Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình lao động, tiền lương, tiền thưởng Tết năm 2021 cũng như nợ lương của doanh nghiệp trên địa bàn và báo cáo về Bộ trước ngày 27/12. Tuy nhiên, đến thời điểm này dù đã quá hạn song số địa phương gửi báo cáo về Bộ còn rất ít.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đúng là theo lịch gửi báo cáo của các địa phương về bộ là ngày 27/12, nhưng thông thường các địa phương sẽ gửi chậm hơn thời hạn trên là 2 tuần.
"Như mọi năm, sau thời hạn báo cáo khoảng một tháng, chúng tôi mới tổng hợp được 50% số lượng các địa phương gửi báo cáo thưởng Tết về Bộ", ông Hưng chia sẻ và nói rằng, thực tế sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có thông báo thì các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương sẽ gửi thông báo xuống các doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp mới tổng hợp và báo cáo về sở.
Cũng theo ông Hưng, báo cáo về tình hình thưởng Tết chỉ là thông tin thị trường tham khảo, không bắt buộc, theo nhu cầu của xã hội cũng như phục vụ quản lý nhà nước thì Bộ, địa phương khảo sát nắm bắt tình hình.
Trước đó, khi chia sẻ về vấn đề trên, ông Hưng cũng từng nhấn mạnh, tình hình chung năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên chắc chắn báo cáo thưởng Tết sẽ bị chậm hơn so với mọi năm. Dự kiến phải cuối tháng 1/2021 mới có báo cáo tổng hợp thưởng Tết.
Cơ quan chức năng cũng muốn nắm bắt tình hình chung của cả hai đợt thưởng là Tết Âm lịch và Tết Dương lịch vì năm nay thời điểm cách nhau chỉ khoảng một tháng.
Tại một địa phương lớn là Hà Nội, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thông tin là hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về lương, thưởng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, do đó chưa có thống kê trung bình vì phải chờ số liệu.
"Dự kiến giữa tháng 12 Âm lịch mới có thể công bố lương, thưởng Tết chính thức. Hiện nay, chúng tôi mới chỉ nhận được lác đác doanh nghiệp gửi báo cáo về Sở. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp phải cân đối cụ thể trước khi gửi về sở tổng hợp. Chúng tôi mong muốn mức thưởng được duy trì bằng năm trước, do ảnh hưởng của dịch nên nhiều doanh nghiệp sản xuất rất khó khăn", ông Dân thông tin.
Trước đó, về thưởng Tết trong năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được báo cáo của 40 tỉnh, thành phố, với 24.907 doanh nghiệp có báo cáo (tương ứng với 3,155 triệu lao động, chiếm khoảng 12,8% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước).
Theo đó, năm 2020 thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương là 6,71 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 950 triệu đồng tại một doanh nghiệp dân doanh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa sinh học tại tỉnh Hải Dương.
Còn về tiền thưởng dịp Tết Dương lịch 2020, khoảng 85,6% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng với mức thưởng bình quân 930.000 đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại Tp.HCM.
Theo quy định của Bộ luật Lao động thì thưởng cuối năm cho người lao động do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và quy chế thưởng của doanh nghiệp.
Do đó, nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, lợi nhuận cao thì mức thưởng sẽ cao hơn. Tiền thưởng dù không phải là khoản tiền bắt buộc phải trả cho người lao động, nhưng đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động, chỉ trừ một số trường hợp cực kỳ khó khăn.
Xem thêm: mth.39943500182210202-1202-tet-gnouht-oac-oab-gnouhp-aid-cad-cal-oc-iom/nv.ymonocenv