là một trong những nhân tố quyết định cho thành công lần này. Vào thời điểm đề xuất dự thảo nghị quyết, Việt Nam còn hoàn toàn chưa có một ca tử vong nào. Về cơ bản, thế giới đánh giá Việt Nam thực hiện tốt các biện pháp và thành công trong phòng chống dịch.
Tại Việt Nam, Chính phủ có phương châm đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu. Chúng ta đã hàng chục năm đầu tư cho y tế công cộng, xây dựng hệ thống y tế cơ sở và điều này đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn khó khăn. Tất cả tạo thành hiệu ứng chung, khiến các nước thấy thuyết phục và tin cậy khi Việt Nam phát biểu, nêu đề xuất về ứng phó dịch bệnh.
Đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta có một nghị quyết ở Đại hội đồng LHQ và tôi nghĩ mọi thứ chỉ mới vừa bắt đầu cho những nỗ lực sâu sắc hơn của nước ta tại các diễn đàn đa phương trong thời gian sắp tới.
Bảo vệ bến xe Miền Đông, TP.HCM đo thân nhiệt của khách ra vào bến xe - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Việt Nam kỳ vọng gì về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh 27-12? Liệu đây có thể là cột mốc cho những hoạt động phối hợp chống dịch giữa các nước thành viên LHQ trong tương lai?
- Không có gì đảm bảo rằng COVID-19 là đại dịch cuối cùng. Do đó, các nước cần thường xuyên quan tâm và tăng cường nhận thức để sẵn sàng có biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời. Đó là mục tiêu sơ khởi của chúng tôi khi đề xuất nghị quyết này.
COVID-19 lan nhanh và bùng phát mạnh mẽ như vậy, chúng tôi nghĩ một phần là do các nước gặp phải những lúng túng nhất định trong ứng phó, có nhiều khác biệt trong cách tiếp cận, đặt ra những ưu tiên khác nhau và hệ thống y tế được thiết kế khác nhau dẫn đến những lệch pha trong xử lý.
Từ kinh nghiệm của đại dịch lần này và việc hằng năm các nước được nhắc lại về những tác hại của dịch bệnh, Việt Nam kỳ vọng cộng đồng quốc tế sẽ có thể chung tay hợp tác và hành động thiết thực hơn nhằm giải quyết các vấn đề y tế trong tương lai.
Tổng thư ký LHQ: "Chuẩn bị ứng phó tốt sẽ giúp giảm thiệt hại"
Một phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang quảng trường Piazza di Spagna vắng lặng ở thủ đô Rome, Ý hôm 24-12 - Ảnh: Xinhua
Trong thông điệp nhân Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh 27-12, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho rằng chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp.
"Xã hội cần hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, bao gồm cả bảo hiểm y tế toàn dân. Người dân và các gia đình cần nhiều hơn sự bảo trợ xã hội. Những lực lượng tuyến đầu cần được hỗ trợ kịp thời. Các quốc gia cần hợp tác kỹ thuật hiệu quả hơn. Và chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến sự xâm phạm của con người và gia súc vào môi trường sống tự nhiên của các loài động vật; 75% các bệnh truyền nhiễm mới và đang nổi lên ở người là bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Trong suốt quá trình này, khoa học phải là kim chỉ nam cho chúng ta. Đoàn kết và phối hợp trong và giữa các quốc gia là tối quan trọng; không ai an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn" - nhà lãnh đạo LHQ nêu.
Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 8-12, ông Pratik Mathur - tham tán Phái đoàn Ấn Độ tại LHQ - đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, cho rằng các quốc gia cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Lo ngại gia tăng về biến thể virus corona ở Anh
Niềm vui đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu dịp Giáng sinh chưa thể xua tan nỗi buồn do biến thể virus corona mới gây ra với nước Anh những ngày này.
Tính tới ngày 25-12, đã có hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tạm dừng các chuyến bay và tàu hỏa tới Anh vì lo ngại biến thể virus corona mới.
Mặc dù vẫn còn nhiều điều giới khoa học chưa tường tận về biến thể virus mới ở Anh (được gọi là B.1.1.7 hoặc VUI-202012/01), nhưng nó vẫn báo động với chúng ta những điều quan trọng: chúng có thể thay đổi để thích ứng, tồn tại và dễ lây lan hơn. Các nhà khoa học đầu tuần này nhận định biến thể virus mới này có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50 - 70% so với chủng virus ban đầu. Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó thậm chí khẳng định tỉ lệ lây lan là hơn 70%.
Điều khiến giới khoa học lo ngại nhiều hơn với biến thể virus corona ở Anh là virus này có tới 17 đột biến cùng tham gia làm thay đổi các protein của virus. Các đột biến này tác động tới 4 loại protein khác nhau của virus là protein gai (spike protein), ORF1ab, Orf8 và protein N. Dù vậy, vẫn cần nhắc lại rằng tất cả những lo ngại này sẽ phải chờ đợi thêm nhiều nghiên cứu để biết chính xác 17 đột biến sẽ kết hợp với nhau ra sao và tác động thế nào tới cách thức hoạt động của biến thể virus mới.
D.KIM THOA
80,2 triệu: là số ca mắc COVID-19 trên thế giới tính đến 17h ngày 26-12 (giờ Việt Nam), trong đó gần 1,8 triệu người chết. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 19,2 triệu ca, theo sau là Ấn Độ (hơn 10,1 triệu), Brazil (hơn 7,4 triệu), Nga (hơn 3 triệu), Pháp (hơn 2,5 triệu)...
3: là số biến thể virus corona mới đã được ghi nhận gần đây tại Anh (VUI-202012/01), Nam Phi (501.V2) và Nigeria (P681H).
9: là số quốc gia đã xác nhận có ca bệnh mắc biến thể virus corona mới gồm: Ý, Đan Mạch, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Singapore, Lebanon, Úc và Ireland.
2.000 - 3.000: là số tài xế xe tải Pháp đã bị kẹt lại bên phía biên giới của Anh, trong khi chờ đợi những chính sách đi lại rõ ràng hơn của chính quyền trong bối cảnh ảnh hưởng vì biến thể virus corona mới.
TTO - Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 27-12, thế giới ghi nhận 80.653.441 ca mắc COVID-19. Trong lúc này, Canada cũng ghi nhận ca biến thể corona mới đến từ Anh.