Tính đến ngày 29-12 (giờ Việt Nam) là còn chưa đầy một tháng nữa ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ. Nhìn vào nội dung cương lĩnh tranh cử của ông, chính quyền mới chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục theo sát và đẩy mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ngay cả khi mục tiêu này có thể không phải là ưu tiên ngoại giao hàng đầu do Mỹ đang có nhiều vấn đề cấp bách khác cần lưu tâm lúc này như COVID-19 hay mối nguy từ Trung Quốc.
Họ đã nói Nếu lắng nghe kỹ những tuyên bố của Triều Tiên, họ thường ẩn ý về mục tiêu mà họ muốn hướng đến cũng như ngầm tiết lộ các kế hoạch cho một hành động khiêu khích hay một vụ thử vũ khí lớn nào đó. PGS JOHN DELURY, ĐH Yonsei (Hàn Quốc) |
Ông Biden sẽ tiếp cận Triều Tiên ra sao?
Theo tờ The Nikkei, giới quan sát cho rằng việc ông Biden làm tổng thống sẽ mở ra nhiều hướng đi mới trong quan hệ Mỹ - Triều. Bản thân là một chính khách chuyên nghiệp, ông Biden sẽ ủng hộ cách làm ngoại giao truyền thống dựa trên nền tảng của chủ nghĩa đa phương và các giá trị tự do kiểu Mỹ. Ở cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 10, ông Biden từng chỉ trích đương kim Tổng thống Donald Trump có thái độ quá thân thiết với ông Kim cũng như chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên cố tình lợi dụng sự kiên nhẫn của Mỹ để trì hoãn đóng băng chương trình hạt nhân.
Từ đó có thể thấy ông Biden đối với Triều Tiên sẽ không tiếp xúc qua con đường ngoại giao dựa trên quan hệ riêng giữa lãnh đạo hai nước như người tiền nhiệm. Ông Biden sẽ có các quy tắc, giới hạn cụ thể và sẵn sàng phản ứng quyết liệt khi Bình Nhưỡng vượt qua chúng. Chẳng hạn, ông Biden có thể đồng ý gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế Triều Tiên với điều kiện Bình Nhưỡng ngay sau đó phải có động thái giảm thiểu hoạt động các nhà máy hạt nhân một cách rõ ràng. Nếu Bình Nhưỡng không giữ đúng cam kết thì Mỹ sẽ không những tái kích hoạt mà còn gia tăng cấm vận.
Theo các nhà quan sát, lý do hàng đầu khiến đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào bế tắc sau các kỳ thượng đỉnh nằm ở việc ông Trump không chịu nhượng bộ và không hiểu được những quan ngại về an ninh của Triều Tiên nếu bị bắt phải từ bỏ ngay lập tức vũ khí hạt nhân mà không có các bước chuẩn bị cần thiết. Cách tiếp cận của ông Biden hứa hẹn sẽ vừa mang lại độ rắn cần thiết, vừa đủ mềm dẻo để đem lại hiệu quả.
Dự đoán phản ứng của Triều Tiên trong năm 2021
Giới chuyên gia ước tính Triều Tiên hiện có khoảng 20-60 đầu đạn hạt nhân có thể triển khai được. Nước này thời gian qua còn phát triển được tên lửa đạn đạo với đường bay khó bị truy dấu và đánh chặn. Trong nửa cuối năm 2017, Triều Tiên đã nhiều lần bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Trả lời The Nikkei, một quan chức Triều Tiên tự tin khẳng định nước này đã đủ khả năng “gây thiệt hại tới thủ đô nước Mỹ”. Theo quan chức này, “trong bối cảnh đó, Triều Tiên và Mỹ sẽ ngửa bài dần và tiếp tục đàm phán vấn đề phi hạt nhân hóa, gỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế và thiết lập hòa bình trên tư cách là hai quốc gia ngang hàng cùng sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Một điểm cần lưu ý là kể từ khi truyền thông Mỹ ngày 7-11 thông báo ông Biden thắng cử đến nay, cả lãnh đạo Kim Jong-un lẫn truyền thông Triều Tiên đều không đề cập kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Do đó, không có nhiều dữ kiện để dự đoán chính xác bước đi sắp tới của nước này. Có thể sự im lặng của Triều Tiên là chỉ dấu cho việc giới lãnh đạo nước này đang nhìn về phía ông Biden với thái độ hoài nghi, chờ ông đi nước cờ đầu tiên.
Nếu tân tổng thống Mỹ không có thái độ thiện chí, Triều Tiên có thể trở lại với những hành động khiêu khích như bắn thử tên lửa đạn đạo nhằm “răn đe và khẳng định thế chủ động”. Điều này về lâu dài sẽ không tốt cho tiến trình phi hạt nhân hóa nếu hai bên cứ giữ khoảng cách, không có được sự cởi mở cần thiết để kiến tạo đối thoại.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). Ảnh minh họa: CNN
Kịch bản tích cực hơn, nếu hai bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên chắc chắn sẽ tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận phi hạt nhân hóa chính thức với đầy đủ các bước thực hiện từ nhỏ đến lớn, bởi cho đến nay giữa nước này và chính quyền ông Trump vẫn chưa thiết lập được bất kỳ thỏa thuận nào. Nếu thành hiện thực, một thỏa thuận như vậy có thể cũng sẽ được ông Biden đồng ý vì ông nhận thức được mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện và ngay lập tức cho bán đảo Triều Tiên là rất khó thực hiện.
Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ kêu gọi chính quyền ông Biden duy trì các cam kết được đề cập trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore vào tháng 6-2018, bao gồm thiết lập quan hệ song phương và thúc đẩy lòng tin lẫn nhau. Tuy nhiên, với việc ông Biden tỏ ra rất gay gắt về chính sách ngoại giao của ông Trump với Triều Tiên, việc ông có chịu kế thừa thành quả của người tiền nhiệm hay không là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.•
Kinh tế Triều Tiên lần đầu tăng trưởng sau hai năm Hãng thông tấn Yonhap dẫn báo cáo do Cơ quan thống kê Triều Tiên công bố ngày 28-12 cho thấy sau hai năm sụt giảm liên tiếp, lần đầu tiên GDP của nước này tăng trưởng vào năm 2019, ở mức 0,4%. Trước đó, nền kinh tế quốc gia Đông Bắc Á này đã lần lượt giảm 3,5% năm 2017 và 4,1% năm 2018. Sự chuyển biến của kinh tế Triều Tiên nhờ tăng trưởng đột biến trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Dù vậy, nhiều khả năng những thành quả đạt được nói trên đã bị đại dịch COVID-19 trong năm 2020 càn quét. Các hoạt động thương mại của Triều Tiên được cho là chịu ảnh hưởng nặng nề do nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. |