Mặt bằng diện tích lớn cho các đại siêu thị ở TPHCM: Bài toán nan giải
Lê Hoàng
(TBKTSG Online) - Sau nhiều năm tự khai thác mặt bằng thất bại, chủ chuỗi đại siêu thị lớn nhất Hàn Quốc Emart gần đây lên tiếng sẽ tìm đối tác tại Việt Nam để lập liên doanh hoặc cùng hợp tác mở kinh doanh cho thấy việc mở siêu thị, trung tâm thương mại với các nhà đầu tư ngoại chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
Và để có thể khai thác thị trường gần 100 triệu dân trong nước với các nhà bán lẻ đòi hỏi phải có một chiến lược dài hơi hoặc chi nhiều tiền thâu tóm các chuỗi bán lẻ đang hoạt động vẫn là giải pháp chưa thể khác hơn.
Emart đang chuyển hướng sang việc hợp tác, liên doanh với đối tác trong nước để mở rộng chuỗi kinh doanh thay vì tự đầu tư. Ảnh minh họa: báo Công Thương. |
Chuyện không chỉ với Emart
Thời điểm này của 5 năm trước, đại gia bán lẻ Emart thuộc tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) chính thức mở cửa siêu thị đầu tiên của mình ở Việt Nam. Đại siêu thị Emart Gò Vấp được xây dựng trên khu đất rộng hơn 3 héc ta số 366 Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM được ra đời cũng ngốn mất thời gian 5 năm kể từ khi nhà bán lẻ này chính thức bắt đầu tìm kiếm cơ hội đặt chân vào thị trường trong nước.
Mở được điểm kinh doanh đầu tiên những tưởng đã biết được “lối đi” và mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn, nên Emart lúc đó đã đặt ra mục tiêu sẽ nâng số đại siêu thị lên 10 sau 5 năm đưa vào hoạt động, tức vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ chuỗi siêu thị giá rẻ lớn nhất và lâu đời tại xứ kim chi này, cũng chỉ có duy nhất một điểm kinh doanh nói trên ở thị trường Việt Nam. |
Vấn đề không phải nhà bán lẻ này không đẩy mạnh khâu xúc tiến triển khai thực hiện, nhưng mọi nỗ lực mở thêm các điểm mới trong 5 năm qua của Emart dường như bất khả thi dù lúc khai trương điểm kinh doanh đầu tiên nhà đầu tư này tiết lộ rằng đã tìm được mặt bằng kinh doanh thứ hai tại TPHCM.
Nguyên nhân được cho là do nhà phân phối này khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng có diện tích lớn để mở kinh doanh. Ngay cả gần một năm xảy ra dịch bệnh Covid-19 này được cho là cơ hội thuê được mặt bằng dễ dàng hơn vì nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ khó khăn nên đã phải bán trụ sở hoặc trả lại mặt bằng thuê kinh doanh.
Tuy nhiên phần lớn họ là những nhà bán lẻ quy mô nhỏ lẻ, dạng cửa hàng thời trang, tiệm tạp hóa, hoặc lớn hơn là chuỗi nhà hàng, cà phê,... Còn đối với các nhà bán lẻ cần diện tích lớn để mở siêu thị, đại siêu thị hoặc trung tâm thương mại như mô hình Emart thì việc tìm kiếm mặt bằng có diện tích kinh doanh lớn hiện cũng vô cùng nan giải.
Do đó, trước thông tin Emart có kế hoạch rút khỏi thị trường Việt Nam của hãng tin The Pulse News (Hàn Quốc) đưa gần đây, nhà bán lẻ này liền lên tiếng phản bác và cho rằng Emart sẽ tiếp tục phát triển thị trường gần 100 triệu dân này nhưng với một hướng đi khác.
Cụ thể thay vì tự tìm kiếm mặt bằng như những năm qua, giờ đây hãng đã quyết định thay đổi chiến lược bằng cách tìm kiếm đối tác có năng lực ngay tại Việt Nam để cùng nhau hợp tác hoặc liên doanh mở rộng mô hình kinh doanh đang rất thành công của Emart. “Việc tìm kiếm đối tác có năng lực vẫn đang tiếp tục trong quá trình đàm phán”, một nguồn tin Emart tại Việt Nam chia sẻ.
Trên thực tế, chiến lược này của Emart đối với các nhà bán lẻ ngoại khác đã thực hiện ngay khi họ mới bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam. Bởi lẽ với một nhà đầu tư ngoại, việc tự tìm kiếm, trực tiếp đi thuê mặt bằng đất đai ở TPHCM và Hà Nội, rồi sau đó phát triển hạ tầng thương mại để kinh doanh là vô cùng khó khăn.
Một trung tâm mua sắm của Aeon Mall tại TPHCM luôn thu hút khách tham quan mua sắm. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Ngay cả đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản Aeon Mall vốn chủ yếu phát triển điểm kinh doanh ở bên rìa, hoặc xa khu vực trung tâm các đô thị ở các tỉnh - thành phố cũng phải lên tiếng là quá khó khăn. Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản mới đây, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam phản ánh rằng các dự án của công ty tại Việt Nam mất nhiều thời gian làm thủ tục.
Trong đó, có dự án mất tới hơn 1 năm để nhận giấy đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, theo nhà bán lẻ này, dự án thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Thủ tướng còn mất thời gian lâu hơn so với thẩm quyền của tỉnh- thành.
Trên thực tế, việc tiếp cận đất đai chưa bao giờ dễ dàng với các nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả phát triển các dự án bất động sản, nhà ở, logistics, văn phòng, khách sạn... Nên đa số các nhà đầu tư ngoại muốn tham gia các dự án bán lẻ, mở trung tâm thương mại, siêu thị cần diện tích lớn là chọn cách tìm các doanh nghiệp trong nước có sẵn mặt bằng, đất sạch để hợp tác, liên doanh mở kinh doanh.
Và chiến lược thâu tóm không thể dừng?
Cánh cửa vào thị trường bán lẻ của Việt Nam mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài được nhiều năm qua. Tuy nhiên, cuộc săn tìm vị trí kinh doanh được cho là đã bắt đầu từ lâu tại thị trường được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu trên thế giới này hiện nay.
Với mức tăng trưởng hai con số trong hơn 5 năm vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có bước phát triển ấn tượng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên cạnh tranh của thị trường có quy mô hơn 160 tỉ đô la Mỹ này (tính riêng năm 2019) được cho là ngày càng khốc liệt với nhiều doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi và được thay thế bởi những ông lớn bán lẻ mạnh mẽ hơn.
Do đó, bên cạnh mô hình hợp tác, liên doanh mà Emart bắt đầu thực hiện, thời gian qua thị trường phần phối Việt Nam cũng chứng kiến những cuộc thâu tóm nhau để có thị phần nhanh. Có thể nói thị trường bán lẻ Việt Nam lớn nhanh được xem là mãnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp ngoại tiến hành chiến lược mở rộng thông qua các thương vụ thâu tóm.
Trong nhiều năm qua, thị trường này chứng kiến nhiều thương vụ đình đám có giá trị lên đến cả tỉ đô la Mỹ mà bên “kích hoạt” đều là các doanh nghiệp ngoại. Có thể kể đến là thương vụ Central Group (Thái Lan) chi hơn một tỉ đô la để sở hữu chuỗi bán lẻ Big C năm 2016. Hay Berli Jucker (BJC) một tập đoàn khác cũng đến từ Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Metro từ tay một doanh nghiệp Đức để tham gia vào mảng bán buôn ở thị trường Việt Nam...
Tuy nhiên bước sang 2019, cục diện giao dịch M&A thị trường bán lẻ được xoay chuyển khi dòng vốn được doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt. Trong đó Saigon Co.op nhận tiếp quản hệ thống 18 siêu thị mang thương hiệu Auchan của một nhà bán lẻ Pháp sau khi đơn vị này rời đi. Giữa năm 2019, liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim (nắm 70%) và GS Retail - nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc (30%) cũng mua lại 49 cửa hàng thuộc chuỗi Zakka Mart.
Để có hệ thống siêu thị, TTTM lớn như hiện nay, Central Group (Thái Lan) phải bỏ số tiền hơn 1 tỉ đô la để mua lại chuỗi Big C ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Lê Hoàng |
Hay đình đám nhất vẫn là thương vụ Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận sáp nhập VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp (VinEco) vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan cuối năm ngoái. Ngoài mảng sản xuất, công ty mới sở hữu mạng lưới 122 siêu thị VinMart và hàng ngàn cửa hàng VinMart + tại 50 tỉnh thành.
Năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường bán lẻ nhiều nước trên thế giới bị tăng trưởng âm, thì thị trường này ở trong nước vẫn chứng kiến mức tăng trưởng dương và tăng cao. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 11 tháng 2020 bán lẻ hàng hóa đạt 3.630.400 tỉ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng lớn để doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục nhảy vào tìm cơ hội hợp kinh doanh. |
Theo đánh giá của giới phân tích, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, mang trong mình tiềm năng phát triển của một thị trường bán lẻ còn non trẻ, thu nhập người dân đang tăng lên,... sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cũng như bán lẻ trong khu vực và cả thế giới.
Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn tìm mặt bằng thương mại lớn ở các khu đô thị cũng như thủ tục xây dựng - phát triển điểm bán siêu thị, trung tâm thương mại mới còn mất nhiều thời gian thì các nhà bán lẻ muốn tham gia nhanh thị trường này cũng thường chọn con đường “thâu tóm” các chuỗi bán lẻ hiện hữu được xem là con đường ngắn và nhanh nhất hiện nay.
Do đó, thị trường bán lẻ trong nước được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc M&A giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giới phân tích dự báo thị trường trong thời gian tới sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn đòi hỏi chủ các kênh thương mại hiện đại (hệ thống đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) phải thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với xu thế tiêu dùng.
Bởi nếu không sớm chuyển đổi theo xu thế hoặc thực hiện chuyển đổi số, họ sẽ bị kênh thương mại điện tử xâm lấn, giành mất thị phần và biến thành truyền thống, đúng như cách bán lẻ hiện đại đã và đang làm với chợ.