"Đến thời điểm này có thể khẳng định, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế", người đứng đầu Chính phủ phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, sáng 28/12.
Hội nghị này có sự tham dự và chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây của Việt Nam nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều nước khu vực và thế giới rơi vào suy thoái.
Kết quả này có được nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng được đạt nhều kết quả tích cực. Theo Thủ tướng, thành quả chống dịch là sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân khi Việt Nam được đánh giá là mô hình chống Covid-19 hiệu quả trên thế giới.
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5%.
Về thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm (2016 -2020), Thủ tướng nhận định "đất nước thực sự tốt đẹp hơn, kinh tế tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương bờ cõi được giữ vững, niềm tin của người dân được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên".
Ông cũng đánh giá, 2020 là năm thành công nhất nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân và các cấp chính quyền. Nhắc lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Thủ tướng cho rằng, trong những lúc khó khăn, gai góc nhất, tinh thần dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ.
Nhìn lại 5 năm qua, Việt Nam tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, Việt Nam tăng trưởng gần 3%; quy mô kinh tế đạt 340 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương và vượt qua một số nền kinh tế lớn trong khu vực, kể cả một số "con hổ" châu Á.
Với tăng trưởng bình quân 6,8% giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Thu ngân sách năm 2020 cơ bản đạt mục tiêu đề ra, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Trong nhiệm 5 năm qua, Việt Nam tạo ra 8 triệu việc làm mới. Thu nhập bình quân hiện đạt 5.000 USD mỗi năm.
"Tăng trưởng không chỉ ở đô thị mà còn nông thôn, không chỉ đồng bằng mà còn biên giới hải đảo. Bên cạnh các địa phương truyền thống, nhiều địa phương mới nổi với con số tăng trưởng ấn tượng", Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, tăng trưởng hiện nay không còn tập trung vào thành phần nào. Kinh tế tư nhân từng bước được khẳng định là động lực quan trọng của đất nước.
Nông nghiệp xuất khẩu đạt 41 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được các vị trí then chốt của nền kinh tế. Thương hiệu Việt Nam được định giá 319 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tăng trưởng nhanh, có thời điểm Vn-Index đạt mức kỷ lục 1.200 điểm. Việt Nam đang có dự trữ ngoại hối 100 tỷ USD. Bội chi ngân sách và nợ công giảm xuống mức an toàn hơn để có thêm dư địa phát triển.
"Trong bối cảnh Covid-19, Việt Nam nổi lên là thiên đường thu hút đầu tư mới ở Đông Nam Á", Thủ tướng nói và khẳng định, việc điều hành tỷ giá của Việt Nam không nhằm mục tiêu duy trì lợi thế xuất khẩu mà phản ánh các quan hệ khách quan của thị trường.
Bên cạnh những thành tựu đó, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn như tăng trưởng chưa bền vững, chưa xứng với tiềm năng; mặt bằng thu nhập người dân còn thấp; công ăn việc làm cho người dân chưa đảm bảo; doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhỏ và vừa còn khó khăn; chất lượng giáo dục, y tế còn bất cập... Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu như lũ chồng lũ, bão chồng bão ở miền Trung vừa qua; xâm nhập mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn sẽ phủ bảo hiểm y tế đến tết cả người dân sớm nhất. Chính phủ hướng tới trẻ dưới 16 tuổi sẽ được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hoàn toàn.
Ông cũng kêu gọi mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm, nỗ lực hun đúc ngọn lửa khát vọng để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu.