Ngày 29-12, Trường ĐH Văn Lang phối hợp cùng Công ty cổ phần Việt Lotus (VLC) tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học”.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm nhiều chuyên gia giáo dục, diễn giả, thầy cô giáo và đông đảo sinh viên.
Theo TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng trường (Trường ĐH Văn Lang), bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam và thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhất là sau đại dịch COVID-19. Vấn đề này tạo nên thách thức lớn, đòi hỏi những người làm giáo dục phải thay đổi để thích nghi, mở rộng đào tạo trực tuyến, chuyển đổi số.
Theo ông Trí, hiện nay Trường ĐH Văn Lang đang phát triển hệ sinh thái đa dạng với trọng tâm là giáo dục đại học và trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối các thành tố: trường đại học, doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu. Điều này nhằm tạo ra các giải pháp đột phá trong sáng tạo và khởi nghiệp, đề xuất cơ chế cho sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Tại tọa đàm, các diễn giả là chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã cung cấp các góc nhìn đa chiều về xây dựng tài nguyên số, học thuật số trên nền tảng công nghệ thống nhất phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là đối với học tập từ xa, học tập suốt đời.
Các diễn giả, chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: PHẠM ANH
Tuy nhiên, theo nhiều diễn giả, việc chuyển đổi số trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi việc đổi mới còn mang tính phong trào và hàn lâm, chưa thực sự tạo hiệu quả.
PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng đổi mới giáo dục ở Việt Nam còn rất khó khăn vì không có nguồn lực về con người đi đầu trong chuyển đổi số.
“Dù ứng dụng trực tuyến nhưng thầy cô vẫn đi theo con đường hàn lâm, tức chiếu powerpoint lên nhưng chỉ để truyền đạt kiến thức đơn thuần, chứ chưa chuyển những kiến thức đó sang làm việc thực tế. Giảng viên vẫn phải soạn giảng, vẫn phải lên lớp dạy, trường học thì vẫn tổ chức theo đơn ngành, trong khi nhu cầu thực tế lại đòi hỏi tích hợp nhiều lĩnh vực” – ông Dũng nêu thực tế.
Theo ông Dũng, các trường đại học phải chuyển đổi số nhưng phải đi từng bước mới bền vững. Trong đó, yếu tố con người là quan trọng nhất vì học số không còn là học và dạy đơn thuần mà là sinh viên học lẫn nhau, giảng viên phải kết nối các kênh để sinh viên biết để học.
Lấy ví dụ kinh nghiệm từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ông Dũng cho rằng trường bắt đầu đổi mới từ năm 2013. Trường mời chuyên gia từ nước ngoài về tập huấn, phải đầu tư 80% kinh phí cho con người, khen thưởng những người tiên phong đổi mới…
Cũng theo ông Dũng, muốn chuyển đổi số, yếu tố con người là quan trọng nhất, đầu tiên phải chuyển đổi tư duy con người. Vì vậy, mọi người phải làm việc rất cật lực hơn, trường phải trả lương xứng đáng hơn để giữ chân người giỏi, thu hút thêm người tài. Khi có nhân lực giỏi, trường bắt đầu đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.
Kết quả, đến năm 2020, số tiến sĩ của trường từ 37 người lên đến 267 người, số bài báo ISI từ 5 bài lên đến 141 bài (đứng thứ 8 ở Việt Nam), 14 chương trình đạt chuẩn AUN. Nhà trường từ nợ 40 tỉ đồng đến nay trở thành trường đầu tiên lọt vào danh sách có doanh số 700 ti đồng; từ đầu tư 20 tỉ đồng/năm cho phòng thí nghiệm lên đến 200 tỉ đồng/năm; điểm chuẩn đầu vào cao, thu hút đầu tư lớn….
PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm
Hiện nay 100% giảng viên đều ứng dụng dạy học trực tuyến và đưa bài giảng lên hệ thống. Tất cả lớp học đều học online, chỉ còn khoảng 10% thời lượng chương trình sinh viên phải đến lớp để kiểm tra.
Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng đổi mới. Có người vì thiếu tự tin, có người thậm chí khó khăn khi phải ứng dụng công nghệ hiện đại, phải thay đổi phương pháp truyền đạt kiến thức.
Vì vậy, nhà trường triển khai chính sách tận dụng nguồn lực sinh viên bằng cách mỗi năm trường chi khoảng 2,5 tỷ đồng cho sinh viên làm trợ lí cho giảng viên. Sinh viên là thế hệ trẻ năng động và rất am hiểu về công nghệ, sẽ hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy, sinh viên vừa phát huy được năng lực của bản thân vừa có thêm thu nhập hàng tháng.