Cùng Tuổi Trẻ Online điểm qua một vài xu hướng nổi bật trong năm 2020.
Bước đi của đoàn quân bác sĩ tuyến đầu nhận hàng nghìn lượt chia sẻ
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan tại Việt từ 1-2020, hình ảnh về các bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội. Những hình ảnh này những y bác sĩ công tác tại các bệnh viện chụp, hoặc được vẽ lại.
Đáng chú ý là hình ảnh những y bác sĩ từ bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và bệnh viên Bạch Mai (Hà Nội) sải bước trên hành lang bệnh viện Đà Nẵng được chia sẻ từ ngày 28-7. Bức ảnh Những chiến binh thầm lặng nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội cùng với những dòng trạng thái xúc động và biết ơn.
Hình ảnh các y bác sĩ trên hành lang bệnh viên Đà Nẵng được chia sẻ trên mạng xã hội
Hình ảnh sau đó được vẽ lại và tiếp tục được chia sẻ liên tục
Những hình ảnh phác họa khác do sinh viên vẽ để ủng hộ tinh thần y, bác sĩ - Ảnh: ÚT NGÂN
Những hình ảnh phác họa khác do sinh viên vẽ để ủng hộ tinh thần y, bác sĩ - Ảnh: ÚT NGÂN
Cũng trong năm 2020, trào lưu vẽ tranh biếm họa về virus này cũng như nỗi sợ hãi đối với nó được nhiều người hưởng ứng.
Tại Việt Nam, ảnh chế về virus, khẩu trang,… trong đại dịch COVID-19 cũng được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Những hình ảnh này nhận được sự quan tâm và chia sẻ của nhiều người.
Bức ảnh biếm họa về dịch COVID-19 được họa sĩ quốc tế vẽ lại - Ảnh: TOM STIGLICH
Trào lưu ảnh chế COVID-19 cũng được nhiều bạn trẻ, họa sĩ Việt Nam hưởng ứng - Ảnh: VẼ BẬY
ATM gạo, siêu thị hạnh phúc 0 đồng
Xuất hiện đầu tiên tại quận Tân Phú, TP.HCM, máy ATM gạo dành cho những người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 nhanh chóng được lan tỏa tới nhiều quận và thành phố trên cả nước. Mỗi lần bấm nút, máy sẽ tuôn ra khoảng 1,5 ký gạo, đủ để 2 - 3 người ăn trong vòng 1 tuần.
Dự án nhận được sự quan tâm và đóng góp của nhiều nhà hảo tâm tại Việt Nam. Mô hình này cũng đã được áp dụng tại các nước Đông Nam Á như Campuchia, Ấn Độ trong đại dịch.
Bên cạnh ATM gạo, siêu thị hạnh phúc 0 đồng cũng là một chiến dịch nổi bật. Gọi là siêu thị bởi nơi đây có các mặt hàng nhu yếu phẩm được sắp xếp trên kệ. Người dân xếp hàng và chọn những nhu yếu phẩm cần thiết miễn phí. Tuy nhiên, tổng giá trị hàng hóa phải dưới 100.000 đồng/người.
Người dân chọn các thực phẩm thiết yếu tại Siêu thị hạnh phúc 0 đồng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người dân xếp hàng tại ATM gạo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bài hát và điệu nhảy rửa tay chống COVID-19 lan rộng toàn cầu
Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay trên nền ca khúc này đã tạo ra một "làn sóng" lan rộng toàn cầu vào khoảng tháng 2. Ghen Cô Vy là bản biến tấu về ca từ của ca khúc Ghen, một hit của Min và Erik từ năm 2017. Đây là ca khúc cổ động phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, được Min, Erik phối hợp với nhạc sĩ Khắc Hưng sửa lời và thu âm.
Ca khúc này được dân mạng quốc tế tìm nghe sau khi xuất hiện trong chương trình truyền hình Mỹ. Nhiều ý kiến còn cho rằng ca khúc này nên được quốc tế hóa và trở thành ca khúc chống COVID-19 trên toàn thế giới.
Vũ điệu được vũ công Quang Đăng thực hiện đầu tiên, và được đăng tải trên trang fanpage của UNICEF. Điệu nhảy khái quát 6 bước rửa tay cơ bản giúp phòng chống dịch hiệu quả do WHO khuyến cáo.
Ngay lập tức, thử thách vũ điệu rửa tay (với hashtag #vudieuruatay hay #handwashingdance) nhanh chóng được nhiều khán giả tham gia trên các trang mạng xã hội.
Không riêng ở Việt Nam, vũ điệu này còn được xuất hiện tại chương trình Late Week Tonight with John Oliver (HBO) và được nhiều bạn trẻ nước ngoài hưởng ứng.
MC John Oliver hài hước nhảy theo vũ điệu rửa tay trên kênh truyền hình HBO (Mỹ) - Ảnh: HBO
MV Ghen Cô Vy nhận được sự quan tâm của khán giả Việt Nam và quốc tế - Ảnh: Chụp màn hình
Nghiện nhà - Yêu bếp
Thời điểm cả nước cách ly, phòng sự lây lan của COVID-19, những món ăn ngon, bí quyết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,… xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội. Đáng kể là cà phê dalgona, trứng chiên bọt biển, bánh mì bơ tỏi phô mai và những món ăn gia đình.
Việc nấu nướng, yêu bếp thương nhà trở thành một trào lưu được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Cùng với đó là sự xuất hiện của nhóm "Nghiện nhà - Yêu bếp". Thời gian đầu khi trào lưu này xuất hiện, nhóm này có gần 800.000 thành viên với hơn 10.000 bài chờ duyệt mỗi ngày.
Cà phê dalgona “hot” trên mạng xã hội - Ảnh: INDIAEXPRESS
Cả nước hướng về miền Trung mùa mưa lũ
Không dừng ở dịch COVID-19, năm 2020 càng khó khăn hơn với miền Trung khi nhiều cơn bão ập về khoảng tháng 10. Trước tình cảnh khó khăn này, nhiều bạn trẻ đã vẽ tranh để truyền tải thông điệp yêu thương, cảm thông đến với cộng đồng.
Nổi bật là truyện tranh Lũ cuốn trôi rồi của tác giả Đan Độc Đáo (tên thật Nguyễn Đạo Nhất Đan, sinh năm 1993, sống tại TP.HCM). Bộ truyện nhận được sự quan tâm từ cộng đồng với hàng nghìn lượt chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều trang khác như Thăng Fly Comics, Én Comics, Three Thouzand... cũng đăng tải hình vẽ với thông điệp động viên, chia sẻ đến đồng bào miền Trung.
Tranh Lũ cuốn trôi rồi của Đan Độc Đáo - Ảnh: ĐAN ĐỘC ĐÁO
Tranh :Lũ cuốn trôi rồi" của Đan Độc Đáo
Một trong những câu chuyện được quan tâm và chia sẻ nhiều trên mạng xã hội trong năm 2020 chính là việc cứu trợ miền Trung. Nổi bật là ca sĩ Thủy Tiên với số tiền hàng trăm tỉ kêu gọi được từ các mạnh thường quân cùng với việc có mặt tại nhiều tỉnh miền Trung để trực tiếp hỗ trợ người dân.
Tính đến tháng 11, với tổng chi tiền mặt có xác nhận của chính quyền địa phương là hơn 178,5 tỉ đồng, Thủy Tiên đã giúp 61.532 hộ, xây dựng 3 cầu dân sinh, 175 căn nhà mới, 10 nhà cộng đồng tránh bão lũ, 10 xuồng máy cứu hộ.
Tuy nhận được nhiều lời khen cũng như sự đồng cảm từ cộng đồng, Thủy Tiên cũng nhận phải đối diện với không ít lời chỉ trích. Một số người cho rằng giọng ca Giấc mơ tuyết trắng đã không minh bạch trong việc sao kê tài khoản, xử lý nhiều tình huống chưa hợp lý, thậm chí còn cho rằng cô dùng việc từ thiện này để nâng tên tuổi của mình.
Trước những lời công kích, cô bày tỏ: "Nếu tôi sống sai trái đạo đức, các bạn tấn công cũng được. Nhưng chỉ vì tôi mong muốn đi giúp người mà làm các bạn không hài lòng rồi công kích, cướp mất công việc tôi đang nuôi sống bao nhiêu người thì tội nghiệp quá. Tôi cũng chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé muốn đóng góp chức công sức giúp bà con lúc khó khăn".
Thủy Tiên trong đợt cứu trợ miền Trung vừa qua - Ảnh: FBNV
Làn sóng rap trong giới trẻ Việt
Cuối năm 2020 được xem giai đoạn của rap khi các chương trình truyền hình, cuộc thi về rap nhận được sự quan tâm của giới trẻ Việt.
Rap "gia nhập" vào đời sống hàng ngày giới trẻ và không còn xuất hiện riêng ở vị trí phụ họa cho nhạc pop. Những ca khúc, nhạc phim, và cả những câu nói trending trên mạng xã hội đa phần xuất phát từ các chương trình, lời bài rap hoặc từ các rapper. "Ờ mây zing, gút chóp", "Em cần bao bọc không cần bão likes", "Ở trong rừng an toàn hơn ở trên mạng, Một mình vẫn tốt hơn là mất thêm bạn",… là những câu nói được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nhạc rap vẫn vấp phải những rào cản khi bước ra khỏi những chương trình đình đám. Không ít nhận xét cho rằng những rapper trẻ thiếu kinh nghiệm với những lời bài rap chưa mang đến ý nghĩa, hoặc Binz với khả năng live yếu và Karik với những sản phẩm âm nhạc chưa thực sự ấn tượng.
Làn sóng antifan
Một trong những điểm đáng chú ý trên mạng xã hội năm 2020 chính là những nhóm antifan với đông đảo thành viên, lên đến gần 100.000 thành viên mỗi nhóm. Khởi đầu từ các hội nhóm antifan dành cho nghệ sĩ như Hương Giang, Trấn Thành, Hariwon, Lan Ngọc… các hội nhóm nhanh chóng lan rộng trở thành trào lưu. Nhiều người đẹp, nghệ sĩ khác như hoa hậu Phạm Hương, Lâm Mỹ Dạ,… cũng từng bị lập group tẩy chay hội đồng "vô tội vạ" với nhiều lý do khác nhau.
Tuy nhiên, những hội nhóm này lại hoạt động "lệch" với mục đích ban đầu là anti. Khi các hội nhóm đã thu hút được đông đảo số lượng thành viên, nó bắt đầu được đổi thành các hội nhóm bán hàng online.
Ví dụ điển hình nhất chính là "group anti" Hương Giang có tên "Anti nữ hoàng đạo lý" bị đổi tên thành "Thực đơn ăn dặm" sau một thời gian ngắn chỉ trích cô.
Mukbang
Mukbang là từ kết hợp trong tiếng Hàn, nghĩa là hình thức vừa ăn uống vừa ghi hình. Người làm mukbang, thường là youtuber, sẽ vừa ăn, vừa trò chuyện và tương tác với người xem.
Xuất hiện tại Hàn Quốc từ năm 2010, đến năm 2020, trào lưu xem mukbang trở nên hot tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới vì người trẻ phải ở nhà nhiều hơn, và chuyển hình thức giải trí. Quỳnh Trần JB, Ninh Tito, Thánh ăn TV,… trở thành những cái tên quen thuộc.
Tuy nhiên, trào lưu Mukbang cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều khi nhiều Youtuber bị tố giả vờ ăn để lừa khán giả, hay hành hạ động vật khi ăn sống.
Quỳnh Trần và bé Sa là một trong những “hiện tượng” mukbang nổi bật tại Việt Nam trong năm 2020
TTO - Không còn tình trạng quá tải du lịch, du lịch nội địa ghi nhận những tín hiệu tích cực, thiên nhiên phục hồi... là những thứ mà ngành du lịch năm 2020 gặt hái được, dù đây là một năm khó khăn do COVID-19.