Đêm 26-12, bà Nguyễn Thị Thanh (phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) được đưa tới bệnh viện quân y 175 cấp cứu trong tình trạng chân tay tê liệt, hô hấp khó khăn.
Bà Thanh là nhân vật trong bài “Nữ vận động viên khuyết tật và vụ án lừa đảo” mà PLO từng phản ánh. Theo phản ánh, bà này bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng trong suốt quá trình tố tụng luôn kêu oan và mới đây TAND cấp cao TP.HCM đã tiếp nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà.
Bà Nguyễn Thị Thanh thời điểm trước khi nhập viên cấp cứu. Ảnh: A.TUẤN
Ngồi co ro trên giường bệnh trong phòng cấp cứu, bà Thanh kể hơn 22 giờ ngày 26-12, sau khi đón con gái hơn ba tuổi từ mái ấm ở quận 12 về, bà bắt đầu thấy khó chịu trong người. Tiếp đó, các cử động cơ thể bị khó khăn rồi tay chân rơi vào tình trạng tê liệt, đến điện thoại cũng không thể cầm được.
Vì ngày cuối tuần nên dãy trọ vắng người, hai mẹ con dìu nhau ra vỉa hè kêu cứu. May mắn, người dân phát hiện, nhanh chóng đưa bà vào bệnh viện quận 12.
“Thân thể tôi gần như bất động, tôi còn rất khó thở, tưởng như không thể qua khỏi. Trong trạng thái lơ mơ, thấy con gái khóc giàn dụa, cố nhoài tới mẹ mà đứt từng khúc ruột” – bà nói.
Theo bà, dù hơn 3 tuổi nhưng phần lớn thời gian bé ở mái ấm để mẹ kiếm tiền trả nợ, nay mà mất mẹ nữa thì bé sẽ ở tận cùng sự bơ vơ.
Do thấy không ổn, ngay trong đêm, bệnh viện quận đã chuyển bà cấp cứu tại bệnh viện quân y 175.
Đến gần trưa 27-12, theo các bác sĩ tại bệnh viện, tình trạng bệnh nhân khuyết tật Nguyễn Thị Thanh đã ổn. Bà sẽ tiếp tục được siêu âm tim và theo dõi trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh cùng con gái tại phòng trọ. Ảnh: A.TUẤN
Như đã đưa tin, bà Thanh là bị cáo trong một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã bị tòa phúc thẩm tuyên phạt 42 tháng tù. Do đang nuôi con nhỏ nên bà được tạm hoãn thi hành án. Xuyên suốt quá trình tố tụng, bà luôn khẳng định mình không có ý định lừa đảo.
Bà Thanh bị bại liệt nhưng được bác sĩ ghép vào chân một thanh nẹp nên có thể đi lại được dù rất khó khăn. Năm 2005, bà được CLB Người khuyết tật TP tạo điều kiện cho tham gia thi đấu thể thao và trong nhiều năm đoạt được huy chương ở môn bơi ếch.
Năm 2015, bà Thanh tới thị xã Thuận An (nay là TP Thuận An, Bình Dương) thuê mặt bằng mở phòng vé cấp 2 để bán vé máy bay, tàu hỏa.
Bà nhận hơn 140 triệu đồng để mua vé máy bay và tàu hỏa cho tám người nhưng sau đó canh vé giá rẻ không được nên không giao vé và cũng không trả lại tiền nên bị tố cáo.
Nói về lý do không trả lại ngay tiền cho khách hàng, bà Thanh cho biết thời điểm đó bà làm ăn thua lỗ, bị những người cho vay xiết nợ hết sạch vốn nên bà đã xin khất nợ. Quá trình tố tụng, đã có 6/8 người được xác định là bị hại từng làm đơn tố cáo đã có đơn bãi nại cho bà.
Tháng 11-2019, TAND TP Thuận An xử sơ thẩm, bà Thanh kêu oan, tòa xét thấy chưa đủ căn cứ buộc tội nên đã quyết định trả hồ sơ.
HĐXX yêu cầu: Điều tra bổ sung làm rõ khi bán vé cho các bị hại, bị cáo có dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các bị hại hay chỉ là giao dịch dân sự.
Qua phiên sơ thẩm lần thứ hai và phúc thẩm, bà Thanh đều bị tuyên 42 tháng tù giam.
Ba người bào chữa cho bị cáo Thanh (gồm một trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Dương và hai luật sư bào chữa miễn phí) thì cho rằng việc giữa bị cáo và các bị hại chỉ là quan hệ dân sự. Họ cho rằng hành vi của bị cáo không có dấu hiệu của tội lừa đảo vì bị cáo xảy ra sự cố mất tài sản nên mới không mua được vé cho các khách hàng.
“Ngoài ra, trước phiên xét xử, đã có người nhận tiền Thanh trả và Thanh đã nộp biên nhận này cho tòa. Tuy nhiên, HĐXX lại không đưa số tiền này vào phần đã khắc phục là một thiếu sót” – một luật sư bào chữa nói.
Gửi con ở mái ấm để làm trả tiền khách hàng Lúc khó khăn, bà Thanh phải gửi con tại một mái ấm ở quận 9 để có thời gian làm việc kiếm tiền trả lại những người tố cáo. Tuy nhiên, sau nhiều đêm nhớ con, không ngủ được, bà lại đón con về tự nuôi dưỡng dù bản án tù đang lửng lơ trước mặt. Trước khi nhập viện, do mưu sinh, bà Thanh lại phải gửi bé tại mái ấm ở quận 12 để sáng đưa đi, chiều đón về. |