Sau nhiều tháng tranh cãi, dự luật cứu trợ Covid-19 mới cuối cùng cũng được lưỡng đảng Quốc hội Mỹ thông qua và trình lên Tổng thống. Tuy nhiên, ông Trump lại khiến nước Mỹ một phen hoảng sợ khi đe đọa phủ quyết dự luật. Sau nhiều ngày được trình lên, ông Trump mới đặt bút ký.
Việc Tổng thống Trump khước từ đạo luật có thể sẽ trở thành thảm họa với 14 triệu người Mỹ, những người đang sống dựa vào các gói cứu trợ. Tuy nhiên, chúng chỉ có hiệu lực tới hết ngày 31/12/2020, tức thứ 6 tuần này theo giờ Mỹ. Dẫu vậy, gánh nặng lớn nhất của nhiều người Mỹ hiện đã tạm thời được xóa bỏ.
Theo luật mới, các biện pháp đảm bảo phúc lợi cho người Mỹ sẽ được mở rộng tới tháng 3 năm tới. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ có lẽ sẽ phải sống 1 tuần mà không có trợ cấp khi luật được ký quá muộn, dẫn tới kéo dài trong khâu thực thi và khiến các gói cứu trợ chậm tới tay người cần tới chúng.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã thoát nguy cơ "đóng cửa". Nếu ông Trump không đặt bút ký, Chính phủ Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa ngày 29/12 vì hết tiền. Đây sẽ thực sự làm thảm họa, nhất là trong bối cảnh nước Mỹ đang phải điên cuồng chống lại đợt dịch bệnh Covid-19 mới với số ca mắc và tử vong cao kỷ lục.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã gọi dự luật cứu trợ Covid-19 là "một nỗi ô nhục" sau khi Quốc hội thông qua nó. Để có được dự luật này, các bên, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, đã phải đàm phán trong suốt nhiều tuần. Ông Trump phản đối dự luật vì nó chỉ cấp cho người dân Mỹ 600 USD thay vì 2.000 USD như ông mong muốn.
Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp và chuyên gia kinh tế cho rằng gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD là không đủ. Dẫu vậy, nó vẫn đóng một vai trò quan trọng ở thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế Mỹ đang phải vật vã chống Covid-19.
Bên cạnh việc phát tiền cho người dân, luật mới cũng giúp các doanh nghiệp tiếp tục trả lương cho người lao động hay ngăn cản chủ nhà đuổi những người thuê nhưng không trả được tiền nhà. Điều này giúp hàng triệu người Mỹ thoát cảnh phải đón năm mới ngoài đường. Trong khi đó, 25 tỷ USD cũng được dành hỗ trợ những người cho thuê, vốn cũng rất khốn khó do đại dịch.
Trong một diễn biến khác, người Dân chủ cho biết họ sẽ nhanh chóng thúc đẩy một dự luật cứu trợ khác, chủ yếu là các khoản thanh toán trực tiếp và viện trợ cho chính quyền tiểu bang và địa phương sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Tuy nhiên, khả năng thông qua các dự luật này sẽ phụ thuộc vào việc người Dân chủ có thể giành ghế và trở thành đảng nắm quyền kiểm soát tại Thượng viện Mỹ hay không.
Mỹ sẽ tổ chức bầu 2 ghế Thượng nghị sĩ còn thiếu tại Georgia vào ngày 5/1 tới. Nếu người Dân chủ chiến thắng, ông Joe Biden sẽ có nhiều công cụ hơn để hiện thực hóa các chương trình nghị sự của mình. Trong trường hợp ngược lại, nếu người Cộng hòa giành chiến thắng, ông Biden sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc thông qua những quyết sách của mình, ít nhất là tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Linh Anh
Doanh nghiệp và tiếp thị