Dịch vụ GrabMart, vốn chỉ mua hàng hộ ở siêu thị, nay đã mở rộng sang đi chợ hộ. Sáng 29/12, Grab cho biết ban đầu có 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng (2 chợ), Hà Nội (7 chợ) và TP HCM (4 chợ) tham gia.
Theo đó, dịch vụ giúp người dùng có thêm lựa chọn mua các mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá, sữa, hoa tươi...từ các sạp hàng tại chợ truyền thống và nhận trong vòng một giờ. Trong khi đó, việc mở rộng dịch vụ cũng giúp tài xế có thêm cơ hội nâng thu nhập.
Các tiểu thương mở sạp online sẽ được thông báo đơn hàng trên ứng dụng khi có người đặt mua. Họ sẽ chuẩn bị đơn để chờ tài xế đến lấy. Grab dự kiến, khi mỗi chợ có từ 20 sạp tham gia sẽ có đội ngũ nhân viên gom đơn giúp cho tài xế, với những khách hàng đặt đơn cùng lúc nhiều sạp.
"Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là với các doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline", bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam, nói về thời cơ này.
Việt Nam là nước thứ 3 ở Đông Nam Á mà Grab triển khai dịch vụ đi chợ truyền thống hộ. Từ tháng 9/2020, họ đã thử nghiệm dịch vụ tại Đà Nẵng và Hà Nội. Số lượng đơn hàng trung bình hằng ngày trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó.
Trước Grab, một số nền tảng như Now, be cũng đã triển khai dịch vụ được gọi là "đi chợ hộ". Tuy nhiên, "be Đi chợ" của be và "Now Fresh" của Now chủ yếu hỗ trợ mua sắm tại một số địa chỉ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm có thương hiệu, chưa thực sự lấn sâu vào sạp hàng trong chợ truyền thống.
Riêng Grab đặt tham vọng sẽ tăng số lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trước cuối năm 2021. Từ nay đến Tết Tân Sửu, nền tảng này quyết định chi 5 tỷ đồng để khuyến mại, quảng bá dịch vụ mới.
Tuy nhiên, tham vọng của Grab sẽ không hoàn toàn dễ dàng. Bà Nguyễn Thái Hải Vân thừa nhận làm dịch vụ đi chợ truyền thống hộ "rất khó". "Riêng việc vận hành, tham gia vào mảng này rất nguy hiểm vì đây là đồ tươi, lao vào mà không đảm bảo được là rất nguy cơ", bà Vân nói và cho biết để đưa một tiểu thương vào hệ thống cần trung bình 2 tuần nhằm thẩm định các thủ tục từ giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Một số thách thức khác như tiểu thương lo lắng về sử dụng công nghệ; thói quen chuẩn bị hàng hóa hàng ngày; hay như phải chờ đợi nhận tiền chuyển khoản sau một ngày đối với các đơn thanh toán trực tuyến. "Gặp 100 tiểu thương thì số người chấp nhận chính sách cam kết đổi trả cũng còn ít", bà Vân nói thêm
Nhưng người đứng đầu Grab Việt Nam cho rằng, tiểu thương chỉ có độ ì nhất định chứ không thiếu năng lực."Thực tế, tiểu thương có thể chuyển đổi và thích ứng rất nhanh", bà Vân nói và cho hay đang tập trung đầu tư những sạp "hạt giống" để lan tỏa hưởng ứng đến các tiểu thương khác.
Một vấn đề khác là người đi chợ truyền thống thường là phụ nữ nội trợ, thích không khí tương tác ở chợ, hoặc lực lượng trung niên không thường xuyên dùng các nền tảng online. Trong khi đó, khách hàng chính của Grab là người trẻ, vốn chuộng mua hàng siêu thị, cửa hàng thương hiệu, ít có nhu cầu đi chợ hơn.
"Trong thời gian tới, chúng tôi định hướng vừa trẻ hoá lẫn già hoá đối tượng người dùng hơn nữa. Đây là một nỗ lực lớn để tiếp cận người lớn tuổi hơn. Sản phẩm này không chỉ phục vụ khách hàng hiện tại mà còn phục vụ thêm cho nhóm khách hàng tiềm năng", bà Vân lý giải và bật mí thêm Grab đang có tham vọng lấn sân sang mảng giáo dục và y tế.
Viễn Thông