Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh này có diện tích lớn thứ 4 cả nước với hơn 1,3 triệu ha. Lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 xấp xỉ 75.000 tỉ đồng, tăng hơn 1,4 lần so năm 2015. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so bình quân cả nước. Tỉnh đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất 650.000 ha (lớn nhất nước); khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng. Tỉnh có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất. Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản quy mô lớn, tích hợp đa giá trị, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành với các nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tỉnh tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc; công khai, minh bạch các thủ tục, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính.
Đắk Lắk đã thành lập Ban chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm do bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, chủ tịch UBND tỉnh là phó trưởng ban và Tổ giúp việc để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhất là về đất đai.
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Lắk
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết năm 2022, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi ổn định, đan xen cơ hội và thách thức.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện còn nhiều điểm nghẽn, thách thức cần vượt qua như giá đầu vào sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thấp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp... Cùng với đó, tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp; việc quản lý, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... còn nhiều bất cập.
Do đó, ông Phùng Đức Tiến mong Đắk Lắk và các nhà đầu tư hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong khu vực thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cần tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi nông nghiệp từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp "đa giá trị". Phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, của vùng Tây Nguyên và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, Đắk Lắk đã giới thiệu 109 danh mục các dự án thu hút đầu tư, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỉ đồng; trao 8 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư trên 23.000 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.17983041282402202-irt-aig-ad-poh-hcit-peihgn-gnon-neirt-tahp/et-hnik/nv.moc.dln