vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành xây dựng cần quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân

2020-12-27 09:25

Ngành xây dựng cần quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân

T.H

(TBKTSG Online) - Hoàn thiện thể chế về xây dựng là công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá, để từ đó giúp ngành phát triển đúng hướng, mạnh mẽ hơn, từ đô thị phát triển đến xuất khẩu xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần tiếp tục quan tâm đến nhu cầu nhà ở của người dân.

Đây là những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn 5 năm tới cũng như năm 2021 của ngành xây dựng diễn ra chiều ngày 26-12, tại Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Ảnh minh họa: vnrea.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Bộ Xây dựng trong việc thực hiện Nghị quyết XII của Đảng với định hướng phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại; nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế; phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao.

Nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch vì đây là nền tảng để đảm bảo tính lâu dài và bền vững.

Thủ tướng cũng lưu ý công tác điều chỉnh quy hoạch sau phê duyệt cần xem xét kỹ lưỡng, dù việc phân cấp quản lý là rất cần thiết nhưng phải tránh chồng chéo.

Hiện nay, phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu do thiếu nguồn lực từ vốn đến đất đai. Các địa phương phải đưa vào kế hoạch cụ thể, khi phát triển các khu công nghiệp cũng phải tính toán đến quỹ đất làm nhà ở cho công nhân. Chính phủ sẽ cố gắng thu xếp thêm nguồn vốn, chú trọng nguồn lực trong trung hạn, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tổng thể lo nhà ở an toàn cho người dân vùng thiên tai, ngập lụt. Cùng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với một số định hướng của Bộ Xây dựng trong giai đoạn tới như: xác định hoàn thiện thể chế là khâu then chốt để tạo đột phá; phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; tiến tới xuất khẩu xây dựng; giữ 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) làm nòng cốt cho ngành xây dựng...

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Xây dựng đã xác định đúng, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá của ngành. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và Bộ Xây dựng đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều đổi mới.

Đến nay, về cơ bản hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các pháp luật liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức triển khai có kết quả một số đề án quan trọng như: hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đây là các đề án có tính quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng, góp phần phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.

Tăng trưởng mạnh mẽ trong khó khăn do dịch bệnh

Thủ tướng đánh giá, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020, luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đều có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData, công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á.

Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Khu vực đô thị đã đóng góp 70% GDP.

Việc ngành xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước, góp phần nâng cao mức sống, điều kiện sinh hoạt của người dân.

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật. Trong 5 năm, đã tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (107 văn bản), có dự án được đầu tư rất sâu, rất kỹ như Luật Kiến trúc. Mở rộng phân cấp cho các địa phương, không còn tình trạng xếp hàng chờ duyệt thủ tục quy hoạch xây dựng nhà cao tầng và thẩm định thiết kế có liên quan. Thực hiện tích hợp các nội dung, quy trình thẩm định thiết kế xây dựng, giúp giảm thời gian thẩm định 40 ngày; mở rộng đối tượng miễn phép xây dựng, đơn giản hóa hồ sơ cấp phép xây dựng, giúp giảm thời gian cấp phép xây dựng từ 30 xuống còn 20 ngày.

Thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng “bong bóng” hoặc hoặc trầm lắng, suy thoái. Lĩnh vực bất động sản đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước, trong 5 năm thu hút 17,5 tỉ đô la Mỹ vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.

Giai đoạn 2021-2026, ngành xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 6-8%/năm. Ngoài ra, duy trì tỷ lệ 100% phủ kín quy hoạch chung đô thị và được lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%; diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 26-27 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 26 m2/người…

Hiện tại, lĩnh vực ông nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường, sản phẩm xuất khẩu; lĩnh vực sản xuất xi măng đứng đầu ASEAN và Top 10 thế giới về sản lượng. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp có khả năng cạnh tranh và đã xuất khẩu ở trị trường ngoài nước. Kịp thời tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp bình ổn giá cát xây dựng và việc xuất khẩu các loại cát; sử dụng tro xỉ của các ngành sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng.

Năng lực của ngành xây dựng và các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, ứng dụng nhanh và làm chủ nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Về cơ bản có thể tự thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, năng lượng..., đảm bảo chất lượng công trình xây dựng theo thiết kế được duyệt.

Đồng thời, có một số doanh nghiệp đã tham gia thị trường xây dựng ở nước ngoài; sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, gia tăng xuất khẩu, có một số thương hiệu sản phẩm có uy tín và khả năng cạnh tranh cao ở trong và ngoài nước.

Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ, liên kết giữa các đô thị còn rời rạc. Ảnh minh họa: TTXVN

Những hạn chế trong phát triển nhà ở cho người lao động

Tuy nhiên, ngành vẫn còn một số tồn tại như: quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển hiện nay; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương; lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, nhất là quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật; phương án nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được tính toán cụ thể; việc điều chỉnh quy hoạch ở một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Đại diện cho khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam kiến nghị do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp kể cả những đơn vị hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng rất khó khăn, không có việc làm. Trong khi doanh nghiệp đối mặt với khó khăn thì tình trạng nợ đọng trong xây dựng cũng báo động.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, có những khoản nợ kéo dài nhiều năm mà không cơ quan nào xử lý khiến doanh nghiệp đang lãi thành lỗ, chính xác là “lãi giả, lỗ thật." Do đó, cần có quy định về việc chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán ít nhất là 30% hoặc khi thanh toán hết cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng. Thực tế đã có nhiều chung cư, chủ đầu tư bán xong nhà cho khách hàng, thu đủ tiền, dân vào ở vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu, ông Hiệp dẫn chứng.

Thủ tướng cũng cho rằng, sự phát triển của ngành xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như lĩnh vực nhà ở của Hà Nội, TP HCM chưa đạt mục tiêu đề ra, phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân là vấn đề cần quan tâm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp, tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch. Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, làm tắc nghẽn giao thông.

Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế.

Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế về xây dựng là một công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá. “Thể chế nào để ngành xây dựng bung lên, phát trrển đúng hướng, mạnh mẽ hơn, từ đô thị phát triển đến xuất khẩu xây dựng”. Thủ tướng lưu ý về cơ chế quản lý vấn đề nước sạch khi hiện nay nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị được giao cho 2 bộ quản lý (Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng). “Tóm lại thể chế nào để ngành xây dựng phát triển là câu hỏi lớn”. Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung vào tháo gỡ thể chế chứ không phải “nóng đâu, phủi đó”.

Trước những bất cập này, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật ngành; trong đó trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Quy hoạch đô thị và xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quản lý cấp nước sạch.

Bên cạnh đó, quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình xây dựng tiếp tục được nâng cao; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân với các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; từng bước phát triển ngành vật liệu xây dựng thành một ngành kinh tế mạnh, trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, sinh thái...

Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn

 

Xem thêm: lmth.nad-iougn-auc-o-ahn-uac-uhn-gnu-pad-ceiv-iot-mat-nauq-nac-gnud-yax-hnagn/221213/nv.semitnogiaseht.coaid

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành xây dựng cần quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools