Năng lượng - Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân của tác giả từng đoạt giải Pulitzer - Richard Rhodes
Ít người từng biết nước Anh tươi đẹp từng có quá khứ ô nhiễm không khí kinh khủng đến mức chết hàng loạt người vì khói than ở các nhà máy, hay các ngư dân sống ở vùng Đại Tây Dương từng tận diệt cá voi chỉ để lấy mỡ cá voi cho công nghiệp làm nến thắp sáng, hay phân chim biển từng là nguồn tài nguyên quý đến mức phải vơ vét cho nông nghiệp...
Con người sinh ra và chết đi, các doanh nghiệp thịnh vượng rồi suy vong, các quốc gia vươn lên thành cường quốc thế giới hoặc suy tàn, tất cả diễn ra trong sự tranh chấp về những thách thức năng lượng.
Richard Rhodes
Với Năng lượng - Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân, sử gia - nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Richard Rhodes dẫn dắt người đọc tìm hiểu lịch sử sự phát triển các nguồn năng lượng trong lịch sử loài người, từ máy hơi nước đến máy phát điện của Michael Faraday, cho đến các nhà máy điện hạt nhân với những thảm họa hạt nhân mà loài người từng chứng kiến.
Mở đầu Năng lượng - Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân là "sự hoảng loạn" của Hoàng gia Anh thời Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất (thế kỷ 16), khi lo sợ rằng rừng sẽ không đủ để sưởi ấm nước Anh khi người ta tiêu thụ gỗ ngày một nhiều để đốt lửa sưởi ấm trong những mùa đông dài lạnh lẽo ở đảo quốc sương mù.
Thế rồi người ta tìm ra các mỏ than, biến than thành một nguồn chất đốt chủ lực để sưởi ấm (và cũng dẫn tới hệ lụy ô nhiễm khói than sau này); rồi từ đốt than, khai thác than, người Anh đã dùng than để hóa hơi nước và tạo ra động cơ hơi nước, từ đó tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.
Người Anh cũng từ than tạo ra khí gas như một nguồn nhiên liệu thắp sáng thay những ngọn nến cũ tù mù, góp phần xóa sổ ngành săn bắt cá voi để lấy mỡ làm nến.
Richard Rhodes đi theo từng tiến trình của lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp để tiếp tục mô tả sự phát triển của các nguồn năng lượng mà ta đang dùng hiện nay như điện năng (từ các nhà máy nhiệt điện tới xây dựng các con đập thủy điện, cho tới sự bùng nổ của các nhà máy điện hạt nhân, hay sự nổi lên của điện gió, điện mặt trời gần đây như những nguồn năng lượng sạch cho tương lai), hay ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ở Mỹ, ở Trung Đông...
Năng lượng - Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân được viết khá dễ hiểu ngay cả với các chủ đề tưởng chừng "khó nhằn" với nhiều người.
Đọc sách, người đọc sẽ thấy được một bức tranh rõ hơn về nhiều mặt của các cuộc cách mạng công nghiệp, thấy cả những mất mát mà nhân loại từng phải đánh đổi để có sự phát triển như ngày nay (sự đổ máu của những người tiên phong, sự đánh đổi về môi trường...), hay những nỗ lực phi thường của các nhà phát minh trong các cuộc chạy đua công nghệ đó.
Ta cũng có thể hình dung một thế giới phương Tây trong thế kỷ 17 đến 19 như cuồng lên bởi các phát minh khoa học kỹ thuật, tiền đề cho thế giới ngày hôm nay.
Vượt xa ngoài những câu chuyện kể, tác giả giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những lựa chọn về năng lượng mà loài người đang theo đuổi trong khi đối mặt với một thách thức cực lớn - biến đổi khí hậu.
Từ khoa học kỹ thuật của các cuộc cách mạng năng lượng cho tới thách thức môi trường, dân số và khí hậu toàn cầu, cuốn sách cho ta nhiều bài học đáng suy ngẫm và thảo luận.
Những câu chuyện lý thú
Năng lượng - Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân kể cho ta rất nhiều những câu chuyện lý thú mà ít được biết đến về sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Denis Papin - cha đẻ của chiếc nồi áp suất (mà ngày nay ta vẫn dùng) giúp bao người nghèo dễ dàng nấu ăn - dành cả đời phát minh ra động cơ hơi nước sơ khai nhưng rồi chết trong nghèo khó vì không thể được nhận bằng sáng chế.
George Stephenson bất chấp sự chống đối tới mức điên cuồng của các điền chủ thủ cựu, xây dựng đường ray xe lửa đầu tiên cho nước Anh nối hai thành phố Manchester và Liverpool, mở ra cuộc cách mạng vận chuyển đường sắt.
Humphry Davy thậm chí bị thương nặng đến mức hỏng một bên mắt để nỗ lực tạo ra đèn soi an toàn cho thợ mỏ mang xuống hầm than...
TTO - 'Có lẽ má sẽ chẳng bao giờ về nhà nữa. Có lẽ vài giấc mơ nên tan biến đi thôi'...