6 nền kinh tế dẫn đầu Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ có những hướng tăng trưởng rất khác nhau trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam, Malaysia và Indonesia trở lại ngưỡng trước khủng hoảng còn kinh tế Singapore, Philippines và Thái Lan chật vật tăng trưởng.
Mới đây, IMF đã công bố dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có các số liệu kỳ vọng về tăng trưởng của nhóm các nền kinh tế Đông Nam Á.
Lấy ngưỡng 100 làm ngưỡng cơ sở cho năm 2019, kinh tế Việt Nam, Indonesia, Malaysia đều vượt lên trên ngưỡng 100 với năm 2021, điều đó đồng nghĩa kinh tế của họ sẽ tăng trưởng vào năm sau so với ngưỡng trước khi có đại dịch Covid-19 vào năm 2019.
Tất nhiên, tất cả các nền kinh tế này sẽ vẫn còn đối đầu với nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19 cũng như việc nước Mỹ có chính quyền mới.
Việt Nam dự kiến sẽ dẫn đầu nhóm này với chỉ số phát triển được tính toán sẽ tăng lên mức 108,4 điểm. S&P Global dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đến 10,9% tính theo ngưỡng nói trên theo danh nghĩa thực, mức tăng trưởng này cao hơn bất kỳ nước nào trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng được 2,91%.
Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong 6 nền kinh tế nói trên có tăng trưởng kinh tế thực trong năm 2020 nhờ vào khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 rất tốt.
Nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Nhật, ông Yuta Tsukada, nhận xét: "Nhiều công ty toàn cầu đang đổ xô đến Việt Nam, nhờ vậy xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi". Xét đến việc chi phí sản xuất thấp tại Việt Nam, sẽ có thêm ngày một nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam nếu chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp diễn.
Indonesia đứng thứ 2 về chỉ số tăng trưởng 104,5 điểm. Luật việc làm mới đây được Tổng thống Joko Wikodo ký thông qua dự kiến sẽ giúp các doanh nghiệp có quyền tự do lớn hơn và giúp thu hút đầu tư nước ngoài. Với chỉ số tăng trưởng 101,3 điểm, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Malaysia sẽ hồi phục nhanh hơn một khi kinh tế toàn cầu phục hồi.
Trong khi đó, chỉ số tăng trưởng của Philippines, Thái Lna, Singapore nhiều khả năng sẽ không thể vượt ngưỡng 100 điểm cho đến năm 2022.
Lĩnh vực du lịch của Thái Lan, vốn đóng góp khoảng 20% GDP, nhiều khả năng sẽ chật vật trong năm sau khi mà các biện pháp hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài không có dấu hiệu kết thúc. Xuất khẩu ô tô, một động lực tăng trưởng quan trọng, cũng sẽ khó mà hồi phục trở lại ngưỡng của năm 2019.
Triển vọng tiêu dùng của Philippines vẫn khá u ám, xét đến việc doanh số bán ô tô và nhiều hàng hóa tiêu dùng bền khác chững lại. Lĩnh vực du lịch của Singapore cũng sẽ phục hồi chậm.
Dù rằng dự báo tăng trưởng cho năm 2021 khác nhau, tất cả 6 nước này đều sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những diễn biến liên quan đến đại dịch Covid-10 cũng như chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi ông chính thức tuyên bố nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Vắc xin Covid-19 đã bắt đầu được cung cấp tại một số khu vực của thế giới, tuy nhiên sẽ còn rất rất lâu mới có thể trở nên phổ biến tại các nước Đông Nam Á.
Ngọc Diệp
Nhịp sống doanh nghiệp