Thông báo được ban hành dựa trên các ý kiến phản ánh và giải đáp của Hội đông Thẩm phán TAND Tối cao TAND tại buổi tập huấn trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ngày 27-7.
Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thủ tục phá sản đã được hướng dẫn.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet
- Thế nào là mất khả năng thanh toán?
Về khái niệm "tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán", khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Căn cứ vào quy định trên thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.
- Khoản nợ đến hạn thanh toán.
Khoản nợ đến hạn thanh toán là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp, hợp tác xã phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 2 trường hợp:
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.
Do đó, "mất khả năng thanh toán" không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ. Mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã "mất khả năng thanh toán".
TAND Tối cao cũng lưu ý, pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà chỉ cần có đủ các điều kiện nêu trên.
Cụ thể hơn một tình huống được đưa ra là trong trường hợp doanh nghiệp có khoản nợ đến hạn mà không thanh toán cho chủ nợ trong thời hạn 3 tháng và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết, thẩm phán nhận thấy doanh nghiệp vẫn hoạt động kinh doanh tốt, có lợi nhuận thì có ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó không?
TAND Tối cao hướng dẫn như sau: việc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Như vậy, mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 3 tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán) thì thẩm phán vẫn ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 42 Luật Phá sản.
Doanh nghiệp phá sản có được nhờ luật sư hay không? Khi giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án có chấp nhận việc doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ hoặc con nợ mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ không? Trả lời, TAND Tối cao cho rằng khoản 8 Điều 18 Luật Phá sản quy định quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản được tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc chủ nợ, con nợ có đề nghị tòa án để luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì tòa án phải làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. |