Chiều 29-12, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một bé trai (4 tuổi) được BV Bà Rịa (Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu và các bác sĩ không thể hồi sức thành công. Gia đình sau đó đã đưa bé về.
Người nhà cho biết bé trai té vào xô nước tại nhà không rõ từ lúc nào và được hàng xóm phát hiện trong tình trạng tím tái, ngưng tim ngưng thở.
Bé được đưa đi cấp cứu ngay tại BV Bà Rịa trong tình trạng hôn mê sâu. Theo nguyện vọng gia đình, bé được tiếp tục chuyển đến BV Nhi đồng 2, TP.HCM.
Bé trai 4 tuổi đuối nước do ngã vào xô nước được đưa đến bệnh viện nhưng đã quá muộn. Ảnh minh họa.
Nhân sự việc này, các bác sĩ cảnh báo tai nạn đuối nước luôn rình rập các trẻ nhỏ khi đi bơi, đi thuyền và trong các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, ở nhà, tai nạn đuối nước vẫn chực chờ khi trẻ té vào trong bồn nước, chum vại, rãnh nước.
Thời điểm vàng để sơ cứu trẻ đuối nước là ngay từ khi có cơn ngừng thở đầu tiên tức là trong vòng 1- 4 phút đầu tiên khi bị chìm trong nước, đồng thời xử lý tốt các chấn thương kèm theo (đặc biệt là chấn thương đầu cổ và cột sống).
Bệnh nhân cần được cấp cứu giải phóng đường thở và cung cấp oxy nên việc làm ngay là đưa ra khỏi nước, đặt nằm nghiêng, móc hết dị vật, đàm nhớt trong họng để giải phóng đường thở.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, không tự thở, phải tiến hành cấp cứu tại chỗ bằng cách một người hà hơi thổi ngạt, một người ấn tim ngoài lồng ngực cho đến khi bệnh nhân thở được và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đặc biệt, cần lưu ý dấu hiệu trẻ bị phù phổi cấp sau khi đuối nước như khó thở, đau ngực, hoặc ho, thay đổi hành vi, người mệt mỏi. Những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyên cần tránh các thói quen dốc ngược nạn nhân hay vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Hơn nữa, khi ngạt nước, thực ra nước ở trong phổi không nhiều mà sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân thở trở lại.