2 tháng trước, các nhà đầu tư trên toàn thế giới trong đó có cả những quỹ sừng sỏ như Warburg Pincus, Carlyle, Temasek và GIC đang háo hức với viễn cảnh sẽ nhận được "lộc trời cho" không nhỏ từ vụ IPO lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giờ đây lợi nhuận mà họ thu được từ hàng trăm triệu USD đã bỏ vào Ant Group lại đang đứng trước nguy cơ biến mất. Hôm qua (27/10), chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu Ant rà soát lại các dịch vụ fintech mà công ty này đang cung cấp (trải rộng từ quản lý tài sản đến tín dụng tiêu dùng và bảo hiểm), đồng thời quay trở về với "gốc rễ" ban đầu là dịch vụ thanh toán.
Mặc dù thông báo từ NHTW Trung Quốc (PBOC) rất ngắn gọn, đó là một đòn giáng mạnh đe dọa đà tăng trưởng và những mảng kinh doanh sinh lời nhất của đế chế tài chính mà tỷ phú Jack Ma đã dày công gây dựng. Các nhà quản lý không trực tiếp yêu cầu phải chia tách Ant, nhưng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là Ant "cần hiểu được sự cấp thiết phải cải tổ" và đưa ra 1 kế hoạch cũng như lộ trình cải tổ càng sớm càng tốt.
Giới chức cũng chê trách Ant yếu kém trong khâu quản trị doanh nghiệp và không tuân theo các yêu cầu của cơ quan quản lý. Theo PBOC, Ant đã sử dụng vị thế thống trị thị trường để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, gây tổn hại đến lợi ích của hàng trăm triệu khách hàng.
Đáp lại, Ant cho biết sẽ thành lập 1 đội đặc nhiệm để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan quản lý. Công ty tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các dịch vụ đang cung cấp cho người dùng, cam kết không tăng giá và tăng cường quản trị rủi ro.
PBOC cũng yêu cầu công ty có trụ sở tại Hàng Châu sẽ phải thành lập 1 công ty tài chính riêng biệt để đảm bảo tuân thủ pháp luật và có đủ vốn.
Dưới đây là một số kịch bản mà các nhà đầu tư và giới phân tích dự đoán về kế hoạch cải tổ của Ant.
Kịch bản tươi sáng nhất
Những người lạc quan cho rằng các nhà quản lý chỉ đang khẳng định lại quyền quản lý lĩnh vực tài chính của mình. Họ vẫn sẽ cảnh báo các công ty internet nhưng không có ý định thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào.
Có lẽ Bắc Kinh sẽ lấy Ant làm ví dụ điển hình bởi Ant hiện là công ty lớn nhất trong nhóm các nền tảng fintech dù mới nhưng lại có sức mạnh rất đáng gờm. Trước đây cũng đã có những trường hợp như vậy. Ví dụ như Tencent từng trở thành mục tiêu bị chỉ trích nặng nề trong chiến dịch chống nghiện game trong giới trẻ năm 2018. Mặc dù có bị ảnh hưởng, cuối cùng Tencent vẫn "bình yên vô sự" và lấy lại được toàn bộ số giá trị vốn hóa đã bị thổi bay, thậm chí sau đó còn lập kỷ lục mới.
Chính bản thân Alibaba cũng từng bị bán tháo cổ phiếu vì những cáo buộc như đối xử không công bằng với người bán hoặc để mặc cho hàng giả hàng nhái hoành hành. Tuy nhiên sau đó tập đoàn vẫn lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Zhang Kai, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Analysys, các nhà quản lý sẽ không chia tách Ant vì hiện ở Trung Quốc không có công ty fintech nào chiếm thế độc quyền. Họ chỉ muốn cảnh báo các công ty fintech khác.
Một số người lại cho rằng đây chính là 1 cơ hội dành cho Ant. Trong khi cả ngành phải đối mặt với khó khăn, Ant có nhiều nguồn lực hơn để đối đầu với những thách thức.
Kịch bản xấu
Ant phải chia tách sẽ là kịch bản xấu hơn. Điều này dẫn đến cấu trúc sở hữu trở nên phức tạp hơn và những mảng kinh doanh đang tăng trưởng nhanh nhất của công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Được định giá vào khaongr 315 tỷ USD trước thềm IPO, Ant đã thu hút được dòng vốn từ nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới: Warburg Pincus LLC, Carlyle Group Inc., Silver Lake Management LLC, Temasek Holdings Pte và GIC Pte.
Các nhà đầu tư toàn cầu ủng hộ Ant từ khi công ty được định giá vào khoảng 150 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất năm 2018. Nếu Ant bị chia tách, khoản lợi nhuận mà họ dự định sẽ thu được không biết bao giờ mới trở thành hiện thực. Kế hoạch IPO vào tháng 11 của Ant cũng trở nên rất mơ hồ.
Chính phủ Trung Quốc có thể yêu cầu Ant tách các hoạt động sinh lợi nhiều hơn (gồm quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng và bảo hiểm) sang 1 công ty mới. Công ty này sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn, giống như các ngân hàng truyền thống.
Nếu như vậy, sức mạnh của Ant sẽ giảm đi đáng kể. Dù xử lý các giao dịch có tổng giá trị lên tới 17.000 tỷ USD mỗi năm, mảng thanh toán trực tiếp của Ant vẫn đang thua lỗ. Hai công ty cung cấp dịch vụ thanh toán qua di động lớn nhất Trung Quốc là Ant và Tencent đã trợ giá rất nhiều cho mảng này, sử dụng thanh toán trực tuyến như 1 cánh cổng để thu hút người dùng. Thứ mang lợi lợi nhuận là các sản phẩm bán chéo như dịch vụ quản lý tài sản và cho vay tiêu dùng.
Kịch bản ác mộng
Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là Ant phải từ bỏ mảng quản lý 3 dịch vụ sinh lời nhiều nhất, chấm dứt cung cấp các dịch vụ hiện đang có tới nửa tỷ người dùng.
Mảng quản lý tài sản (mà bao gồm Yu’ebao, nền tảng bán các quỹ tương hỗ và quỹ thị trường tiền tệ) hiện đóng góp 15% doanh thu. Huabei và Jiebei, 2 công ty con cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng, là nguồn doanh thu lớn nhất của tập đoàn, chiếm 39% tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm nay và hiện đang cho tới 500 triệu người vay tiền.
Kịch bản này dựa trên ý tưởng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng không hài lòng với các tỷ phú công nghệ và muốn "dạy cho họ 1 bài học" bằng cách triệt tiêu đường kinh doanh của họ, dù điều đó gây ra những thiệt hại nhất định cho nền kinh tế và thị trường.
Tổng cộng Alibaba, Ant và Tencent sẽ có giá trị vốn hóa đạt gần 2.000 tỷ USD, vượt qua cả những ông lớn quốc doanh như ngân hàng ICBC – hiện là công ty lớn nhất Trung Quốc xét theo giá trị vốn hóa.
Alibaba cho biết sẽ tăng mua khối lượng cổ phiếu quỹ từ 6 tỷ USD lên 10 tỷ USD. Kể từ khi có thông báo hoãn IPO, giá trị vốn hóa của Alibaba đã sụt giảm hơn 200 tỷ USD và sẽ chưa dừng lại ở con số đó. Phiên hôm nay (28/12), cổ phiếu này vẫn tiếp tục giảm 5,1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Tham khảo Bloomberg